Mỗi năm, anh trích 1/5 số tiền kiếm được làm từ thiện. Anh thường chọn những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trao học bổng dài hạn đủ để trang trải học phí, sách vở cùng sinh hoạt cơ bản hàng năm.
Song, một vài trẻ mà anh giúp không đỗ cấp ba, bỏ đi làm công nhân. Số ít bỏ học ngay từ cấp hai sau 1-2 năm nhận học bổng.
Anh nói anh luôn cân nhắc kỹ khi chọn đối tượng trao học bổng, nên anh tiếc rẻ tiền bạc của mình khi gặp những trường hợp như thế. Và gọi chúng là những kẻ "ăn cháo đá bát".
Câu nói của anh khiến tôi suy nghĩ về những hoạt động từ thiện dành cho học sinh nghèo mà mình từng tham gia hoặc từng biết đến.
Những đứa trẻ nghèo nhận sự giúp đỡ bằng tiền bạc đã nghĩ gì về người giúp đỡ chúng - người mà chúng ta vẫn gọi bằng sự tôn kính là Mạnh Thường Quân hay "tấm lòng hảo tâm"?
Những đứa trẻ có biết khi nhận được học bổng, tiền bạc, vật chất ủng hộ, chúng sẽ phải thực thi một cam kết ngầm rằng: phải nỗ lực học hành, phải có ý chí vươn lên, phải cố gắng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn?
Tôi nghĩ là không. Chúng có thể sẽ biết ơn, có thể sẽ vui sướng, có thể sẽ có động lực để học tập, vượt khó. Nhưng tất cả những điều đó không đủ để chúng thay đổi cuộc sống hiện tại và thay đổi cuộc đời sau này. Nếu tiền bạc có thể giúp một đứa trẻ thay đổi cuộc đời, thì thế giới này thật quá dễ dàng để xây đắp thành thiên đàng.
Từng tham gia điều phối một quỹ học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi hiểu rằng nghèo chỉ là một trong muôn vàn khó khăn của một đứa trẻ.
Chúng thiếu thốn đủ thứ, không chỉ thiếu tiền. Thiếu cha thiếu mẹ, thiếu sự chăm sóc tối thiểu, thiếu tình yêu thương, thiếu sự an toàn, thiếu người động viên, bảo ban, chỉ lối. Thiếu tất cả những thứ đó nên thiếu tri thức, thiếu hiểu biết, thiếu nghị lực, thiếu cả khát vọng, ước mơ.
Rất nhiều học sinh nhận học bổng là trẻ mồ côi, trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, trẻ sống trong bạo hành gia đình, trẻ sống trong gia đình đơn thân, trẻ có tổn thương tâm lý. Chúng không được dạy dỗ để trở nên mạnh mẽ, nghị lực. Hoàn cảnh khiến chúng mặc nhiên yếu đuối, sợ hãi, tự ti.
Bởi thế, trẻ không chỉ cần cấp học bổng. Trẻ còn cần được cấp sự chăm sóc, cấp tình yêu thương, cấp sự hướng dẫn chỉ bảo từng ngày. Trong khi đó, phần lớn các quỹ từ thiện chỉ cấp tiền.
Vì sao? Vì cấp tiền là dễ làm nhất. Những thứ còn lại quá khó để làm.
Hỗ trợ một đứa trẻ vượt khó không thể chỉ cho tiền bạc. Dù rằng, có tiền là trẻ được đi học. Nhưng trẻ được đi học không có nghĩa là trẻ sẽ thoát khỏi khó khăn bởi những lý do đã nêu ở trên.
Đáng tiếc là, rất nhiều mạnh thường quân bỏ quên bối cảnh xung quanh một đứa trẻ. Họ tư duy đơn lập rằng, trẻ nhận tiền là phải đi học, trẻ bỏ học là trẻ vô ơn, gia đình trẻ vô ơn. Có biết bao lý do đằng sau việc bỏ học đã không được xét đến, không được tìm hiểu, không được cảm thông, không được hỗ trợ kịp thời.
Chúng ta vẫn nói với nhau về cách làm từ thiện, rằng đừng cho cá mà hãy cho cái cần câu. Nhưng chưa đủ, vì có cần mà không biết cách câu thì cần chỉ dựng ở góc nhà.
Tài trợ cho học sinh cũng vậy. Tặng tiền là cho con cá, tặng học bổng dài hạn là cho cần câu. Nhưng toàn bộ khâu hướng dẫn sử dụng để cái cần câu trở nên hữu ích vẫn đang bỏ ngỏ. Rất nhiều học sinh và gia đình nhận chiếc cần câu từ thiện mà bối rối, ngơ ngác không biết làm gì với nó.
Giúp người vì thế chưa bao giờ là việc dễ dàng. Giúp một đứa trẻ càng vô cùng gian nan.
Tất nhiên, những đứa trẻ nghèo không đòi hỏi ta phải giúp chúng như thế nào. Xã hội cũng không có quyền đòi hỏi các đơn vị, cá nhân thiện nguyện phải giúp lũ trẻ ra sao mới phải lẽ. Lòng tốt cho đi đã là quý.
Nhưng ở góc độ người cho đi, có lẽ cần nhìn nhận rằng không nên đặt vào gói quà của mình quá nhiều kỳ vọng, mong cầu cùng những ý nghĩa lớn lao. Bởi chứa đựng trong những kỳ vọng, mong cầu ấy là tâm lý ban ơn.
Ta nghĩ thứ ta cho đứa trẻ nhất định sẽ giúp đứa trẻ tốt lên. Ta thậm chí kỳ vọng, với những gì ta hỗ trợ, đứa trẻ sẽ thay đổi cuộc đời. Nên khi đứa trẻ không tốt lên mà chui ngược vào cái vòng luẩn quẩn của cuộc sống nghèo đói bất hạnh, ta lập tức thất vọng. Ta tiếc rẻ những gì đã cho đi. Cảm giác về sự phản bội trỗi dậy.
Nhưng đứa trẻ không vô ơn, trừ khi ta cho rằng những gì ta giúp chúng là ban ơn.
Cần thẳng thắn rằng, tâm lý ban ơn đó xuất phát từ việc chúng ta đang phóng đại giá trị sự giúp đỡ của mình dành cho người khác. Thực tế, giá trị sự giúp đỡ không tính trên số tiền hay thời gian, công sức cho đi, mà tính trên kết quả nó mang lại.
Giống như việc Bụt cho Tấm một con cá bống vậy. Cá bống sẽ mãi là cá bống ở trong giếng ngày ngày chờ Tấm gọi "bống bống bang bang" nếu không có mẹ con Cám phát hiện ra, rồi chết, rồi xương hóa thành ngựa hồng áo gấm hài thêu.
Sự giúp đỡ của Bụt vốn dĩ không có ý nghĩa gì nhiều, dù nhờ đó mà Tấm thành hoàng hậu. Cuộc đời Tấm có Bụt vẫn lao tâm khổ tứ với ba lần hóa kiếp bởi sự ngây thơ lẫn cố chấp của mình.
Một đứa trẻ nghèo nhận được gì từ tiền bạc của chúng ta? Có lẽ là rất ít. Sự giúp đỡ bằng tiền bạc luôn vô cùng bé nhỏ so với những gì mà trẻ cần để vượt thoát khỏi hoàn cảnh khốn khó.
Và biết đâu, khi chúng quyết định bỏ học, chúng không còn muốn nhận sự giúp đỡ của ta nữa.
Đứa trẻ từ chối món quà của ta cũng có nghĩa món quà đó với chúng là vô giá trị. Những gì ta cho đi chỉ là con cá bống bé nhỏ Bụt cho Tấm mà thôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.