Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng kể về một gánh hát rong có hơn 30 thành viên và họ đều là những người đồng tính nam.
Tác phẩm mở màn với cảnh một lán trại hội chợ được dựng lên bên một khu đất trống ở miền tỉnh lẻ cách xa Sài Gòn vài chục km. Buổi tối, những người ở đây biểu diễn cho người dân địa phương xem.
Ngay sau những hoạt động vui chơi náo nhiệt, đạo diễn lặng lẽ chiếu góc máy vào cuộc sống với những cung bậc tình cảm của hơn 30 người đồng tính này.
"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" kể về một gánh hát của người đồng tính nam.
Trong cuộc sống ấy, khán giả thấy được những lời ca tiếng hát hát nỉ non chất chứa tâm trạng nặng trĩu, những hoạt động sinh hoạt bình dị đằng sau ánh đèn sân khấu... Lột bỏ lớp phấn son, những người này hiện rõ hình hài là đàn ông, mặc đồ phụ nữ.
Khi hội chợ tàn, gánh hát lại lên đường đến những vùng lân cận, họ vào cả những khu dân cư nghèo, nơi có những đứa trẻ chân đất, tóc rối chạy chơi. Tiếng loa phóng thanh rao “tối nay có hội chợ” lại bắt đầu vang lên ở một địa điểm dừng chân mới.
Những cảnh phim rất hiện thực đi vào lòng người
Đan xen vào những hoạt động thường nhật là những tâm tư, tình cảm được chính các thành viên trong gánh hát thủ thỉ với người xem. Đan xen vào những ngày vui vì đông khách là những ngày buồn với những mâu thuẫn trong nhóm, đan xen vào những ngày bình lặng là những ngày cuộc sống bị cắt ngang bởi thời tiết mưa bão, bởi cả những nhóm trai làng đến đánh phá...
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng không lên gân hay cường điệu hóa hoặc soi mói vào thân phận những người đồng tính này để “câu nước mắt” khán giả. Góc máy tài liệu của đạo diễn thể hiện một sự bình thản, giản dị và đưa vào đó những gì đúng với hiện thực nhất, để cuối cùng cả phim toát lên không khí chân thực và cảm động.
Trailer phim tài liệu giản dị, chân thực và chạm vào tim khán giả.
Nếu khán giả mong chờ những cảnh quay hoành tráng mà những bộ phim bom tấn chiếu rạp thường thấy, họ sẽ thất vọng khi xem Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Toàn phim chỉ là những khung cảnh chật chội của những lán trại tạm bợ của nhóm hát hoặc cảnh ca sỹ biểu diễn được quay theo phong cách tự nhiên nhất – tới nỗi không đủ chất lượng ánh sáng nếu tính theo chuẩn một phim Hollywood thông thường.
Thế nhưng, chính cách quay hiện thực này lại là điểm mạnh nhất của phim khiến người xem xúc động.
Lựa chọn nhân vật và đề tài cũng là điểm độc đáo của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Bộ phim đưa đến cho người xem thấy một cách sống, hay đúng hơn là một cách chọn lối sống của người đồng tính, chuyển giới – phần đa xuất thân từ tầng lớp lao động, khi họ biết mình là người khác biệt.
Chị Phụng trưởng đoàn (trái) và một ca sỹ của đoàn hội chợ.
Tuy bao quát toàn bộ cuộc sống của đoàn hát rong, nhưng phim vẫn chọn bám sát nhân vật chính là chị Phụng – trưởng đoàn. Thật khó để người bình thường có thể nhận ra một người phụ nữ phốp pháp tuổi tứ tuần với khuôn mặt phúc hậu nhưng khi cởi bỏ trang phục phụ nữ và gọt sạch son phấn lại là một người đàn ông.
Trong phim, chị Phụng tâm sự, thời trẻ chị vốn đi tu nhưng rồi “mê trai” nên lại ra khỏi chùa và đi theo các đoàn hát rong. Sau đó, chị trở thành trưởng đoàn để gánh vác, lo toan cuộc sống cho hơn 30 con người hiện tại.
Trong suốt bộ phim, người ta không hề thấy chị Phụng than phiền, luôn tỏ ra lạc quan dù trong những chia sẻ của chị, người xem có thể cảm nhận rõ những ưu tư nặng trĩu trong lòng chị. Đáng tiếc, chị Phụng mất vì HIV ngay trước khi bản dựng cuối cùng của phim được hoàn thành hồi tháng 3.2014.
Trên một số diễn đàn phim ảnh, nhiều khán giả hỏi nhau, tại sao những người này không đi làm ở công sở hay các nhà máy để cuộc sống ổn định hơn. Theo lời đạo diễn chia sẻ, "nếu họ vào công sở hay nhà máy, ai sẽ nhận họ khi họ là nam và ăn mặc như nữ giới. Ít ra, chọn cuộc sống nay đây mai đó, có phần phiêu bạt, họ vẫn được sống là chính mình".
Một thành viên của gánh hàng rong xúc động khi phim ra mắt.
Những hình ảnh cuối cùng quay nhân vật chị Phụng ngồi bơ vơ trên một chiếc võng đu đưa trước một bãi cháy loang lổ cuối phim cho thấy một điều gì đó sắp tàn và dần lùi vào dĩ vãng làm lay động khán giả một cách mãnh liệt nhất, làm người ta phải thổn thức khi đứng dậy khỏi ghế.
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng vừa được công chiếu ở Sài Gòn và sẽ được chiếu ở Hà Nội tại Trung tâm Văn hóa Pháp kể từ ngày 29/12 đến 31/12 tới đây.
Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm sinh năm 1984.
Tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh, năm 2009, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm 25 tuổi đang đi làm phim cho người khác. Một ngày, cô tự nhủ đã đến lúc phải làm phim cho riêng mình.
Một người một ba lô, cô gái trẻ rong ruổi cùng một đoàn hội chợ biểu diễn của những người thuộc giới tính thứ ba ở khắp các tỉnh miền Nam trong 13 tháng, để ăn ở cùng, trải nghiệm và khám phá cuộc sống của nhân vật, ghi hình những thước phim tài liệu. Trong 4 năm tiếp theo, nhà làm phim sinh năm 1984 liên tục tìm tài chính và sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp, quỹ phi chính phủ để hoàn thành quá trình dựng phim dài 87 phút từ hơn 60 giờ dữ liệu quay được.
Tháng 3.2014, bản dựng cuối cùng tác phẩm tài liệu đầu tay của cô mang tên Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng hoàn thành. Từ đó tới nay, bộ phim chân thực được chào đón và quan tâm nồng nhiệt tại khắp các LHP quốc tế và trong nước, gây xúc động mạnh mẽ với người xem.
Bộ phim đã đoạt giải Special Mention tại Liên hoan phim tài liệu Đông Nam Á Chopshots, Indonesia. Phim được vào vòng tranh cử Phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan quốc tế điện ảnh tài liệu lần thứ 36 ở Pháp; Liên hoan phim Maraget Mead, Mỹ; Liên hoan phim Đài Loan.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.