dd/mm/yyyy

Chợ nổi miền Tây

Câu hát giới thiệu một chuỗi địa danh ở Cần Thơ vùng đất được mệnh danh là 'gạo trắng nước trong' cứ thôi thúc tôi về nơi ấy một lần cho tận tường vùng quê trái ngọt cây lành, với chuyện lấy sông nước làm nơi họp chợ.

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

Anh có thương em thì cho bạc cho tiền,

đừng cho lúa gạo, xóm giềng họ hay…

Câu hát giới thiệu một chuỗi địa danh ở Cần Thơ -vùng đất được mệnh danh là “gạo trắng nước trong” cứ thôi thúc tôi về nơi ấy một lần cho tận tường vùng quê trái ngọt cây lành, với chuyện lấy sông nước làm nơi họp chợ. Những cái chợ trên sông như thế người ta gọi là chợ nổi.

Chợ nổi Cái Răng ở miền Tây.
Chợ nổi Cái Răng ở miền Tây.

Dọc các chi lưu của sông Hậu, sông Tiền hầu như ngã ba nào cũng có có chợ nổi như chợ nổi Long Xuyên (An Giang), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Trà Ôn (Vĩnh Long)… nhưng nổi tiếng và đặc sắc hơn cả là chợ nổi Cái Răng của TP.Cần Thơ. Tháng 7 năm 2016, chợ nổi này được bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trời mờ sáng, khi mà còn chưa nhìn rõ mặt nhau, cả chợ nổi đã nhộn nhịp bởi tiếng ghe máy trên sông, tiếng trả giá, tiếng kêu hàng của mọi người nghe nhộn nhịp cả một khúc sông. Chiếc tàu du lịch gắn máy đưa chúng tôi lướt trên mặt nước chầm chậm len qua cơ man nào là ghe lớn, ghe nhỏ, xuồng máy, xuồng chèo chở đầy rau củ quả từ miệt ruộng vườn ra bán cho các ghe tải lớn đậu sẵn chờ gom hàng. Rồi từ đây sản vật của miệt Cái Răng-Phong Điền lại rong ruổi đi khắp mọi miền. Thỉnh thoảng lại bắt gặp ghe bán trái cây lẻ, bán cà phê rong theo đò du lịch chào mời khách mua. Có cả ghe của anh bán vé số liệt cả 2 chân nhưng điều khiển xuồng máy điêu luyện để hành nghề trên sông nước.

Chúng tôi dừng lại một cái quán trên sông. Cũng như bạn hàng (người mua bán) cả nhà bà chủ quán dậy từ rất sớm tất bật với việc mưu sinh trên chợ nổi Cái Răng này. Nói là hàng quán nhưng theo cách gọi của cư dân vùng Tây nam bộ đó là một nhà bè. Phần chính là một cái ghe lớn, đã cũ không còn chức năng vận chuyển. Sau đó nó cho gia cố lại bằng lưới sắt bọc bê tông. Nếu thợ gia công lành nghề chiếc ghe này có tuổi thọ thêm vài chục năm là chuyện bình thường.

Bè của bà Ba Hồng là một trong hàng chục ngôi nhà bè trên cái chợ nổi Cái Răng này. Tuy nhiên bà đã liên kết nhiều chiếc ghe mà mỗi chiếc có chức năng khác nhau. Quán của bà bán nhiều món điểm tâm từ bún riêu, hủ tíu đến bò kho, cơm sườn… và các loại nước giải khát.

Khi chủ và khách đã làm quen, bà Ba Hồng dẫn chúng tôi lên trên mui ghe giới thiệu vườn rau “cây nhà lá vườn”. Phải nói là vườn rau trên nóc ghe ở đây rất ấn tượng. Bà kể, lúc đầu bà gom thùng mốp, thau chậu của người ta bỏ về trồng rau thơm, hành lá cho nhà dùng, dần dà thấy trồng rau nào cũng tốt nên toàn bộ trên nóc ghe chừng 20m2 bà trồng được hầu các loại rau xanh phục vụ cho quán của mình.

Hỏi cơ duyên nào bà đến chợ nổi và định cư trên sông nước, bà trầm ngâm rồi kể: « Gốc gác tôi miệt Một Ngàn của tỉnh Hậu Giang. Ở trên bờ làm ăn thất bát nên bán luôn miếng đất của cha mẹ cho rồi vợ chồng đùm túm nhau xuống ghe. Lúc đầu mua bán vặt trên chợ nổi, mùa nào thức ấy, chủ yếu là mua bán trái cây, đồ ăn cho các ghe neo ngoài sông. Tích cóp mua chiếc ghe cũ làm bè, bán nước giải khát, hàng ăn cho khách tham quan chợ nổi ».

Khu nhà bè của bà Ba Hồng hiện đã một tổ hợp nhà bè và gần như là đầy đủ các chức năng như một căn nhà trên đất liền. Út Phong- con trai bà Ba Hồng còn có sáng kiến làm cầu thang lên mui ghe, vừa là để mẹ dễ dàng lên xuống chăm sóc vườn rau vừa để khách có thể trèo lên để ngắm toàn cảnh chợ nổi từ trên cao. Nhiều du khách đã chọn góc máy này để ghi lại những bức ảnh sống động của cái chợ này.

Thấy quán có toàn những “tiếp viên nhí”, tầm 10-12 tuổi, hỏi ra mới biết, đó là các cháu của bà. Bà kể, bà có 5 người con và một chục đứa cháu. Chúng cũng ở trên ghe, buôn bán trên chợ nổi. Riêng người con trai lớn khó khăn về vốn liếng nên chọn nghề chài lưới trên sông kiếm sống nhưng tôm cá có được ngày càng ít nên cuộc sống rất khó khăn. Do chỉ là dân tạm trú nên không được chính quyền xét cấp sổ hộ nghèo, 2 đứa nhỏ ngoài giờ lên bờ đi học thì qua ghe nhà nội phụ chạy bàn. Thằng bé có tên Dương Vĩnh Hải, học lớp 5 rồi mà vóc dáng nhỏ xíu nhưng pha cà phê cho khách rất sành. Còn bé gái thì bê nước, đồ ăn cho khách cũng thuần thục như những nhân viên chạy bàn thực thụ.

Hỏi chuyện học hành của các cháu, bà nói, do không hộ khẩu nên việc học của lũ trẻ lúc đầu cùng khó khăn, mấy năm gần đây chính quyền quan tâm đến nên các cháu đều được đi học ở các trường trong khu vực.

Bà kể cuộc sống của gia đình bám hoàn toàn vào chợ nổi. Thấy cảnh của bà, mấy chú chạy tàu đưa khách du lịch thường cập bè đưa khách lên để ủng hộ nhờ đó mà cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn trước. Hỏi bà và gia đình có định lên bờ sống không, bà cười bảo: “Ở trên ghe mấy chục năm quen rồi nên chưa có ý phải bỏ những chiếc ghe này để lên bờ. Hơn nữa, đất đai đã không có thì có muốn lên bờ cũng không được. Tôi chỉ mong các cháu được học đến nơi đến chốn rồi tìm việc làm trên bờ, tìm cơ hội đổi đời”. Chợt thấy ánh mắt bà buồn xa xăm, bà chia sẻ: “Cách nay 3 năm ông nhà tôi lâm bệnh qua đời, tôi thờ ổng trên ghe, phần tôi về sau chắc cũng gửi vong linh trên chiếc ghe này”.

Câu chuyện đang trầm lắng thì có chiếc ghe nhỏ cấp mạn, bà ra cầu dẫn, lát gọi Út Phong mang giỏ để dựng mớ gừng. Bà phân bua: “Ui, năm nay vợ chồng ông trồng gừng lổ quá rồi sao mà ăn Tết?”. Nghe thế, thực khách trên bè hỏi thăm. Ông lão cho biết, ông ở trên miệt Trà Nóc. Bà vợ hơn 70 còn ông thì đã 80 tuổi. “Nhà tui bỏ vốn gần 4 triệu đồng trồng gần 1 công gừng đón bán dịp Tết, mọi năm giá hơn 20 ngàn 1 ký, năm nay chỉ có 5 ngàn. Chất xuống ghe chạy khắp chợ mà giờ mới bán được mở hàng cho bà chị chủ quán này đây. Bán hết số này chỉ thu được có 3 triệu, coi như vụ này vợ chồng già tôi lổ vốn nặng”- ông lão chia sẻ. Nhưng rồi ông vẫn cười hào sảng, nhắc bà không nên bẻ lại một ngánh gừng cho tròn ký, cứ để nguyên cân cho nó vát chút có sao đâu. “Năm sau, tôi cũng lại trồng gừng để có cái ra chở ra chợ nổi bán, cô chú nhớ về mua ủng hộ nghen”. Rồi ông lão hơn 80, bằng một động tác dứt khoát, giựt máy nổ, chiếc ghe gắn máy đuôi tôm lao đi hòa vào những chiếc ghe xuồng đang tấp nập ngoài sông. Ôi người Nam bộ mới phóng khoáng làm sao!

Trên đường quay vào bến, anh lái đò bất chợt chỉ cho tôi, kìa con gái của bà kìa, nó buôn bán tạp hóa trên sông. Tôi nhìn theo hướng tay anh chỉ, một chiếc ghe nhỏ nhưng treo đầy hàng hóa, len lỏi giữa các luồng ghe để bán những thứ thiết yếu mà cư dân ghe thuyền cần- một của hàng tạp hóa trên sông. Chợt chạnh lòng nghĩ: nếu ngày mai ngày kia khi mà mà đường sá trên bộ hoàn chỉnh, lưu thông hàng hóa trên bờ sẽ thuận tiện hơn, chợ nổi sẽ không còn tấp nập như đã từng thì cuộc sống trên sông của những người như gia đình như bà sẽ về đâu?

(Dân Việt)