Chuỗi cung cấp thực phẩm NLTS an toàn: 5 năm chỉ là bước khởi đầu

Nguyễn Tố (thực hiện) Thứ năm, ngày 20/12/2018 15:56 PM (GMT+7)
Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn "từ trang trại đến bàn ăn" là giải pháp mang tính đột phá và bền vững nhằm quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai, Chương trình đã thực sự đạt được mục đích trên? Để có bức tranh toàn cảnh về vấn đề này, Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng Nông sản (Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản - Bộ NN&PTNT).
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng Nông sản (Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản - Bộ NN&PTNT).

Thưa ông, tại sao việc xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn lại mang tính cấp thiết?

- Một trong những nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm được quy định Luật An toàn Thực phẩm đó là "quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm". Để tuân thủ nguyên tắc này cần phải kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Do đó, việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi sẽ giúp cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm theo quy định trong Luật An toàn thực phẩm.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là giải pháp yêu cầu tất cả các nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tuân thủ quy định về hội nhập quốc tế, gia tăng xuất khẩu, an sinh xã hội, cơ sở để thực hiện hiệu lực, hiệu quả, luật pháp về ATTP, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.

Việc triển khai mô hình kiểm soát theo chuỗi là xây dựng mối liên kết sản xuất kinh doanh tập thể, chia sẻ rủi ro và trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi các mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi, giai đoạn đầu (2013 – 2016) đã triển khai xây dựng thí điểm/thử nghiệm, sau đó đã đánh giá hiệu quả, tác động và phát triển nhân rộng đồng bộ trên phạm vi cả nước từ năm 2016. Việc xây dựng và phát triển chuỗi an toàn thực phẩm với lộ trình phù hợp như trên sẽ tạo ra một hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, sẽ tạo sự tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe của chính mình và cho cả cộng đồng.

 Rõ ràng đây là vấn đề cần thiết nhưng dường như chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, phải chăng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để triển khai xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn chưa đủ hấp dẫn, thưa ông?

- Trên thực tế chúng ta đã có hệ pháp lý và chính sách tương đối đầy đủ để hỗ trợ và triển khai vấn đề này. Ngoài Luật An toàn Thực phẩm chúng ta còn có Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 4/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030; Quyết định số 3073/QĐ-BNN-QLCL ngày 27/12/2013 phê duyệt Đề án «Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”; Quyết định số 354/QĐ-BNN-QLCL ngày 04/3/2014 phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án ”Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”.... Tất cả đều nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như tạo điều kiện tốt nhất để các cá nhân, tập thể có thể triển khai xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông lân thủy sản an toàn.

Theo ông, ý nghĩa lớn nhất trong việc triển khai phát triển và xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là gì?

- Việc phát triển và xác nhận chuỗi rất có ý nghĩa đối với các tác nhân tham gia chuỗi và người tiêu dùng, đó là:

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm được thực hiện hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng; chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Giúp người tiêu dùng lựa chọn được nông sản thực phẩm an toàn. Chưa kể sản phẩm có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc; giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Việt.

 Bên cạnh đó, sản xuất theo chuỗi còn gia tăng sự gắn kết và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tác nhân tham gia chuỗi, đồng thời thúc đẩy áp dụng quy trình sản xuất kinh doanh, hệ thống tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm (GAP, GMP, HACCP) và hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ hiện đại.

Vậy, kết quả triển khai đến nay như thế nào, thưa ông?

Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương gửi về Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Sản và Thủy sản đến hết tháng 11/2018 cho thấy hiện đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1096 chuỗi, 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi.

Thu hút sự tham gia của khoảng 100  hợp tác xã, 250 công ty, trong đó có một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop ....). Các cơ sở sản xuất kinh doanh hưởng ứng, nhận thức đúng và có trách nhiệm tham gia triển khai chuỗi. Các địa phương cũng có nhiều cố gắng trong việc triển khai: ban hành đề án/chương trình/kế hoạch; hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các cơ sở tham gia chuỗi  triển khai các nội dung  để hoàn thành các đầu ra.

Và điểm đáng mừng nhất là kết quả phân tích các chỉ tiêu ATTP sản phẩm của chuỗi (thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật, khánh sinh) đều đạt yêu cầu.

Quá trình triển khai ở địa phương có gặp khó khăn, tồn tại gì không thưa ông?

- Trong quá trình triển khai cũng đã gặp 1 số khó khăn khi công tác kết nối các khâu của chuỗi (giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh) còn lỏng lẻo, chưa ký kết được các hợp đồng ổn định lâu dài, chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Cơ chế chính sách trong việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể.

Lợi nhuận được phân phối không công bằng giữa các tác nhân trong chuỗi. Thương nhân (người kinh doanh bán buôn, bán sỉ) nhận được nhiều lợi nhuận hơn so với những người khác. Kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt cá an toàn còn ít, khó mở rộng và duy trì mô hình sản xuất các chuỗi sản phẩm an toàn. 

Sản phẩm chuỗi được xác nhận còn ít, bao bì, nhãn mác, thông tin truy xuất chưa đủ đẹp, việc quảng bá sản phẩm chuỗi chưa thường xuyên, liên tục.

Vậy, định hướng và giải pháp triển khai trong thời gian tới theo ông cần những gì?

- Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu đến năm 2020 mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 50% sản lượng nông lâm thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao, đang có nhiều bức xúc về an toàn thực phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Để đạt được mục tiêu này cần xây dựng và áp dụng chương trình thực hành sản xuất tốt: (GAP) hoặc các chương trình có yêu cầu thấp hơn (GAP cơ bản) nhưng đáp ứng cơ bản được yêu cầu ATTP, truy xuất nguồn gốc và phù hợp với thực tế của địa phương.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATTP, đào tạo kiến thức ATTP cho người tham gia sản xuất; tạo mối liên kết theo liên kết ngang (thành lập HTX, tổ hợp tác) theo chiều dọc (hợp đồng về sản lượng, chất lượng, giá cả, ...).

Vận động các đối tượng động lực (doanh nghiệp, HTX/Tổ hợp tác, trang trại liên kết) chủ động liên kết, hỗ trợ các tác nhân còn lại. Hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở tham gia chuỗi (triển khai áp dụng, chứng nhận sản phẩm, tem nhãn nhận diện...); hướng dẫn kỹ thuật...

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm chuỗi; tạo cơ chế chính sách về giá: giá bán sản phẩm của các cơ sở tham gia chuỗi cần được nâng lên theo mức hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi...

Xin chân thành cảm ơn ông!

Các bước triển khai chuỗi cung cấp thực phầm nông lâm thủy sản an toàn:

- Liên kết hình thành chuỗi cung ứng bền vững.

- Nâng cấp điều kiện ATTP từng khâu trong chuỗi, áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng, ATTP (GAP, GMP, HACCP) và hệ thống truy xuất nguồn gốc (truyền thống/ điện tử).

- Tập huấn tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy trình, hệ thống bảo đảm chất lượng, ATTP; hệ thống truy xuất nguồn gốc.

- Đăng ký, chứng nhận đủ điều kiện ATTP (GAP/ GMP/HACCP).

- Đăng ký xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…

- Phát triển nhãn hiệu, thông tin truy xuất, thương hiệu.

- Truyền thông, quảng bá chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

- Xử lý các vấn đề phát sinh, duy trì và mở rộng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN VỚI SỰ PHỐI HỢP CỦA CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN- BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem