Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, chính quyền thành phố Varanasi, cùng khoảng 10.000 phật tử, tăng, ni sinh cùng khách mời trong và ngoài nước đã hoan hỉ dự lễ khánh thành.
Các chư tăng và phật tử dưới pho tượng Phật chuyển pháp luân cao 18m ở chùa Đại Lộc. (Ảnh: Vietnam+).
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam Tôn Sinh Thành chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đánh giá cao nỗ lực của Đại đức-tiến sỹ Thích Tường Quang trong việc vận động xây dựng chùa Đại Lộc.
Đại sứ cho rằng với sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, chùa Đại Lộc sẽ là một điểm đến của khách hành hương Việt Nam.
Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của các phật tử, mà còn góp phần thắt chặt hơn nữa tình cảm hữu nghị, truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Nhân dịp này, Đại sứ Tôn Sinh Thành bày tỏ sự cám ơn đến chính quyền thành phố Varanasi, bang Andhra Pradesh đã ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ xây dựng chùa Việt Nam tại thành phố cổ kính và linh thiêng này.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Xuân, chuyên viên Vụ Phật giáo đại diện Ban Tôn giáo chính phủ đã đọc thư chúc mừng của Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo chính phủ, đánh giá cao nỗ lực của chư tăng, phật tử Việt Nam và khắp nơi trên thế giới trong việc xây dựng chùa, qua đó tỏ rõ giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam trên quê hương đức Phật.
Bức thư nêu bật mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharal Nehru đặt nền móng, cho đến nay luôn là mối quan hệ đặc biệt chân thành, sâu sắc và phát triển vững chắc.
Ông tin rằng, vị sư trụ trì với uy tín, đạo hạnh sẽ cùng các chư tăng, phật tử nỗ lực không ngừng để hoạt động Phật giáo ở đây đi vào ổn định và phát triển, duy tu bảo dưỡng ngôi chùa lúc nào cũng đẹp đẽ dưới hào quang của Đức Phật, tỏ rõ giá trị văn hóa của Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, tại Ấn Độ hiện nay có 13 ngôi chùa của các nước Đông Nam Á, riêng Việt Nam có 4 ngôi chùa Phật giáo được xây dựng, nhưng chùa Đại Lộc là ngôi chùa đầu tiên được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận là cơ sở của giáo hội.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã công bố quyết định của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm Đại đức Thích Thiện Minh làm Viện chủ và Đại đức Thích Tường Quang trụ trì chùa Đại Lộc.
Đại đức Thích Tường Quang, trụ trì chùa Đại Lộc cho biết dự kiến sinh hoạt trong tương lai của chùa sẽ là nơi lưu trú của sinh viên đang theo học chương trình thạc sỹ, tiến sỹ của Đại học Varanasi và Đại học quốc tế Theravada, đáp ứng yêu cầu hành hương của Phật tử đến vùng thánh địa Chuyển Pháp Luân, mở phân khoa Phật học của Đại học Varanasi, mở khóa thiền Tứ Niệm Xứ và buổi thuyết giảng Phật pháp dành cho Phật tử Việt Nam, dâng Pháp y Kathina đến tăng sinh hàng năm, lập quỹ từ thiện chùa Đại Lộc giúp người nghèo Ấn Độ, Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn kiều bào, tăng ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ hướng về quê hương, đất nước.
Chùa Đại Lộc được khởi công xây dựng từ năm 2009, do sự vận động của Đại đức Thích Thiện Minh và Đại đức Thích Tường Quang.
Tọa lạc tại Sarnath, thành phố Varanasi trên diện tích 5.170m2, chùa Đại Lộc có 5 hạng mục gồm chính điện, pho tượng Phật chuyển pháp luân cao 18m, bằng chất liệu đá cẩm thạch, nặng 700 tấn với 660 khối đá, tăng xá, nhà bếp, nhà ăn, hội trường, thư viện, chùa một cột, Quốc tử giám.
Kinh phí xây dựng lên tới 1,3 triệu USD, chủ yếu do sự đóng góp của các "mạnh thường quân," tăng ni phật tử trong và ngoài nước.
Nhân dịp này, chùa Đại Lộc cũng đã đón nhận quyết định xác lập 2 kỷ lục Việt Nam: chùa Phật giáo Nam Tông đầu tiên của Việt Nam tại Ấn Độ và bức tượng Phật Chuyển Pháp Luân lớn nhất.
(Theo Vietnam+)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.