Chuyện đời, chuyện nghề sửa khóa: Sống giữa “vòi bạch tuộc”

Thứ tư, ngày 10/10/2012 13:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 100% những anh em làm nghề thợ khóa đều nhận được sự dụ dỗ của đám tội phạm... Hiềm một nỗi, vì không có ai bảo vệ nên khi muốn giữ cho lương tâm mình trong sạch, họ thường nhận được những trận đòn thù.
Bình luận 0

Không nghe là… đánh

“Nó đấm mình lại còn vứt đồ nghề xuống mương mới đểu chứ” – “Tao còn bị nó gí thuốc lá vào cổ” – “chưa là gì! Đánh mình xong, nó bảo, nếu không nghe lời nó thì mỗi tháng phải nộp tiền bảo kê nữa cơ”… Mấy anh em khu “xóm chữa khóa” ngõ 53 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) than thở với nhau về chuyện “lỡ” không nghe theo lời xúi bẩy của những kẻ ác.

Tài năng (mở khóa) của mấy anh em tại đây là sự thèm muốn của những kẻ bất lương…

img
Những cạm bẫy luôn rình rập các thợ sửa khóa (ảnh minh họa).

Thiêm kể: Ngày xưa, tôi làm bên chợ Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội). Hồi đó mới vào nghề nhưng mình là dạng có năng khiếu lại không mè nheo nên nhiều người thuê về nhà tháo khóa, mình làm rất nhanh. Lúc ấy, mới về đó phải đóng 200.000 đồng tiền “bảo vệ” cho anh S. Nhưng sau một thời gian, anh ấy bảo bọn “bộ đội” (đầu gấu chuyên đi thu tiền “bảo kê”) không thu tiền của mình nữa. Thỉnh thoảng anh S lại đến rủ mình đi chơi, uống rượu…

Bẵng đi gần một năm, anh S đến bảo Thiêm: “Có việc phải nhờ chú”… Việc ấy, Thiêm không dám làm nhưng chỉ bảo: “Em thề không nói chuyện ấy với ai đâu. Anh cho em đi chỗ khác kiếm ăn”. Anh S cũng rất người lớn nói: “Vậy thì chú đi chỗ khác đi. Chuyện này, chỉ anh với chú biết, người khác biết thì anh tìm chú… nói chuyện”. Gặng hỏi, chuyện anh S nhờ là chuyện gì, Thiêm bảo: “Anh ấy giờ đang trong tù rồi nhưng chuyện đó không nói được đâu. Em… quên rồi”.

Tuy nhiên, tai họa mà “chú bé có tài mở khóa” như Thiêm dính phải còn là chuyện tương đối “sang trọng” bởi đã “được” dính đến ông anh giang hồ có số má, đủ lịch lãm để dùng người. Chuyện gần như anh em nào làm nghề thợ khóa cũng bị “dính” khi lần đầu tiên đến bất cứ khu chợ nào hành nghề là: Có dăm vị “dặt dẹo” đến gặp, nhẹ thì dăm cái tát tai, nặng thì một trận đòn nhừ tử, sau đó lại ngọt nhạt: “Chú giúp anh một việc, hôm nào chú vào bãi gửi xe của chợ, bao nhiêu xe máy SH, LX… chú cứ mở hết khóa ra rồi để đấy. Mọi việc còn lại là của bọn anh, nếu êm thấm, chú sẽ có “vài phần trăm”, còn nếu “có biến”, bọn anh sẽ không khai chú ra đâu”. Dù vậy nhưng không ai làm theo yêu cầu ấy cả.

Kêu trời không thấu

Thịnh (quê Nam Định) còn mang nguyên vết sẹo trên mặt kể chuyện: “Em phải “bật bãi” khỏi khu Tam Trinh cũng chỉ vì bọn nó hay… mang tiền đến cho mình quá (!?)”. Khu Tam Trinh nằm sát đầu cầu nam Thanh Trì, đây là nơi tập trung nguyên vật liệu sắt thép cho toàn bộ khu vực nam Hà Nội và phía bên kia sông Hồng. Có khoảng gần 1.000 kho bãi sắt thép nằm dọc khu vực này. Lúc làm nghề sửa khóa tại đây, có một nhóm anh em “bất chợt” rất quý vợ chồng Thịnh.

Lúc ốm đau, anh em lại đến chơi, vợ ốm con đau, họ cũng đến thăm hỏi, tiền phong bì thì nhiều lắm, có lần lên đến vài triệu đồng (với vợ chồng Thịnh, đó là số tiền rất lớn)… Nhưng đến lúc nhóm này cần đến Thịnh, họ nhờ Thịnh “mở hộ” kho hàng của nhà ông Nguyễn Cảnh Lợi (ông này có đại lý sắt thép bên kia sông, sát cầu Long Biên), Thịnh không dám từ chối, cũng không dám báo công an vì sợ bị trả thù.

Anh em làm nghề thợ khóa cũng có “võ” riêng của mình, khi bị bọn xấu gạ đi mở khóa xe trong bãi xe, ai cũng bảo: “Các anh cứ nói đùa. Cái anh làm bảo vệ tại đây là ông anh nhà em, em mò vào bãi xe, các ông ấy biết ngay. Bọn em lại nhát đòn, công an hỏi đến thì chỉ có khai tuốt tuột luôn”.

Thịnh đành đến báo với ông Lợi để có phương án xử lý. Chẳng dè, ông Lợi cũng không vừa, đã dẫn “lính” đến ngay nhóm trộm cắp kia để đánh dằn mặt. Thua vì thế yếu, tức vì mất địa bàn, nhóm trộm cắp ấy đã chờ lúc Thịnh đi làm về trả thù. Vết sẹo như con rết trên mặt Thịnh có từ lúc đó.

Sau việc này, Thịnh chỉ bảo: “Chả biết tin ai được?”. Dù sau đó, dưới áp lực của ông Lợi, nhóm kia đã đến xin lỗi và đưa hơn triệu “bồi dưỡng” cho Thịnh nhưng anh chàng này bảo: “Mình phận con tôm cái tép, chả dại ở cái chỗ phức tạp đó. Mình có mỗi cái tài mở khóa mà thằng nào cũng muốn lợi dụng”.

Đó là dạng “bạch tuộc” có số, có má, có tổ chức, còn loại “giang hồ” vặt đến “phối hợp làm ăn” với thợ mở khóa thì nhiều vô khối. Nhưng có một điều mà Thiêm tâm sự làm tôi yên tâm: “Có nhiều bọn bất lương tìm đến tôi học nghề nhưng không được.

Nói thật nhé, nghề này tuy tầm thường nhưng không có cái tâm vững không học được đâu. Bọn học để ăn cắp toàn nôn nóng, học 100 năm cũng chả học được. Ông có để ý là mấy anh em làm nghề này, mặt trông toàn “đơ đơ” không? Đó là bởi vì họ có sự tập trung đặc biệt và cái tâm họ tĩnh đấy. Có mưu đồ bất lương, không học được cái nghề tầm thường này đâu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem