Người dân giao dịch tại Hội sở Agribanh Hà Nội. Ảnh: Đ.D
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (ảnh) đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN xung quanh Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa được ban hành (xem NTNN số 139/2015).
Thưa ông, các mức cho vay không tín chấp mới đều tăng lên gấp đôi so với quy định cũ (từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng). Điều này có đồng nghĩa với việc nông dân sẽ được vay vốn nhiều hơn, thuận lợi hơn không?
Quan điểm
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm
Tuy không yêu cầu có tài sản thế chấp nhưng nếu phía ngân hàng và người vay có những ràng buộc chặt chẽ thì tôi nghĩ vẫn đảm bảo an toàn cho đồng vốn. Tôi cho rằng việc cho phép không cần tài sản thế chấp nhưng do khâu thẩm định nghiêm ngặt nên vẫn an toàn cho đồng vốn của ngân hàng.
- Qua 4 năm thực hiện cho vay không tín chấp theo Nghị định 41 cũ tôi được biết đã có rất nhiều nông dân được tiếp cận nguồn vốn này. Các ngân hàng cho vay cũng rất hiệu quả. Giờ Nghị định 55 mới nâng cấp độ cho vay cao hơn thì chắc chắn sẽ càng tốt hơn. Tuy nhiên, tính khả thi của nghị định này sẽ còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện khác nữa. Chỉ đơn cử, nếu người nông dân vay vốn khiếu nại về tình trạng vay vốn ở địa phương của mình thì cấp ngân hàng cao hơn có giải quyết kịp thời cho bà con không? Nói như vậy để thấy, nghị định này đi được vào cuộc sống nhanh hay chậm, tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào sự kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch các điều kiện, quy định cho vay.
Thực tế thời gian qua, mặc dù các tổ chức tín dụng được xem xét cho nông dân vay vốn không có bảo đảm bằng tài sản. Song các đối tượng này phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy có thể hiểu rằng, những nông dân có ruộng đất hay nói cách khác là nông dân có tài sản bảo đảm mới có thể vay được, khiến phần lớn nông dân nghèo thì khó vay vốn, thưa ông?
- Đương nhiên, đã là vay tín chấp thì nông dân sẽ không phải thế chấp. Dân cứ vay. Các quy định lần này phải làm rõ và thông tin công khai, minh bạch đến người nông dân. Trên thực tế nhiều địa phương, cán bộ ngân hàng sợ trách nhiệm, sợ không đòi được tiền cho vay, hoặc cũng có thể do chưa nắm chắc các quy định gây cản trở việc cho vay vốn với nông dân. Nhiều trường hợp còn xảy ra tiêu cực, người cho vay đòi “lại quả” nên gây khó dễ cho nông dân vay vốn. Chính vì thế tôi mới nói phải giải thích rõ cho bà con để họ nắm được các quy định. Ngân hàng cấp trên phải tăng cường kiểm tra hệ thống ngân hàng cấp dưới để giải quyết kịp thời các khiếu nại của bà con.
Nhiều nông dân cũng e ngại các quy trình, thủ tục của ngân hàng như “rào cản vô hình” cản trở họ vay vốn, ví như việc nông dân phải có dự án khả thi khiến cho tiền khó đến tay bà con, thưa ông?
-Tôi cho rằng, để tăng tính khả thi của dự án này thì Nghị định 55 cần có quy định linh hoạt và cải cách về thủ tục hành chính để hỗ trợ khách hàng vay vốn tốt nhất có thể. Đặc biệt là với những hộ không có khả năng thế chấp. Bởi trong kinh doanh vốn phải kịp thời. Nhưng dù vốn ngân hàng đã có, khi đăng ký giao dịch chưa xong thì ngân hàng cũng chưa thể giải ngân.
Ngân hàng phải hướng dẫn người dân về dự án, chứng minh tính khả thi của mỗi dự án phải đơn giản, dễ hiểu với nông dân. Về thời hạn cho vay, bên cạnh quy định thời gian cho vay cụ thể cũng cần quy định cho vay trung, dài hạn theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm nông nghiệp, chu kỳ kinh doanh hàng nông sản, phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi nhằm tránh việc chu kỳ sản xuất chưa thu hoạch đã phải trả nợ ngân hàng gây khó khăn dẫn đến “bán lúa non”.
Xin cảm ơn ông!
Ông Phạm Hồng Sơn- Trưởng ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân, Agribank: Không sợ khó thu hồi vốn
Việc nhiều ý kiến lo ngại ngân hàng sẽ khó cho vay số tiền lớn đến 1 tỷ mà không cần thế chấp vì lo ngại nợ xấu, khó thu hồi vốn, tôi cho rằng: Khi cho khách hàng vay vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ thì Agribank thực hiện theo quy định tại Nghị định 55 và theo quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Khi khách hàng đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn thì không có gì phải lo ngại. Chẳng hạn, khách hàng vay vốn đáp ứng được đầy đủ các điều kiện như: Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết; có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật; thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và của Agribank.
Tuy nhiên, để Nghị định 55 có thể đi vào cuộc sống, có hiệu quả và đưa được đồng tiền ưu đãi đến tay nông dân không phải chỉ có ngành ngân hàng, mà cần phải có sự tham gia quyết liệt, đồng bộ của các đơn vị liên quan. Đặc biệt, việc quy hoạch sản xuất, quản lý thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp là vấn đề mấu chốt trên cơ sở đó ngân hàng mới cho vay mà bản thân người nông dân không tự giải quyết được, do vậy đòi hỏi phải có sự trợ giúp từ Chính phủ và các bộ, ngành từ dự báo đến tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tránh tình trạng “được mùa, rớt giá".
Phương Hà (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.