Chợ Viềng Nam Định: Nườm nượp du khách tới chợ Viềng cầu may
Nườm nượp du khách tới chợ Viềng cầu may
Nhật Hà
Chủ nhật, ngày 29/01/2023 06:14 AM (GMT+7)
Sau 2 năm tạm hoãn do dịch Covid-19, năm Quý Mão 2023, phiên chợ Viềng nổi tiếng của Nam Định được mở lại, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh để cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, buôn may bán đắt.
Nườm nượp du khách và phương tiện từ nhiều tỉnh thành đổ về chợ Viềng cầu may. Clip: Nhật Hà
Ở Nam Định có đến 4 phiên chợ Viềng nhưng nổi tiếng nhất là chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, họp từ đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch.
Chợ Viềng (lối gọi theo tiếng cổ của Chợ Xuân) là phiên chợ cầu may đầu năm nổi tiếng tại Nam Định. Theo gia phả họ Trần thì chợ Viềng có từ thời cổ xưa và hình thành theo tục lệ làng xã của người dân địa phương. Từ " Viềng" là từ Hán Việt có nghĩa là: thăm hỏi, viếng thăm, trò chuyện.
Đêm 28/1 (Tức mùng 7 Tết), nhiệt độ xuống thấp, lạnh sâu, thế nhưng trên khắp các nẻo đường đổ về trung tâm khu vực Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy tại xã Kim Thái đến xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - nơi tổ chức chợ Viềng xuân 2023 luôn tấp nập du khách, xe cộ từ các tỉnh thành. Dù đường đông, các phương tiện di chuyển chậm, nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ khi tới phiên chợ cầu may đầu năm.
Tại chợ Viềng, các mặt hàng được bày bán rất đa dạng, từ các nông cụ truyền thống phục vụ công việc đồng áng của người dân như: Cày, cuốc, thúng mủng, quang gánh, liềm, xẻng, nơm, đó,… đến các loại cây trồng như chanh, hồng, táo, hồng xiêm... tới các loại cây cảnh có dáng độc lạ.
Những người bán hàng tại chợ Viềng đa số đều là những cư dân trong vùng, họ mang các sản vật của nhà trồng được đến chợ bán lấy may đầu năm chứ không đặt nặng lợi ích kinh tế.
Ông Phạm Xuân Trường (55 tuổi, quê Thái Bình) - chủ một cửa hàng bán cây cảnh tại chợ Viềng, cho hay, cửa hàng ông bán nhiều loại cây có giá cả rất bình dân phù hợp với túi tiền của hầu hết người du xuân. Cửa hàng ông bán chạy nhất là cây mộc hương, cây phát lộc, cây mai vạn phúc.
Bà Lê Thị Tâm (62 tuổi, ở Hải Dương) chia sẻ: "Tới chợ Viềng năm nay tôi chọn mua cái kiềng đun bếp. Tuy thời nay, nhiều nhà không còn dùng tới kiềng để nấu nướng, vì đã có bếp ga bếp điện, nhưng tôi vẫn mua, vì tôi quan niệm 'vững như kiềng 3 chân' để cho gia đình mình đoàn kết, sum vầy, vì có đoàn kết gia đình mới hạnh phúc, an bình", Bà Tâm nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.