Chứng khoán SSI: Tháng 11 Vn-Index có thể dao động trong biên độ 1.400 – 1.480 điểm

08/11/2021 09:41 GMT+7
Sau khi bứt phá trong tháng 10, động lực đi lên của thị trường chứng khoán (TTCK) trong tháng 11 có thể sẽ chậm lại nếu không có nhân tố tác động nào thực sự lớn.

Đó là nhận định của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán SSI, được đề cập tại báo cáo chiến lược thị trường tháng 11/2021 vừa được công ty này công bố.

TTCK tháng 11 dự báo sôi động nhờ câu chuyện về gói kích thích kinh tế mới

Theo các chuyên gia, trọng tâm chính của tháng 11 là cuộc họp Quốc hội khóa XV, trong đó tâm điểm chú ý chính là kế hoạch kinh tế - tài khóa năm 2022 và kế hoạch phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2023.

Về mặt định giá, P/E hiện tại và P/E 2021 của VNIndex đang ở mức 16,8 lần và 16,6 lần, cho thấy dư địa tăng cao trong ngắn hạn của chỉ số có thể không còn nhiều, đặc biệt trong bối cảnh giai đoạn nhộn nhịp nhất của mùa kết quả kinh doanh quý III đã qua.

TTCK tháng 11: Hiệu ứng từ câu chuyện về gói kích thích kinh tế mới, TCB được "ngắm" - Ảnh 1.

TTCK tháng 11 sôi động nhờ câu chuyện về gói kích thích kinh tế mới. (Ảnh: QH)

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng thị trường vẫn sẽ duy trì sự sôi động với các câu chuyện xoay quanh gói kích thích kinh tế mới, câu chuyện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như sự phục hồi trở lại của hoạt động sản xuất và tiêu dùng sau thời gian giãn cách.

Những yếu tố này sẽ là động lực cho tăng trưởng lợi nhuận quý IV cũng như nhìn sang triển vọng năm 2022. P/E năm 2022 của VNIndex hiện đang ở mức 13,65 lần là mức rất hấp dẫn.

Trong tháng 10, thông tin về gói kích thích kinh tế cùng với câu chuyện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công tiếp tục là chất xúc tác cho nhóm Vật liệu xây dựng tăng 9,2%. Được dự đoán hưởng lợi gián tiếp từ câu chuyện này, nhóm Bất động sản cũng đã đảo chiều từ giảm 2,8% ở tháng trước sang tăng mạnh 12,1% ở tháng này. Trong khí đó, các nhóm Tài chính, Công nghệ thông tin, Hàng tiêu dùng duy trì tăng trưởng ổn định về điểm số

Theo dự báo của SSI Research, VNIndex có thể dao động trong biên độ 1.400 – 1.480 điểm trong thời gian còn lại của tháng 11. Với các giao dịch ngắn hạn, các chuyên gia khuyến khích nhà đầu tư cân nhắc hạ tỷ trọng tại vùng cận trên 1.480 điểm và gia tăng tỷ trọng trở lại khi chỉ số VN Index lùi về gần khu vực 1.400 điểm cùng với các tín hiệu tiết cung để quản trị tốt rủi ro và đạt lợi nhuận kỳ vọng.

Trước đó, trong tháng 10 chính sách tiền tệ nới lỏng duy trì lợi thế cho kênh đầu tư chứng khoán, chính sách tài khóa có khả năng mở rộng tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi trở lạ - đây là 2 yếu tố then chốt giữ nhịp sôi động trên thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2021, chỉ số VNIndex thiết lập đỉnh lịch sử mới với 1444,27 điểm, cao nhất trong 21 năm qua, tăng 7,62% so với tháng trước, tăng 30,84% so với đầu năm. Còn tính tới cuối tuần trước (5/11), chỉ số NIndex chốt tuần tại 1456,51 điểm.

Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 quay lại đà tăng với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỷ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so với tháng trước.

TTCK tháng 11: Hiệu ứng từ câu chuyện về gói kích thích kinh tế mới, TCB được "ngắm" - Ảnh 3.

Nguồn: SSI Research

Cổ phiếu TCB được khuyến nghị, giá mục tiêu 64.000 đồng/cp

Trong TOP 10 cổ phiếu được các chuyên gia khuyến nghị tháng 11/2021 như BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp; BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn; FPT; HAH (CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An);… TCB của Techcombank là mã cổ phiếu ngân hàng duy nhất lọt vào danh sách này với giá mục tiêu là 64.000 đồng/cp, tăng 20,75% so với thị giá hiện tại (53.000 đồng/cp) của TCB.

TCB được khuyến nghị bởi 3 lý do: Tăng trưởng tín dụng của Techcombank dự báo sẽ ở mức cao; Chất lượng tài sản vẫn trong tầm kiểm soát và quá trình số hóa ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ tạo thêm dư địa để cải thiện hiệu quả hoạt động trong tương lai.

TTCK tháng 11: Hiệu ứng từ câu chuyện về gói kích thích kinh tế mới, TCB được "ngắm" - Ảnh 4.

Cổ phiếu TCB được khuyến nghị, giá mục tiêu 64.000 đồng/cp. (Ảnh: TCB)

Đối với tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia cho rằng TCB đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp trong quý III vừa qua, do đó TCB đang chờ được cấp hạn mức tăng trưởng mới trong thời gian tới. Các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm của TCB sẽ ở mức cao.

Về chất lượng tài sản, cuối quý III/2021, tỷ lệ nợ xấu của TCB tăng từ 0,36% lên 0,57% và tỷ lệ bao trùm nợ xấu giảm về 184% từ 256% của cuối quý II/2021. Tuy nhiên, quy mô dư nợ tái cơ cấu không thay đổi nhiều đạt 2,8 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 0,87% tổng dư nợ). Chỉ tiêu này nằm trong nhóm tốt nhất toàn ngành – theo SSI.

Về quá trình số hóa, TCB sẽ dịch chuyển phần lớn các ứng dụng từ trung tâm dữ liệu của Ngân hàng lên AWS, sớm ra mắt nền tảng ngân hàng giao dịch cho khách SMEs, và khách hàng cá nhân trong thời gian tới. CIR của ngân hàng liên tục cải thiện từ 35% trong năm 2019 về mức 29% trong 9 tháng năm 2021.

Với giả định, tín dụng tăng trưởng 23%, NIM 5,57% và chi phí tín dụng 0,83%, lợi nhuận trước thuế 2021 của TCB dự báo ở mức 22,3 nghìn tỷ, tăng khoảng 41% so với năm 2020.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục