Chưa đủ căn cứ để tăng giá điện

Thứ hai, ngày 16/08/2010 07:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - TS.Ngô Tuấn Kiệt - Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, thuộc Viện KH&CN Việt Nam, cho rằng, cần có lộ trình và phải được tính toán hết sức khoa học để không gây sốc với nền kinh tế.
Bình luận 0
img
Đề xuất tăng giá điện vào thời điểm này là chưa phù hợp.

Ông có nhận định gì về những kiến nghị tăng giá điện và bỏ giá điện bậc thang của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa kiến nghị lên Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ?

- Tôi tán thành với đề xuất tăng giá điện, nhưng việc đưa ngay ra con số 8 cent (tương đương tăng 400 đồng kWh) trong lần tăng giá tới là chưa đủ cứ khoa học. Bởi chỉ cần tăng thêm 1 đồng thôi nhưng nếu nhân với 1 tỷ kWh điện/năm đã có 1 tỷ đồng rồi. Vì thế, tăng bao nhiêu, tăng vào thời điểm nào cần được tính toán cụ thể trên cơ sở khoa học, không thể chỉ dựa vào một vài hội thảo là đưa ra đề xuất tăng giá điện được. Còn với đề xuất bỏ giá điện bậc thang, tôi rất tán thành quan điểm này. Chẳng cơ sở nào đưa ra 50kWh đầu tiên để hỗ trợ người nghèo - tại sao lại không là 60, 70, 80 kWh.

Theo tôi, việc tính giá điện bậc thang có thể sẽ là "kẽ hở" không minh bạch để nhiều người "ăn cắp" điện. Ví như, một hộ tiêu thụ trên 100 thậm chí vài trăm kWh vẫn tính ở mức giá 600 đồng cũng chẳng ai kiểm tra hết. Thay vì việc hỗ trợ người nghèo 50kWh đầu tiên, nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp người nghèo bằng tiền để mua điện, còn những người giàu, muốn dùng nhiều điện thì phải chịu giá cao chứ không thể đánh đồng việc hỗ trợ giá điện như hiện nay.

Theo ông, thời điểm nào cần tăng giá điện và mức tăng bao nhiêu là phù hợp?

- Muốn đưa được ra mức tăng và thời điểm tăng cần dựa trên những phương pháp tính toán thật khoa học và nghiêm túc. Vì điện là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất nên khi tăng giá sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nếu tăng một lần quá cao sẽ gây sốc cho nền kinh tế nhưng nếu tăng quá thấp cũng sẽ ảnh hưởng tới chiến lược phát triển ngành điện.

Theo tôi, cần phải giao nhiệm vụ này cho một cơ quan độc lập, có đủ chức năng khoa học và phương pháp luận để đưa ra phương pháp tính toán cụ thể, đồng thời chịu trách nhiệm về giá điện mới trên cơ sở tính toán ấy. Việc đưa ra một giá điện mới cần căn cứ trên các chi phí đầu tư sản xuất, chi phí vận hành thủy điện, nhiệt điện, chi phí khấu hao máy móc… Nếu được Thủ tướng yêu cầu, Viện Khoa học Năng lượng của chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực để tính toán một cách khoa học và chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Chúng ta đang tiến tới thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, theo ông khi tiến tới thị trường này liệu giá thành có giảm và giải quyết được bài toán thiếu điện?

- Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26-1-2006 về lộ trình hình thành thị trường điện lực qua 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (2009-2014), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau năm 2022).

Theo tôi, việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh chưa chắc đã giải quyết được bài toán thiếu điện, còn giá điện sẽ chỉ có tăng chứ không thể giảm. Điện được coi là hàng hóa đặc biệt, bởi tiêu thụ và sản xuất gắn liền với nhau. Người mua, khi giá cao vẫn phải "nhắm mắt" mua vì không thể không có điện. Lúc điện thừa không thể tích trữ vào kho như xăng dầu, nhưng khi điện thiếu dù muốn cũng không thể có ngay được… Vì thế, điện được coi là một loại hàng hóa đặc biệt nên cũng cần có cách quản lý trên thị trường thật đặc biệt.

Vậy theo ông làm thế nào để giải quyết bài toán thiếu điện và vốn đầu tư cho ngành điện hiện nay?

- Vấn đề về vốn luôn được coi là bài toán khó nhưng theo tôi hoàn toàn có thể giải quyết nếu chúng ta có cơ chế chính sách hợp lý. Nhiều nhà đầu tư rất muốn đầu tư vào ngành điện, nhưng khi xây xong nhà máy lại không thể đàm phán giá bán đủ có lãi nên e ngại chưa dám đầu tư. Điển hình như trường hợp điện gió tại Ninh Thuận và ngay cả điện của Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản… vẫn kêu khó đàm phán giá bán.

Theo tôi, nhà nước cần tách riêng hai khâu sản xuất và bán điện thành hai khâu riêng biệt, đồng thời đưa ra một cơ chế giá sàn hợp lý là hoàn toàn có thể giải quyết được bài toán vốn cho điện. Giá sàn được tính toán cụ thể dựa trên chi phí đầu tư sản xuất của từng loại hình thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, năng lượng tái tạo…

Giá sàn bán điện nếu đảm bảo đủ lãi cho nhà đầu tư thì hoàn toàn có thể thu hút được vốn không chỉ của nhà đầu tư trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài. Khi có giá sàn, nhà nước chỉ phải xem xét từng trường hợp cụ thể khi các nhà đầu tư bán điện trên giá sàn cho hợp lý. Điều đó, vừa thuận lợi hơn cho công tác quản lý, vừa giải quyết được vấn đề vốn cho điện, điều mà bấy lâu nay vẫn gặp khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

* Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào: Còn quá sớm nói về tăng giá điện

Trao đổi với NTNN về kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết: "Tôi không có bình luận về các đề nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vì còn quá sớm. Các vấn đề này, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu để trình Thủ tướng vào cuối năm nay".

* Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đào Văn Hưng: Giá thấp khó thu hút đầu tư

“Một thực tế là, chúng ta không huy động được đầu tư vào ngành điện trong gần 14 năm qua, do giá điện bình quân trong nước quá thấp, chỉ gần 5,3 cent/kWh (tương đương là 1.059 đồng/kWh) thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi để có lãi cho các nhà đầu tư, giá điện phải ở mức bình quân trên 8 cent/kWh”.

* Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi: Không ảnh hưởng người nghèo?

“Với mức tăng theo đề xuất của Hiệp hội Năng lượng sẽ không ảnh hưởng tới người nghèo, vì số lượng người nghèo dùng điện rất ít. Mặt khác, đề xuất của chúng tôi là nhà nước vẫn hỗ trợ cho người nghèo, còn người giàu cái họ cần là chất lượng chứ không phải giá điện. Nếu cứ kéo dài mãi giá 5 cent/kWh như hiện nay thì cả chục năm nữa Việt Nam sẽ vẫn thiếu điện nghiêm trọng. Việc thiếu điện đó còn gây tốn kém cho xã hội hơn rất nhiều so với việc tăng mấy trăm đồng giá bán điện. Bây giờ ra đường, uống một chén trà nóng giá cũng đã 1.000 đồng, giá điện rẻ bằng một nửa chén trà, làm sao có thể thu hút được đầu tư”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem