Về tình hình thu - chi, cân đối ngân sách năm 2015, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách T.Ư lại hụt thu khoảng 31 nghìn tỷ đồng, nguyên nhân chính là do giá dầu giảm, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, các cơ quan chức năng nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015.
Về tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), ý kiến của các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương; cho rằng thực hiện theo phương án đã báo cáo T.Ư, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3.2016. Về xác định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với phương án chuẩn nghèo thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị,
Trả lời câu hỏi về việc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội công bố “tình hình ngân sách năm 2016 rất căng thẳng, con số thực để phân bổ hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng, trả nợ xong là không còn tiền để chi tiêu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Về thu ngân sách nhà nước (NSNN), Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến tổng thu năm 2016 là 1.014 nghìn tỷ đồng, tăng 103 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2015.
Theo Bộ trưởng Nên, về dự toán chi đầu tư phát triển (ĐTPT) nguồn NSNN: Năm 2016 là 255,75 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức bội chi NSNN (254 nghìn tỷ đồng). Tính cả chi đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ 60 nghìn tỷ đồng; từ nguồn thu xổ số kiến thiết 26 nghìn tỷ đồng thì tổng chi ĐTPT năm 2016 là 341,75 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng chi NSNN. Con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập là vốn ngân sách Trung ương trong nước và chỉ là một phần trong tổng chi ĐTPT nêu trên.
“Ngoài ra, Chính phủ dự kiến còn sử dụng nguồn bán một phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện T.Ư, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho chương trình chống ngập lụt tại TP.HCM”- Bộ trưởng Nên thông tin.
Chính phủ cũng đã nhất trí với phương án của Bộ LĐTBXH về việc nghỉ lễ, tết năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Theo đó, đợt nghỉ Tết Âm lịch 2016 từ ngày 6.2.2016 đến hết ngày 14.2.2016 (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Ất Mùi đến hết ngày 7 tháng Giêng năm Bính Thân).
Tổng cộng nghỉ 9 ngày và không thực hiện hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.