Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn lại những mặt chưa được của Chương trình 135 giai đoạn 2 và các chương trình giảm nghèo nói chung. Nói như bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thành tựu của Chương trình 135 giai đoạn 2 rất đáng phấn khởi, nhưng các chương trình giảm nghèo khác vẫn còn nhiều hạn chế: Giảm nghèo dù chuyển biến tốt nhưng chất lượng chưa bền vững; tỉ lệ hộ tái nghèo còn cao, ước tính từ 7-11%; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, nhóm dân tộc, dân cư còn lớn; tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước vẫn còn. Một số chính sách giảm nghèo còn mang tính ngắn hạn...
Để khắc phục những hạn chế đó, cần có một chương trình giảm nghèo tổng thể, dài hạn, có một cơ quan cấp bộ điều phối thường trực. Chương trình tổng thể này cần được thiết kế theo hướng đồng bộ giữa các nhánh chính sách. Nhánh chính sách nào liên quan đến miền núi, đồng bào dân tộc sẽ do Ủy ban Dân tộc thực hiện, nhánh chính sách liên quan đến nông nghiệp sẽ do Bộ NN&PTNT thực hiện. Ngành y tế, giáo dục và các ngành khác cũng cần tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Cơ quan thường trực điều phối việc này, phù hợp nhất có lẽ là Bộ LĐ-TB&XH.
Trong thời gian gần đây nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục Chương trình 135 giai đoạn 3 vì nguồn vốn này vẫn rất cần thiết để giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trước khi được tiếp tục, cần phải mổ xẻ phân tích kỹ lưỡng những vấn đề được và chưa được của chương trình này, thậm chí nếu phát hiện sai phạm phải xử lý đến nơi đến chốn. Chương trình 135 giai đoạn tới (nếu có) cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với vùng, miền, khớp với các chương trình, chính sách khác đang thực hiện, đặc biệt là Chương trình giảm nghèo bền vững tại 62 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.