Chương trình bình ổn giá: Không ổn định được giá lẫn thị trường

Thứ năm, ngày 30/05/2013 08:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Chương trình bình ổn giá (BOG) chưa thực sự đem lại hiệu quả cả về BOG và ổn định thị trường”.
Bình luận 0

Đây là nhận định tại hội nghị sơ kết chương trình bình ổn thị trường năm 2012, hướng triển khai năm 2013 do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội hôm qua (29.5).

Theo đánh giá chung, việc bán hàng BOG đã tạo ra tâm lý an tâm cho người tiêu dùng và có sức lan tỏa cho thị trường hàng hóa nói chung. Các doanh nghiệp (DN) đăng ký giá và cam kết bán hàng BOG với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10%.

img
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho rằng: “Đã có hiện tượng đầu cơ trục lợi qua chương trình BOG”. Theo ông Thắng, có thời điểm giá dầu ăn, gạo trên thị trường tăng đột biến khiến dân xếp hàng đổ xô mua dầu, gạo BOG; lúc đó DN cũng không có đủ hàng BOG mà cung ứng cho người dân. Thực tế đã có hiện tượng hàng BOG còn bán giá cao hơn giá thị trường bên ngoài, với lý do là DN không kịp điều chỉnh khi giá biến động, gây dư luận xấu trong xã hội.

Triển khai chương trình này, nhiều DN đã thú nhận: Bản thân DN cũng không mặn mà. Ông Văn Đức Mười-Tổng Giám đốc Công ty Vissan nói: "Khi DN nhận BOG thì phải mua hàng hóa tích trữ. Giá lên hay xuống thì DN đều thiệt hại vì lúc lên thì nhà cung ứng bán ra ngoài, không bán cho DN; giá xuống thì DN lỗ vì hàng đã về trong kho".

Tại hội nghị hôm qua, đại diện các DN cũng cho rằng, công cụ BOG của chương trình hiện chưa rõ nét. Nhà nước nên coi việc giữ ổn định thị trường hàng hóa thiết yếu là chương trình mang tầm quốc gia để có quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ DN hình thành các kho hàng hóa, giúp bình ổn thị trường hiệu quả. Nhà nước chỉ hỗ trợ DN khi "nguy hiểm", ví dụ như DN dự trữ 1.000 tấn thịt trong thời điểm cần thiết thì khi lỗ cũng cần có cơ chế hỗ trợ nào đó cho DN; có như vậy, khi thị trường biến động, giá tăng đột biến việc BOG mới đem lại hiệu quả.

Bà Lê Ngọc Đào-Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng kiến nghị, thay vì đưa một "cục tiền" thì Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách cho DN như đất đai, lãi suất tín dụng để các DN mở rộng được hệ thống phân phối tới tận tay người tiêu dùng với giá phải chăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem