Chó, mèo vào diện bị quản lý

Thứ tư, ngày 28/11/2012 07:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các hộ dân muốn nuôi chó, mèo sẽ phải đăng ký với UBND xã sở tại và chó, mèo sẽ được đưa vào diện quản lý bằng sổ theo dõi.
Bình luận 0

Đó là kế hoạch đã được Bộ NNPTNT chính thức đưa ra nhằm khống chế, loại trừ bệnh dại.

Bệnh dại gia tăng

Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo ước tính của các ngành chức năng, hiện cả nước có 13 triệu hộ gia đình nông thôn, trong đó hầu hết các hộ đều nuôi từ 1 con chó, 1 con mèo trở lên. Như vậy, cả nước ước có khoảng 25-30 triệu con chó, mèo.

img
Người dân muốn nuôi chó, mèo sẽ phải đăng ký với UBND xã sở tại.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tích lũy 9 tháng đầu năm 2012 ghi nhận 74 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 20 tỉnh, trong đó 83.3% là các tỉnh khu vực miền Bắc: Sơn La (14 trường hợp), Hà Giang (8), Điện Biên (5), Yên Bái (9), Phú Thọ (12), Tuyên Quang (5), Nghệ An (3), Cao Bằng (2). Còn năm 2011, số người tử vong do bệnh dại trên toàn quốc là 110 ca.

PGS-TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, những năm gần đây, bệnh dại có xu hướng tăng lên. Nguồn lây dại chủ yếu do chó nhà (chiếm 96%), sau đó là mèo. Trong khi đó, hầu hết các địa phương chưa quản lý được việc người dân nuôi chó mèo. Tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó mèo chỉ đạt 30-40%. Ngoài ra, người dân khi bị chó mèo cắn cũng chưa có ý thức trong việc theo dõi chó mèo xem chúng có biểu hiện dại hay không, chậm đi tiêm vaccin phòng dại

. TS Hiển cho biết, bệnh dại vô cùng nguy hiểm vì nếu bị chó mèo dại cắn thì khả năng nhiễm bệnh cao, nếu không tiêm vaccin phòng dại, để phát bệnh thì tỷ lệ tử vong là 100%. “Nếu chúng ta không tăng cường ý thức cho người dân, thắt chặt việc tiêm phòng dại cho chó mèo thì mục tiêu loại trừ cơ bản bệnh dại trên toàn quốc vào năm 2015 mà Bộ Y tế đưa ra là khó đạt được” – ông Hiển cho biết.

Trước nguy cơ dịch bệnh dại gia tăng, mục tiêu của Bộ NNPTNT đặt ra là, ngay trong năm nay 80% đàn chó, mèo được quản lý, tiêm vaccin, từ đó giảm 30% số ca tử vong do bệnh dại so với năm 2011.

Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần vừa ký ban hành, chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND xã và UBND xã phải lập sổ theo dõi số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn.

Các địa phương phải thành lập các đội chuyên trách bắt giữ chó, mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư hoặc chó, mèo nghi bị mắc bệnh dại. Các trạm kiểm dịch tăng cường kiểm soát các điểm mua bán và giết mổ chó, mèo và xử phạt nghiêm các trường vi phạm theo quy định của pháp luật...

Có quản được không?

Anh Nguyễn Văn Hùng, ở xã Ngọc Thiện (Tân Yên, Bắc Giang) đang nuôi một con chó đẻ và một con mèo, khi hay tin sẽ phải đăng ký với chính quyền, tỏ ra khá ngạc nhiên, nói: “Nhà tôi nuôi chó, mèo đã nhiều năm, phần vì để giữ nhà, lại vừa bắt chuột, nhưng chưa thấy ai đến bắt đăng ký bao giờ. Mỗi năm con chó nhà tôi đẻ 2 lứa, mỗi lứa 5- 7 con và tôi cũng thường để lại 1-2 con để nuôi vài tháng, rồi đem ra chợ bán thịt. Nếu phải đăng ký, theo tôi chỉ nên đăng ký chó mẹ lâu năm, còn mấy con chó nuôi thịt, đăng ký cũng thấy mất công”.

5 không trong nuôi chó, mèo

Bộ NNPTNT đề nghị người dân thực hiện “5 không” trong nuôi chó, mèo, đó là: Không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo với chính quyền địa phương; Không nuôi chó, mèo nếu không tiêm phòng bệnh, dại; Không nuôi chó, mèo thả rông; Không để chó, mèo cắn người; Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Anh Hoàng Văn Hưng ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa), đang sở hữu một trang trại chó đắt tiền cũng cho biết: “Khi mình nhập từ nước ngoài về đã có giấy kiểm dịch của người bán, đến lúc bán hay vận chuyển trong nước lại phải lấy giấy kiểm dịch của thú y địa phương và tiêm phòng đều đặn hàng năm, nay lại phải đăng ký thêm nữa, thì rất rườm rà”.

Là một cán bộ thú y xã, khi nói về việc quản lý chó, mèo, ông Đặng Văn Hoạt – cán bộ thú y xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng thừa nhận: Việc quản lý chó mèo trên địa bàn xã hiện nay rất phức tạp, nếu bắt họ đăng ký, chắc chỉ có những hộ gia đình nuôi chó đắt tiền mới ra đăng ký còn chó nuôi vài tháng rồi lại bán hoặc thịt, người dân chẳng bao giờ họ đi đăng ký với xã.

“Chúng tôi chỉ biết được số lượng chó, mèo trên địa bàn xã qua các đợt tiêm phòng là khoảng 2.000 con, nhưng chó, mèo là vật nuôi sống nên có thể tăng lên hoặc giảm đi, rất khó biết được chính xác”- ông Hoạt cho biết.

Ông Lò Văn Miên – Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) cũng cho biết, trên địa bàn xã tất cả các con vật đều được nuôi thả rông, từ trâu, bò, lợn… còn thả chạy rông, nói gì tới chó, mèo. Do vậy, để quản lý được số lượng chó mèo và phòng dịch bệnh rất khó khăn và phức tạp. Để người dân thực hiện, nhất là đồng bào dân tộc cũng cần có một quá trình và phải có cách triển khai hợp lý.

Chủ trương quản lý chó, mèo để phòng bệnh dại là đúng đắn. Nhưng nếu ngành nông nghiệp, y tế không có các biện pháp hỗ trợ triển khai thì chắc rằng việc quản lý các loại vật nuôi này sẽ khó khăn.

Tiêm phòng khó gấp bội

Theo ông Lê Văn Dương - Trưởng phòng Dịch tễ Thú y, Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang, việc quản lý được đàn chó mèo đã khó, tiêm phòng vaccin còn khó gấp bội. Địa bàn rộng, phức tạp lại có đồng bào dân tộc ít người sinh sống nên việc tuyên truyền, phổ biến những nguy cơ phát sinh từ việc thả rông chó mèo gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kế của Chi cục Thú y Bắc Giang, hiện nay toàn tỉnh có 384.000 con chó, mèo, song ngay cả việc tiêm phòng vaccin mới đạt 26%, còn việc đăng ký với chính quyền xã, hầu như không có hộ nào thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem