Truy tố chủ website Fmovie phát tán phim lậu thu lợi hàng trăm nghìn USD
Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân TP. Hà Nội vừa có cáo trạng truy tố Phan Thành Công và Nguyễn Tuấn Anh (cùng SN 1990, trú quận Hà Đông, Hà Nội) về tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Vụ án nêu trên khởi phát khi Công an Hà Nội nhận được đơn của Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam (là đơn vị được ủy quyền và thực thi quyền tại Việt Nam của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ - MPA) tố giác nhóm website Fmovies có hành vi sao chép, phân phối bất hợp pháp 30 tác phẩm điện ảnh của MPA được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.
Quá trình điều tra, công an làm rõ Phan Thành Công và Nguyễn Tuấn Anh quen nhau từ năm 2008 khi họ học cùng trường Aptech.
Tháng 9/2015, họ bàn bạc, thống nhất lập hệ thống website Fmovies để chiếu miễn phí những phim do nước ngoài sản xuất. Mục đích là thu hút lượng người xem trên toàn thế giới, chèn quảng cáo rồi kiếm tiền.
VKS xác định, Công phụ trách lập trình, quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies; trực tiếp liên hệ, cung cấp thông tin, nhận tiền quảng cáo với Công ty MGID để quảng cáo trên website Fmovies.
Khi người dùng muốn xem phim trên hệ thống website Fmovies, họ phải xem quảng cáo của Công ty Quảng cáo MGID (có trụ sở nước ngoài). Công ty này trả tiền quảng cáo cho Công, Tuấn Anh.
Công còn được giao mua tài khoản Google Drive của Công ty Google nước ngoài và lập các tài khoản nhân viên; quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies thông qua tài khoản quản trị.
Còn Tuấn Anh có nhiệm vụ tìm kiếm và sao chép, tải phim về đăng tải lên hệ thống website Fmovies. Hai bị can thống nhất, Công được hưởng 90% và Tuấn Anh được hưởng 10% trên tổng số tiền quảng cáo nhận được hàng tháng từ Công ty MGID.
Bị can Phan Thành Công. Ảnh: CQCA.
Cáo trạng nêu, Công và Tuấn Anh biết việc sao chép, đăng tải, phân phối trái phép các phim đang được bảo hộ là vi phạm pháp luật, song do hám lợi nên từ tháng 9/2015 - 5/2022, họ đã sao chép, đăng tải trái phép 30 tác phẩm điện ảnh của các hãng phim được bảo hộ bởi MPA.
Cơ quan tố tụng làm rõ, từ tháng 8/2016 đến khi bị bắt, tổng số tiền quảng cáo mà Công nhận được từ Công ty MGID là hơn 400.000 USD. Trong đó, Công hưởng lợi 364,5 triệu đồng và chia cho Tuấn Anh 40,5 triệu. Quá trình điều tra, các bị can đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính.
Cũng theo VKS, trong 30 tác phẩm điện ảnh bị sao chép liên quan vụ án, cơ quan chức năng mới xác định được 17 tác phẩm bị Công và Tuấn Anh sao chép, đăng tải, phân phối trái phép gây thiệt hại trị giá hơn 920 triệu đồng.
Đối với 13 tác phẩm còn lại, cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ cung cấp thông tin liên quan để xác định giá trị thiệt hại. Đến nay, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ không cung cấp được thông tin về giá chuyển nhượng quyền phân phối các tác phẩm điện ảnh trên tại Việt Nam nên cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý.
Quy định về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho hay, tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 cụ thể như sau:
Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
Người dân phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên; Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội có thể còn phải chịu hình phạt bổ sung, bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, theo luật sư Sơn, đối với tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì người phạm tội có thể đối diện với mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm. Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.