“Chúa rừng” bản Dao và nhà trọ trên đỉnh núi cao 1.200m

Ghi chép của CHIẾN HOÀNG Thứ bảy, ngày 10/10/2020 19:10 PM (GMT+7)
Dẫn chúng tôi leo bộ luồn rừng, từ thôn Bản Nghè ra ngã ba Quán Gió (Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) chừng 10km, Đặng Văn Hùng - người được mệnh danh “chúa rừng” bản Dao hào hứng kể về những cung đường mà anh cùng những khách Tây từng chinh phục. Hùng miệng nói, chân đi, thoăn thoắt như không hề biết mệt...
Bình luận 0

Từ làm nương sang phục vụ du khách

Gió chiều lồng lộng đuổi phía sau, tiếng chim rộn ràng trộn lẫn trong những câu chuyện rôm rả của Hùng khiến cung đường chừng như ngắn lại. Hùng bảo, khách Tây đi mà không mệt thì họ không trả tiền đâu, phải cho xem trước hành trình, ít nhất 16km trở lên họ mới gật.

Hùng sinh năm 1984, là người Dao chính hiệu, gốc Bản Nghè (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) - bản nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển. Hùng kể, những ngày đầu khởi nghiệp, chỉ mới nghe ý tưởng ai cũng ngặt nghẽo cười, bảo mua trâu, bò về nuôi chứ làm nhà trọ trên núi thế kia, ma nào đến ở. Gia đình cũng không ai tán thành…

“Chúa rừng” bản Dao và nhà trọ trên đỉnh cao 1.200m - Ảnh 1.

“Chúa rừng” bản Dao và nhà trọ trên đỉnh cao 1.200m - Ảnh 2.

“Chúa rừng” Đặng Văn Hùng (giữa) rót nước mời du khách tại điểm dừng chân Bản Nghè. Ảnh: H.C.T

Ông Lưu Quốc Trung - Chủ tịch UBND huyện Ba Bể nói, dịch vụ homestay là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện khu vực hồ Ba Bể. Homestay tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia vào hoạt động du lịch, giúp người dân có công ăn việc làm, tăng thu nhập. Địa phương dự kiến lập quy hoạch chi tiết tại một số khu để có định hướng về không gian, định hướng về xây dựng và quan trọng nhất là công tác bảo vệ môi trường cho khu du lịch hồ Ba Bể.

Trời về chiều, tiếng chim lại càng ríu rít hơn, bước chân Hùng mau mắn lạ, chỉ có chúng tôi là đôi chân căng cứng, phồng rộp. "Chúa rừng" tếu táo một vài câu chuyện bản địa làm vui giúp chúng tôi phấn chấn mà nhấc tiếp đôi chân.

Từ bản người Mông Đán Mẩy nhìn xuống, bốn bề đâu cũng mịt mùng sương, mới 16 giờ mà trời đã chạng vạng. Khí hậu trên này lạ, nhất là vào những ngày mưa, Hùng bảo với chúng tôi vậy. Trong câu chuyện của mình, Hùng nói nhiều về văn hóa bản địa, về ẩm thực, về những lần mò cua, bắt ốc cùng khách Tây.

Về ý tưởng biến ngôi nhà nằm cheo leo trên đỉnh non thành điểm dừng chân đón khách, "chúa rừng" bản Dao Đặng Văn Hùng cho biết, năm 2013, một lần làm nương về, mệt quá ngồi nghỉ trước hiên nhà, thấy có nhóm khách Tây đi qua nên anh tiện mồm hỏi vui người dẫn đoàn là nhà mình làm điểm dừng chân được không?

"Thế mà họ lên thật, sau khi xem qua, người dẫn đoàn bảo chỗ này ok. Vậy là "trình bày" với vợ, với bố mẹ rồi quay ra vay mượn ngân hàng 170 triệu để đổ đất, kè sân, chẳng ai tin mình sẽ thành công cả. Lúc đầu chỉ đón được 4 khách thôi, sau tăng dần lên 10, 12 khách, giờ thì có thể đón được đoàn 24 người rồi. Trên này chỉ có khách Tây thôi, được các công ty lữ hành dưới Hà Nội kết nối, giúp đỡ nên cũng nhiều thuận lợi" - "chúa rừng" cho biết thêm.

Anh Hùng kể: "Nắm bắt nhu cầu khách nước ngoài muốn leo núi, thích khám phá, trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, tận dụng vốn hiểu biết về núi rừng và sự thông thạo đường đi lối lại, tôi đã lên kế hoạch chi tiết những cung đường luồn rừng vượt núi, đến các bản làng sâu xa nhất của huyện Ba Bể, dùng những đồ ăn, thức uống dân dã nhất trong vùng. Đưa khách đi bẻ ngô, cấy lúa, mò cua, bắt ốc hay đánh cá… họ thích lắm. Tây là vậy, lộ trình di chuyển thì phải ít nhất 16km trở lên họ mới ưng".

Vẫn đi cày, làm ngô...

“Chúa rừng” bản Dao và nhà trọ trên đỉnh cao 1.200m - Ảnh 4.

Du khách nước ngoài thích thú với việc mò cua, bắt ốc. Ảnh: H.C.T

"Du khách đến khu du lịch hồ Ba Bể ngoài được thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của vùng hồ, còn có thể trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như dịch vụ homestay tại 3 thôn vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể gồm: Bó Lù, Cốc Tộc, Pác Ngòi".

Ông Hoàng Ngọc Thấm - Quyền Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể

Từ ngã ba Quán Gió có một lối mòn nhỏ chạy vòng trên trán nương, ấy là lối tắt xuống bản Cốc Tộc (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể), Hùng chỉ cho chúng tôi, ở phía mịt mùng sương kia chính là homestay Hùng mới mở.

"Chúa rừng" bản Dao cho biết, sau vài năm lăn lộn với rừng, đồng hành cùng biết bao lượt khách, anh đã quyết đầu tư thêm một homestay trên diện tích khoảng 800m2 với hai nhà sàn, một nhà bán sàn lợp cọ, tổng chi phí gần 1,7 tỷ đồng. Theo Hùng, khi chưa có dịch Covid-19, những tháng mùa đông, có tháng cao điểm anh đón đến 12 đoàn khách nước ngoài. Với những cung đường từ 16km trở lên, khách phải trả chi phí từ 1 - 1,5 triệu đồng/người. Đi hết lịch trình để về lại homestay của Hùng mất 2 ngày 1 đêm.

Rời điểm dừng chân Quán Gió khi trời đã tối mịt, chúng tôi lên xe máy theo "chúa rừng" xuống núi để đến homestay của Hùng. Homestay cách hồ Ba Bể chừng 1km. Từ bờ hồ đi vào khoảng 500m đã nhìn thấy ẩn hiện trong sương nếp nhà sàn mang phong cách rất "chúa rừng". Cơ ngơi này, theo như Hùng chia sẻ là để đón thêm khách Việt.

Bước vào homestay, chúng tôi thực sự bất ngờ với những ý tưởng được "chúa rừng" bản Dao hiện thực hóa. Thực sự khó mà tả nổi nét đẹp hoang sơ, độc, lạ tại homestay của Hùng. Các phòng đều được Hùng bài trí đơn giản mà tinh tế, gần gũi thiên nhiên.

“Chúa rừng” bản Dao và nhà trọ trên đỉnh cao 1.200m - Ảnh 6.

Khách nước ngoài đến nhà dân, thích thú dùng cơm nắm. Ảnh: H.C.T

Ở homestay của Hùng, phòng đơn, phòng sinh hoạt cộng đồng đều có cả. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi những chiếc giường được làm từ 4 thân gỗ cong queo ghép lại, vừa chắc chắn vừa mang tính thẩm mỹ độc đáo.

Từ một nông dân thuần túy, Đặng Văn Hùng đã trở thành một "chúa rừng" thông thạo địa hình, địa vật, am hiểu sâu về văn hóa bản địa, tiếng Anh "bắn" với khách Tây như gió dù không qua trường lớp nào. Ngoài những lúc đón khách, anh vẫn quần xắn móng lợn, lội ruộng đi cày, làm ngô nuôi gà, nuôi lợn. Hùng cho biết, hiện anh vẫn làm hơn 3.000m2 lúa, còn khoảng 4.000m2 anh cho anh em chòm xóm ít ruộng làm không.

Ông Ngôn Văn Sơn - quyền Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết, trên địa bàn xã hiện có 52 cơ sở lưu trú homestay, không có doanh nghiệp, chủ yếu là nông dân thực hiện. Việc thực hiện mô hình homestay đem lại cho cho người dân vùng hồ thu nhập ổn định. Về thị trường, có khách du lịch trong nước và quốc tế. Du khách lựa chọn homestay vì được khám phá, trải nghiệm những nét đặc sắc văn hóa bản địa. "Tới đây, chính quyền địa phương sẽ định hướng các cơ sở lưu trú homestay mở rộng thêm một số loại hình dịch vụ trên địa bàn, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho bà con nông dân" - ông Sơn nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem