Chính quyền Trump muốn cắt ngay tài trợ, đẩy nhanh quá trình rời WHO

03/09/2020 11:59 GMT+7
Hôm 2/9 vừa qua, chính quyền Trump đã vạch ra lộ trình tiếp theo cho việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới WHO, một quá trình phức tạp dự kiến sẽ mất ít nhất 1 năm để hoàn thành.
Chính quyền Trump muốn cắt ngay tài trợ, đẩy nhanh quá trình rời WHO - Ảnh 1.

Chính quyền Trump muốn cắt ngay tài trợ, đẩy nhanh quá trình rời WHO

Nerissa Cook, phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề tổ chức quốc tế hôm 2/9 khẳng định: “Quan điểm của Nhà Trắng là WHO cần phải thay đổi, và điều đó bắt đầu bằng việc chứng tỏ sự độc lập của WHO với Đảng Cộng sản Trung Quốc… Chúng tôi đang ủng hộ sự minh bạch và trách nhiệm hơn, chúng tôi đồng thời muốn chứng kiến chất lượng thông tin liên lạc được đẩy mạnh hơn”. Bà Nerissa nhấn mạnh chính quyền Trump muốn thấy “sự quản lý chặt chẽ và tập trung hơn” của WHO trong vấn đề “ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với đại dịch”.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Nerissa Cook nói thêm rằng Mỹ vẫn có thể xem xét lại quá trình rút khỏi WHO nếu chính quyền Tổng thống Trump nhận thấy tổ chức này đã thực hiện đầy đủ các cải cách như Nhà Trắng kỳ vọng.

WHO hiện chưa đưa ra bình luận nào sau tuyên bố này. 

Cho đến nay, Mỹ được xem là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Hồi tháng 7/2020, chính quyền Trump lần đầu tiên ra thông báo chính thức về việc rút khỏi tổ chức này khi Tổng thống Trump cáo buộc WHO có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc và không nỗ lực đủ để ngăn chặn sự bùng phát đại dịch Covid-19. “Trung Quốc nắm toàn quyền kiểm soát Tổ chức Y tế Thế giới dù chỉ tài trợ 40 triệu USD mỗi năm, kém xa những gì Mỹ phải trả (khoảng 450 triệu USD mỗi năm” - ông Trump nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.

Việc chính thức rút khỏi WHO chỉ có hiệu lực sau 1 năm, tức tháng 7/2021. Trong khoảng thời gian 1 năm này, Mỹ vẫn có nghĩa vụ duy trì các khoản tài trợ, đóng góp tài chính. Tuy nhiên, theo tuyên bố của bà Nerissa Cook hôm 2/9, các khoản tiền đóng góp tài chính này có thể sẽ được chính quyền Trump “chuyển sang Liên Hợp Quốc cho các mục đích khác”. “Hiện Bộ đang trong quá trình thông báo đến Quốc hội về việc xem xét lại các quỹ”.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau quyết định của Nhà Trắng về việc không tham gia vào các nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 do WHO dẫn đầu. Sáng kiến này có tên Cơ sở Tiếp cận Toàn cầu Vaccine Covid-19 (gọi tắt là COVAX), với hơn 170 quốc gia tham dự cho đến nay. Sáng kiến này làm việc với các nhà sản xuất vaccine để cung cấp cho mọi quốc gia trên thế giới khả năng tiếp cận bình đẳng với vaccine an toàn, hiệu quả.

Trong khi chính quyền Trump nỗ lực thúc đẩy việc tách khỏi WHO, phía Đảng Dân chủ đối lập lại không mấy hài lòng với quyết sách này. Tim Rieser, trợ lý chính sách đối ngoại của Patrick Leahy, Thượng nghị sĩ Dân chủ từ Vermont nhận định: “Tổng thống đang cố tình đổ lỗi cho những người khác bởi chính quyền của ông ta đã có phản ứng tệ hại trong việc xử lý đại dịch… WHO đã phạm sai lầm… Nhưng thật liều lĩnh khi quyết định rút khỏi một tổ chức mà đáng lẽ chúng ta phải đồng hành, không chỉ để chống lại đại dịch này mà còn để đối phó với vô số mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác trên toàn cầu”.

Còn ứng viên Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ thì tuyên bố sẽ đưa Mỹ gia nhập WHO trở lại ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống nếu ông này đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Về phía chính quyền Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 2/9 đã xoa dịu quan ngại rằng Mỹ vắng mặt trong sáng kiện COVAX sẽ gây bất lợi cho an toàn sức khỏe toàn cầu. “Không có quốc gia nào sẵn sàng và cam kết sâu sắc hơn trong việc cung cấp vaccine trên toàn thế giới như Mỹ” - ông Pompeo nhấn mạnh. 

Cho đến nay, Mỹ xác nhận ít nhất 6,07 triệu ca nhiễm Covid-19 và 184.600 ca tử vong, theo dữ liệu thống kê từ Đại học Johns Hopkins. Trên toàn thế giới, virus đã lây nhiễm cho khoảng 25,7 triệu người và giết chết hơn 857.800 người.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục