Chính quyền làm sai - người dân khốn cùng

Thứ năm, ngày 05/04/2012 10:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi người dân đang dựng nhà thì UBND huyện tổ chức cưỡng chế khiến gia đình họ lâm vào cảnh khốn cùng... Câu chuyện bắt nguồn từ việc UBND huyện Thanh Hà cấp đất ở không đúng quy định.
Bình luận 0

Cán bộ sai, dân chịu trận

Ngày 27.7.2010, ông Phạm Văn Bích mua lại một mảnh vườn và đất ở của ông Phạm Văn Hữu thuộc địa phận xã Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương. Mảnh đất này được UBND xã Thanh Sơn xác minh bản đồ năm 1985. Trong số diện tích đất 24.470m2 này đã có 300m2 được chuyển làm đất ở, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do UBND huyện Thanh Hà cấp. Ngày 15.9.2010, UBND huyện Thanh Hà chuyển giao và làm GCNQSDĐ cho ông Phạm Văn Bích, trong đó cũng giữ nguyên hiện trạng, giao cho gia đình ông Bích 300m2 làm đất ở.

img
Gia đình ông Bích và căn nhà ở đón Tết Nhâm Thìn.

Do đã được cấp đất ở nên ngày 13.10.2010, ông Bích đã mua lại một căn nhà gỗ tại tỉnh Hòa Bình chuyển về để làm nhà ở. Ngày 18.10.2010, Hạt Quản lý đê điều huyện Thanh Hà đến gia đình thông báo: Tạm dừng mọi hoạt động xây dựng tại đây. Ngày 5.7.2011, UBND huyện có quyết định thanh tra về tính hợp pháp của mảnh đất ông Bích đang sử dụng.

Ngày 19.7.2011, UBND huyện Thanh Hà tiếp tục ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ của gia đình ông Bích. Văn bản nêu rõ, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Bích của UBND huyện Thanh Hà là vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ đê điều và có quyết định xử phạt hành chính 22,5 triệu đồng đối với gia đình ông Bích.

Không đồng tình, ông Bích đã gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh nhưng không có hồi âm. Tiếp đó UBND huyện Thanh Hà đã ra quyết định ngày 5.1.2012 sẽ tổ chức cưỡng chế nhà ông Bích. Ngày 4.1.2012, gia đình ông Bích đã phải tự tháo dỡ phần mái ngôi nhà của mình.

Ngày 5.1.2012 (tức ngày 13 tháng Chạp Tết Nhâm Thìn), Hội đồng cưỡng chế của huyện đã xuống tham gia tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà của ông Bích. Việc cấp đất và cho chuyển quyền sử dụng đất sai của UBND huyện Thanh Hà đã rõ, nhưng hậu quả thì người dân lại phải gánh chịu. Vậy trách nhiệm của đơn vị đã làm sai trong việc này ra sao?

Tình và lý ở đâu?

Trao đổi với PV NTNN, bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà - vừa là người ký cấp GCNQSDĐ cho ông Bích, lại vừa là Trưởng ban cưỡng chế, tháo dỡ nhà ông Phạm Văn Bích – thừa nhận: “Việc cấp đất là sai. Đúng là tôi có ký vào GCNQSDĐ, nhưng ông Phạm Quý Lại mới là người làm sai”.

Theo lý giải của bà Tuyết, ông Phạm Quý Lại (Giám đốc Văn phòng đăng ký QSD đất huyện Thanh Hà) là người cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vườn thổ cư sang đất ở nông thôn cho gia đình ông Bích dẫn đến việc gia đình xây dựng nhà trên đó. Nhưng hiện tại, ông Lại đã nghỉ hưu. Cấp huyện làm sai dẫn đến việc người dân buộc phải phá hủy toàn bộ tài sản của mình nhưng các phương án hỗ trợ hoàn toàn không có.

“Cưỡng chế vào cuối năm là hợp lý, sang năm mới, lằng nhằng những việc này là mệt lắm”.

Việc sai - đúng của chính quyền và các cơ quan chức năng là một vấn đề nan giải cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên lời nói của cháu Phạm Thị Ngọc (12 tuổi) - con gái ông Phạm Văn Bích - không cần phải có con dấu của cơ quan nào chứng nhận về tính chính xác: “Ăn tết ngoài bãi sông, trong lều tạm, cháu thấy lạnh và tủi thân với bạn lắm!”.

Trước đây, không có mảnh đất làm nhà, cả gia đình ông Bích ở trên một con thuyền diện tích chưa đầy 4m2, làm nghề thuyền chài trên sông Thái Bình. Sinh ra, lớn lên và đi học bằng thuyền nên năm nay (khi bố mẹ dành dụm được tiền mua đất và làm căn nhà, dù là xoàng xĩnh) là năm mà cháu Ngọc mong muốn có bạn đến chơi nhà ngày Tết. Giấc mơ ấy đã không thành, giờ lại còn mang tiếng con của gia đình: “Không tuân thủ quy định của địa phương”.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem