Chủ tịch VFA: Đừng nói tới lời lãi lúc này!

Thứ tư, ngày 05/06/2013 10:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nói như vậy tại cuộc họp báo về tình hình xuất khẩu gạo tháng 5 do VFA tổ chức sáng 4.6 ở TP.HCM.
Bình luận 0
img
 Ông Trương Thanh Phong

Giá xuất khẩu gạo Việt Nam đang ở mức thấp nhất từ 2008 trở lại đây, giá thu mua lúa gạo trong nước cũng tương tự. Vậy kế hoạch tiêu thụ lúa hè thu sắp tới cho nông dân như thế nào, thưa ông?

- Chưa có văn bản chính thức nhưng trong cuộc họp mới đây với các bộ, ngành có liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định sẽ thực hiện tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, thời gian bắt đầu từ 15.6 đến 31.7. Tuy nhiên, hiện tại Bộ Tài chính chỉ mới công bố mức giá thành sản xuất vụ hè thu 2013 vùng ĐBSCL ở mức 4.142 đồng/kg, chứ vẫn chưa công bố giá thu mua định hướng cho vụ hè thu sắp tới. Cũng có thể sẽ phải chấp nhận thu mua theo giá thị trường.

Thu mua theo giá thị trường nghĩa là sẽ thu mua lúa với giá thấp. Lúc đó nông dân sẽ không đảm bảo được mức lãi định hướng 30% ?

- Đừng nói lời lãi lúc này. Hãy trả lời câu hỏi là muốn bán hay để lúa lại cho vịt ăn? Chỉ có hai con đường, hoặc là bán giá thấp để tiêu thụ lúa, hoặc là ôm giữ trong kho, chờ giá lên. Mà giữ lúa lại, khi vào vụ hè thu, DN không biết làm gì cho hết lúa. Trong thời gian tới, VFA sẽ đẩy mạnh bán gạo ra, chấp nhận bán lỗ để chuẩn bị cho vụ hè thu tới. Một khi lượng gạo xuất khẩu tăng, giá thu mua lúa trong nước cũng sẽ nhích lên theo. VFA cũng vừa điều chỉnh giá sàn xuất khẩu theo hướng giảm nhẹ, tạo điều kiện tốt nhất cho DN xuất hàng.

Trong cuộc họp bàn tạm trữ tại Cần Thơ do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề xuất thời gian thu mua tạm trữ dài 60 ngày, từ 15.6 đến 15.8 - là thời điểm thu hoạch hè thu rộ tại ĐBSCL. Tại sao đến nay, thời gian tạm trữ chỉ còn tới 31.7?

- Mục tiêu của tạm trữ là để giữ giá và kích tăng giá thu mua trong nước tăng lên. Tạm trữ cũng chỉ là biện pháp xử lý tình huống trong lúc giá giảm sâu so với giá định hướng. Thực hiện tạm trữ phải làm trong thời gian ngắn mới có thể giữ được giá, vì nếu kéo dài đến 2 tháng, các DN sẽ thu mua cách rề rà, không thể tạo đòn bẩy kích giá lên được.

Theo dự báo, từ tháng 7 trở đi, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khá hơn do nhiều thị trường truyền thống quay lại nhập khẩu gạo. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do thông tin gạo nhiễm độc đang lan tràn tại nước này. Do đó, VFA hy vọng khi bước vào thu hoạch chính vụ hè thu sắp tới, nông dân ĐBSCL sẽ thuận lợi hơn trong tiêu thụ lúa hàng hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem