Chính sách Trung Quốc của Biden còn cứng rắn hơn cả Trump

12/04/2021 09:41 GMT+7
Báo cáo từ Cowen mới đây chỉ ra rằng rủi ro với các nhà đầu tư Mỹ khi đổ tiền vào Trung Quốc có vẻ đang tăng lên dưới thời Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nhà phân tích Jaret Seiberg từ Cowen Washington Research Group có trụ sở tại Washington DC nhận định: “Chúng tôi tin rằng Tổng thống Biden đang gây tác động đáng kể hơn với các công ty tài chính hoạt động ở Trung Quốc hơn là Tổng thống Trump. Chúng tôi cho rằng đội ngũ của Biden sẽ có chiến lược đa phương và hiệu quả hơn trong cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc”.

Áp lực không ngừng từ phía Mỹ có thể sẽ biến các chính sách dưới thời Trump, bao gồm hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, thành hiện thực.

Chính sách Trung Quốc của Biden còn cứng rắn hơn cả Trump - Ảnh 1.

Chính sách Trung Quốc của Biden còn cứng rắn hơn cả Trump, nhà phân tích Jaret Seiberg từ Cowen Washington Research Group nhận định

Căng thẳng Mỹ Trung đã leo thang dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và lan rộng sang nhiều mặt trận từ thương mại đến công nghệ và tài chính. Chính quyền Trump tham vọng hạn chế đầu tư của Mỹ vào các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc thông qua loạt quy định mới, nhưng chính sách như vậy có vẻ gây ít tác động hơn so với mức thuế quan và các lệnh trừng phạt thông qua danh sách đen.

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden đã luôn duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc. “Tôi sẽ không làm theo cách của Trump. Chúng tôi sẽ tập trung vào các quy tắc quốc tế mang tính đa phương… Chúng tôi không cần khơi mào xung đột, nhưng sẽ có sự cạnh tranh gay gắt” - Tổng thống Biden tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với CBS News hôm 7/2, chỉ nửa tháng sau khi nhậm chức.

“Chúng tôi sẽ đối mặt với sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ duy trì quan điểm Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ… Nhưng chúng tôi sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh chừng nào Washington muốn làm như vậy. Chúng tôi sẽ cạnh tranh từ một vị thế mạnh mẽ hơn bằng cách hợp tác với các đồng minh của Mỹ” - ông Biden tái khẳng định.

Hồi tuần trước, chính quyền Biden đã củng cố cách tiếp cận cứng rắn này khi thêm hàng loạt công ty công nghệ siêu máy tính Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, viện dẫn quan ngại an ninh quốc gia.

Nhắc lại về mối đe dọa hủy niêm yết các doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ, nhà phân tích Jaret Seiberg nhận định: “Điều đó sắp xảy ra. Quốc hội đã thông qua luật vào năm ngoái và chúng tôi chưa thấy kịch bản nào cho phép Mỹ bãi bỏ luật này… Động thái như vậy sẽ buộc các công ty Trung Quốc quay trở lại niêm yết tại Hong Kong”.

Hồi tháng 12/2020, thời điểm sắp rời nhiệm sở, ông Trump đã ký phê duyệt một đạo luật quy định các công ty nước ngoài sẽ bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ nếu không tuân thủ các cuộc kiểm toán từ Ủy Ban Giám sát Kế toán Công của Mỹ trong vòng 3 năm liên tiếp. Đạo luật được cho là nhắm trực tiếp đến các doanh nghiệp Trung Quốc. Trang web chính thức của Ủy ban này đã liệt kê 300 trường hợp từ chối chịu thanh tra, phần lớn là các công ty Trung Quốc như Alibaba hay Baidu. Trong suốt 15 năm qua, một số công ty Trung Quốc đã huy động được hàng tỷ USD nhờ niêm yết tại Mỹ, trước khi bị lộ những bên bối gian lận tài chính gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư.

Năm ngoái, ngay cả trong tình huống căng thẳng địa chính trị leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có tới 30 công ty Trung Quốc đã tiến hành niêm yết tại Mỹ, qua đó huy động được lượng vốn khổng lồ kỷ lục kể từ sau đợt IPO của Alibaba hồi năm 2014.

Bên cạnh hủy niêm yết, nhà phân tích Seiberg hy vọng chính quyền Biden sẽ chặn đầu tư của Mỹ vào các ngân hàng Trung Quốc và mở rộng danh sách đen đầu tư với nhiều công ty Trung Quốc hơn, đặc biệt là các công ty bị cáo buộc hậu thuẫn bởi quân đội nhà nước.

Ông Seiberg cho biết, các công ty Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc mua lại các công ty tài chính Mỹ, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp fintech, do chính quyền Biden có xu hướng nâng cao kiểm soát với việc DN Trung Quốc sở hữu dữ liệu người tiêu dùng của Mỹ.


NTTD
Cùng chuyên mục