Chứng nhận xuất xứ điện tử có thể thúc đẩy thương mại Việt Nam-Ấn Độ

25/05/2020 06:54 GMT+7
Nếu được nhất trí thông qua, chứng nhận xuất xứ điện tử sẽ là bước tiến quan trọng trong hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn giao thương toàn cầu, giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (E-CO) sẽ là động lực để Việt Nam và Ấn Độ hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đặt ra. Đây là thông tin mà đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu công bố trong cuộc hội thảo Hội thảo kết nối doanh nghiêp trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ mới đây.

Chứng nhận xuất xứ điện tử có thể thúc đẩy thương mại Việt Nam-Ấn Độ - Ảnh 1.

Hội thảo kết nối doanh nghiệp trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ tổ chức ngày 21/5.

Đề nghị xem xét chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ được cấp thông qua cổng thông tin điện tử của Ấn Độ (E-CO) được chính phủ Ấn Độ gửi tới các nước ASEAN hôm 27/4. Ngay sau đó, Việt Nam, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 đã tích cực trao đổi với các nước ASEAN về đề xuất sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ điện tử của Ấn Độ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các nước đang phong tỏa, hạn chế đi lại.

Đề xuất của Ấn Độ cũng phù hợp với lợi ích của các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Sau 1 tháng triển khai, các nước như Campuchia, Singapore, Malaysia, Philippines và Myanmar… đã đồng ý hoặc đang sửa đổi quy định để chấp nhận E-CO của phía Ấn Độ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao… đề nghị các bộ ngành với chức năng và nhiệm vụ được giao sớm xem xét và chấp nhận kiến nghị từ phía Ấn Độ. Nếu được nhất trí thông qua, đây được coi là bước tiến quan trọng trong hoạt động giao thương giữa ASEAN và Ấn Độ nói chung và Việt Nam và Ấn Độ nói riêng.

Đại dịch Covid-19 đã làm hoạt động kinh tế thương mại bị gián đoạn ảnh hưởng nghiêm trọng, các doanh nghiệp phải chịu thiệt hại lớn. Việc sớm chấp nhận E-CO của phía Ấn Độ được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực, khai thông thủ tục tại thị trường 1,4 tỷ dân này./.

Theo PV/VOV
Cùng chuyên mục