Chồn hương, vật nuôi đặc sản, động vật hoang dã, nuôi thành công ở Đà Nẵng, hễ bán là hết veo
Vật nuôi đặc sản "ăn ngày cày đêm" vốn là con động vật hoang dã, trai Đà Nẵng nuôi thành công, bán hút hàng
Tuyết Nhung - Trương Hồng
Thứ sáu, ngày 14/03/2025 05:43 AM (GMT+7)
Anh Nguyễn Trung Hênh, thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) về quê nuôi con chồn hương, vốn là một loài thú thuộc động vật hoang dã.
Nuôi chồn hương, từ động vật hoang dã tới con đặc sản
Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi mô hình nuôi chồn hương từ nhiều nơi, năm 2021, anh Hênh mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng để mua 8 cặp chồn hương về nuôi thử lấy kinh nghiệm.
Năm 2021, anh Nguyễn Trung Hênh (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi chồn hương sinh sản. Ảnh: T.N.
Anh Hênh tâm sự: "Lúc tìm hiểu về chồn hương thì tôi được nhiều người chia sẻ đây là loài vật dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc mà lại cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhưng khi bắt tay vào nuôi thực tế thì xảy ra rất nhiều vấn đề khiến đàn chồn chết gần hết. Không nản lòng, tôi được gia đình ủng hộ và vay thêm vốn để tiếp tục phát triển mô hình nuôi chồn".
Từ những thất bại ban đầu, anh Hênh nhận thấy để nuôi chồn hương thành công cần phải nắm rõ đặc tính sinh trưởng và các kỹ thuật chăm sóc, phối giống.
Dù được nuôi thuần chủng nhưng chồn hương vẫn giữ bản tính hoang dã, phải được nuôi nhốt riêng mỗi con một chuồng, chia làm nhiều khu nuôi dành cho chồn sinh sản, chồn hậu bị và chồn con. Nếu nuôi chung chồn sẽ cắn nhau đến chết, làm thất thoát con giống và giảm hiệu quả kinh tế.
Chồn mẹ sinh được 2-3 lứa/năm, mỗi lứa từ 2-3 con, thậm chí có trường hợp 5-6 con. Ảnh: T.N.
Anh Hênh cho hay, chồn hương cũng giống như nhiều gia súc, gia cầm khác khi thường mắc các bệnh care, bệnh đường ruột, ký sinh trùng.
Cách phòng bệnh đường ruột, bệnh ký sinh trùng cho chồn hương trước tiên là phải luôn giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
Đối với bệnh tiêu chảy ở chồn, anh điều trị bằng thuốc thú y chuyên dụng, cho ăn bổ sung men vi sinh với mật ong, lá ổi, lá mơ.
Định kỳ, người nuôi con đặc sản ham ăn chuối chín, ăn cháo cá này cần xổ sán cho chồn bằng cách cho ăn lá tranh, lá sả, giúp chồn hương phát triển khỏe mạnh, mau lớn.
Chồn hương được nuôi nhốt riêng mỗi con một chuồng, chia làm nhiều khu nuôi dành cho chồn sinh sản, chồn hậu bị và chồn con. Ảnh: T.N.
Thức ăn nuôi chồn cũng dễ tìm và có chi phí tương đối thấp nhờ anh tận dụng các loại trái cây và cá giá rẻ, đảm bảo tươi ngon, không ôi thiu, nấm mốc. Chồn hương ăn bữa chính vào lúc tối, bữa sáng ăn phụ và được ăn thức ăn nhân tạo do con người cung cấp.
Chồn con sau một tháng sẽ được tách mẹ để nuôi thuần hóa và tránh việc chồn mẹ cắn chết chồn con. Ảnh: T.N.
Anh Hênh chia sẻ: "Nuôi chồn hương sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao đòi hỏi người nuôi phải biết quan sát, nắm rõ tập tính và kỹ thuật phối giống.
Khi chồn cái có các biểu hiện như cắn phá chuồng, bỏ ăn, phát ra tiếng kêu lạ thì cho chồn đực vào giao phối, sau đó phải tách chuồng trở lại.
Chồn mẹ sẽ mang thai hơn 2 tháng, sinh được 2-3 lứa/năm, mỗi lứa từ 2-3 con, thậm chí có trường hợp 5-6 con. Chồn con sau một tháng sẽ được tách mẹ để nuôi thuần hóa và tránh việc chồn mẹ cắn chết chồn con".
Thu lãi 300 triệu đồng/năm
Theo anh Hênh, chồn hương con nuôi 2 tháng là có thể bán giống với giá 7 triệu đồng/cặp, từ 3-4 tháng giá 8-9 triệu đồng/cặp bao gồm cả kỹ thuật chăm sóc và giấy phép nuôi của kiểm lâm. Chồn hương thương phẩm có giá dao động từ 1,5-1,7 triệu đồng/kg.
Thức ăn nuôi chồn là các loại trái cây và cá giá rẻ, đảm bảo tươi ngon, không ôi thiu, nấm mốc. Ảnh: T.N.
Hiện nay, trên tổng diện tích 5.200m2, anh Hênh có 110 ô chuồng nuôi chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán con giống ra thị thường. Trung bình mỗi năm, trang trại của anh xuất bán 100 con chồn hương giống, thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi chồn hương của anh Hênh còn đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến khu dân cư khi phân và nước tiểu vật nuôi được dẫn qua hệ thống cống rãnh đạt tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Anh Hênh cho hay: "Chồn hương được chế biến thành các món ăn đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng, khách sạn.
Hiện nay nhu cầu thị trường tiêu thụ chồn hương rất lớn, thương lái từ nhiều nơi đã liên hệ đặt mua chồn giống, chồn thương phẩm trước nhưng tôi chưa đủ nguồn cung vì đang tập trung nhân đàn".
Thời gian tới, anh Hênh sẽ tiếp tục tái đầu tư để mở rộng quy mô chăn nuôi, liên kết các hộ dân thành lập hợp tác xã nuôi chồn hương.... Ảnh: T.N.
Bên cạnh mô hình nuôi chồn hương, anh Hênh kết hợp nuôi cá trê và nuôi gà thả vườn để tăng thêm thu nhập. Anh luôn tích cực chia sẻ kỹ thuật nuôi chồn hương và truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều hộ dân trong thôn cùng nhân rộng mô hình kinh tế, cùng nhau làm giàu trên chính quê hương.
Bên cạnh mô hình nuôi chồn hương, anh Hênh kết hợp nuôi cá trê và nuôi gà thả vườn để tăng thêm thu nhập. Ảnh: T.N.
Kỹ thuật nuôi chồn hương không quá khó, chi phí thấp, lợi nhuận cao. Đặc biệt trong bối cảnh đất sản xuất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp dần, bà con nông dân cần đổi mới mô hình kinh tế, đa dạng hóa loài vật nuôi và thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tái đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, hướng đến liên kết các hộ dân trên địa bàn xây dựng một hợp tác xã nuôi chồn hương hoạt động vững mạnh, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Qua đây, tôi cũng mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để cho những thanh niên mới khởi nghiệp như tôi có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập....", anh Hênh bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.