Cho heo ăn nước ngập tới gối, rau, cá thất thu trong mấy tháng trời

Chúc Ly Thứ năm, ngày 26/10/2017 14:17 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân sống trong khu vực lâm phần thuộc Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) đang chịu cảnh sống chung với ngập úng. Thực trạng này đang gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Bình luận 0

Clip: Người dân lâm phần VQG U Minh Hạ khốn đốn vì ngập lụt

Có mặt tại khu vực ấp 12, 13 (xã Khánh An, huyện U Minh), ấp Vồ Dơi (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), phóng viên ghi nhận tình trạng nước ngập tràn lan, nhiều đoạn lộ bê tông cũng bị ngập, gây khó khăn trong đi lại của người dân. 

img

img

Nhiều nhà dân trong lâm phần ngập trong biển nước (Ảnh: Chúc Ly).

Bà Nguyễn Thị Nhanh (ngụ ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi), cho hay: Tình trạng ngập lụt diễn ra đã mấy tháng nay, khiến cho việc đi lại sinh hoạt trong gia đình rất khó khăn. Đồ đạc trong nhà phải kê lên cao nêu không sẽ bị trôi, ngập. Thậm chí, nước ngập tràn lan khiến tôi phải trang bị xuồng bơi trong sân để đỡ phải lội nước.

img

Người dân trang bị xuồng ngay trên sân nhà (Ảnh: Chúc Ly).

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Cúc (ngụ cùng ấp Vồ Dơi), chia sẻ: Nhà có nuôi mấy con heo, nước ngập lên gần nửa chuồng nên tôi phải kê ván để heo ở; bầy gà mấy chục con cũng chết hết do nước ngập. Nước ngập lâu ngày khiến cho việc chăn nuôi không thuận lợi, ngoài ra còn có tình trạng mất vệ sinh, tôi rất lo lắng cho sức khỏe của mấy đứa cháu nhỏ.

img

Người dân cho heo ăn trong tình trạng nước ngập đến gối (Ảnh: Chúc Ly).

Theo phản ánh của người dân trong lâm phần, tình trạng ngập lụt lâu ngày khiến cho việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích rau màu, ao nuôi cá bị thất thu.

img

Ông Nguyễn Văn Năm đã chuẩn bị giống rau màu nhiều ngày nay nhưng vẫn chưa trồng được do ngập (Ảnh: Chúc Ly).

“Nhà tôi có thu nhập chủ yếu từ diện tích rẫy, mọi năm thu về cũng vài chục triệu, còn năm nay coi như trắng tay. Mấy ngày nay tôi đã chuẩn bị sẵn giống cây màu để trồng nhưng đợi hoài mà nước chưa rút” - ông Nguyễn Văn Năm (ngụ ấp 13, xã Khánh An) ngao ngán nói.

Không những ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, tình trạng ngập úng còn ảnh hưởng lớn đến việc học của nhiều em học sinh. Có mặt tại điểm trường T19 - trường tiểu học Nông trường U Minh 3 (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi), chúng tôi nhận thấy khu vực sân trường hầu như ngập hoàn toàn, các em phải bỏ dép ngoài cửa lớp để đi chân không vì trơn trợt.

img

Nước ngập tràn lan ảnh hưởng đến đi lại của học sinh (Ảnh: Chúc Ly).

Chị Lê Thị Trinh (ngụ ấp 13, xã Khánh An), cho biết: Nước ngập hết đường đi và đường vào trường nên rong rêu bám đầy, khiến cho nhiều em học sinh bị té ướt hết sổ sách. Nhiều em khi đi học giữa chừng phải quay về vì té ướt hết quần áo.

img

Sân trường ngập trong nước (Ảnh: Chúc Ly).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: Trên địa bàn xã Khánh An, thời điểm từ tháng 9 đến nay, tình hình ngập úng đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân 7 ấp thuộc xã Khánh An; tập trung nhiều ở các ấp 12, 13 và một phần ấp 14. Tình hình này chủ yếu ảnh hưởng sản xuất lúa và rau màu của người dân. 

Nói về nguyên nhân dẫn đến ngập úng ở 7 ấp, theo ông Kiên, lượng mưa nhiều, cộng thêm nước xả từ các cống của Vườn quốc gia U Minh Hạ là 2 nguyên nhân chính. Ngoài ra, còn do tình hình triều cường dâng cao vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. 

img

Nước ngập nặng ở các ấp 12, 13 và một phần ấp 14, xã Khánh An (Ảnh: Chúc Ly).

“Trước tình hình này, UBND xã đã trực tiếp đề nghị và được sự đồng ý của Vườn quốc gia U Minh Hạ đắp các cống đập có xả nước ra khu vực xã Khánh An, nhằm hạn chế bớt lượng nước. Hiện chưa có thống kê cụ thể về mức độ thiệt hại, tuy nhiên khi nước rút xã sẽ chỉ đạo cho cán bộ nông nghiệp có báo cáo hoàn chỉnh báo về Phòng NNPTNT. Từ đó kiến nghị đến các ngành chức năng có liên quan xem xét và theo quy định sẽ hướng dẫn bà con thụ hưởng hỗ trợ” - ông Kiên thông tin.

Cũng theo ông Kiên, về lâu dài, giải pháp căn cơ là phải thay thế tất cả hệ thống đập bằng hệ thống cống để thoát nước. Ngoài ra, nếu có điều kiện về vốn thì nên xây dựng luôn một trạm bơm để tháo nước khi nước dâng cao.

Theo UBND xã Khánh An, tình trạng ngập úng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân các ấp 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và An Phú, với diện tích đất sản xuất kết hợp (30% tổng diện tích đất được giao khoán) là 2.160ha, trung bình mỗi ấp có khoảng 150 hộ dân sinh sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem