Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội sáng nay, ngày 7.6, ông Thắng cho biết mặc dù hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nhưng con số hiện nay rất lớn, nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu ở con số khoảng xấp xỉ 600 nghìn tỷ đồng.
Nợ xấu đủ xây 3 sân bay Long Thành
“Việt Nam là quốc gia duy nhất đến nay có nợ xấu của nền kinh tế vượt 10% mà không có một tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, có thể nói đây là sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước. Trong thực tế, các quốc gia theo thống kê có nợ xấu từ 10% thì đã có rất nhiều các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đổ vỡ”, đại biểu Thắng cho biết.
Đại biểu Thắng cho biết thêm trong 600.000 tỷ đồng này chúng ta phải xác định 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%.
“Do vậy vấn đề cấp bách để xử lý khoản này là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tín dụng mà bảo vệ cho chính người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng và làm sao đưa 600 nghìn tỷ đồng này quay trở lại phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, khi nguồn lực còn rất hạn chế”, đại biểu Thắng nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Văn Thắng, Chủ tịch Vietinbank (Ảnh: Đàm Duy)
Đại biểu Thắng tính toán, với con số này chúng ta có thể xây dựng được ba sân bay Long Thành mà Quốc hội đã bàn. “Với con số trên 200 nghìn tỷ đồng thôi chúng ta đã thấy rất khó khăn rồi, còn đây là 600 nghìn tỷ đồng”.
Chủ tịch Vietinbank cho biết hiện nay chúng ta đã có thị trường mua bán nợ xấu nhưng chưa hoàn chỉnh, thiếu hụt hàng hóa trầm trọng. Đặc biệt những hàng hóa có giá trị các khoản nợ gắn với bất động sản do chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa ra giao dịch.
Bên cạnh đó, lực lượng tham gia thị trường với tư cách là người mua còn rất hạn chế, do những quy định về điều kiện để tham gia. Công ty VAMC được thành lập để đóng vai trò chủ lực hỗ trợ cho các TCTD xử lý nợ xấu lại chưa có cơ chế và nguồn lực cần thiết để vận hành như kỳ vọng.
“Như vậy, Nghị quyết xử lý nợ xấu nếu Quốc hội phê chuẩn sẽ tháo gỡ được nút thắt, tạo ra một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, các khoản nợ xấu này sẽ được bán và thu hồi nhanh hơn”, chủ tịch Vietinbank kỳ vọng.
Do vậy, đại biểu Thắng kiến nghị với Quốc hội cho phép áp dụng nghị quyết xử lý nợ xấu bao gồm cả các khoản hiện tại và phát sinh, vì nghị quyết này chỉ có 5 năm, chúng ta không tốn nguồn lực mà chỉ có cơ chế và quy định. “Quan điểm của cá nhân tôi cần xử lý và thu hồi được càng nhiều càng tốt”.
Tại sao “dân xã hội” lại đòi được tiền?
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An, cho biết đặt mình vào hoàn cảnh của người trong cuộc, tôi mới thấy dở khóc, dở cười. “Người đi vay nợ khi đến các chủ nợ, họ tìm mọi cách, hứa đủ điều, kể cả thế chấp tài sản đảm bảo với mong muốn vay cho được. Họ trở về với tiền tươi, thóc thật, nhưng oái oăm thay đến hẹn trả nợ lại không chịu trả, không thực hiện cam kết và tìm cách chây ỳ để lách luật. Dù là lý do gì nhưng đây là một thói hư, tật xấu, theo tôi xã hội chúng ta cần phải lên án”, đại biểu Cầu chia sẻ.
Đại biểu Cầu cho biết chủ nợ thì chạy khắp nơi gặp con nợ để van xin, đòi mãi không được thì tìm đến công an tố cáo, đó là hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm. Công an sau một thời gian kiểm tra xác minh, hướng dẫn quay trở về Tòa án để giải quyết. Đây là mối quan hệ dân sự, chủ nợ sang Tòa án xếp hàng dài mà không biết đến lúc nào mình mới lấy được nợ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An (Ảnh: Đàm Duy)
“Tôi đã chứng kiến có trường hợp nợ hàng chục tỷ đồng, nhưng để thoát tội, mỗi tháng trả 2 triệu. Tôi ước tính phải 50 năm chưa trả hết gốc, chưa tính đến lãi. Đó là thực trạng của việc lấy nợ của các tổ chức tín dụng và những người dân lương thiện biết tôn trọng và cậy nhờ vào pháp luật”, đại biểu Cầu cho biết.
Đại biểu Cầu cho biết thêm đối với tình trạng tín dụng đen, nhất là "dân xã hội" thì họ không để yên. Họ tìm mọi cách để lấy bằng hết cả gốc, lẫn lãi không thiếu một xu.
“Câu hỏi vì sao dân xã hội thì lấy được? Câu trả lời là họ dùng luật rừng và thuê đòi nợ, như thế băng nhóm tội phạm đòi nợ thuê diễn biến phức tạp và xã hội bất ổn”, đại biểu Cầu nêu thực tế.
Tiền nhân dạy rằng có 2 cách đấu tranh: Cách thứ nhất là dùng pháp luật; Cách thứ hai là dùng vũ lực. Cách thứ nhất hợp với người, cách thứ hai dùng cho dã thú. Tuy nhiên, trên thực tế cách thứ nhất vẫn chưa đủ, không hiệu quả nên phải dùng cả cách thứ hai.
“Tôi mong muốn pháp luật nước ta phải nghiêm minh, hiệu quả để mọi người dân ai cũng dùng cách thứ nhất trong giải quyết các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, ngay từ đầu khi tiếp xúc với Nghị quyết này tôi thấy rất đúng, ủng hộ Quốc hội thông qua Nghị quyết này với mục tiêu chung của nền kinh tế và lợi ích của đất nước ta”, đại biểu Cầu nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.