Chuyển đổi nghề, tạo sinh kế để hạn chế đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt, Bộ NNPTNT kỳ vọng sớm gỡ thẻ vàng IUU

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 13/12/2024 19:15 PM (GMT+7)
Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và Đề án chuyển đổi ngành thủy sản của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngành thủy sản đã và đang chuyển đổi mạnh, tái cơ cấu theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có vị trí quan trọng trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các năm và xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU đến nay cơ bản là khả quan.

Việc EC áp thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017 cũng là một cú huých để nước ta bắt buộc phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành thủy sản một cách quyết liệt, mạnh mẽ với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện trong gần 7 năm qua, theo đúng hướng mà nước ta đã lựa chọn trước đó.

Đó là, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm với lộ trình giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tăng nuôi biển; quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là các điểm nghẽn trong thể chế pháp luật, trong đó có thể đánh giá rằng công tác quản lý đội tàu cá khai thác, truy xuất nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác đã có sự đột phá “lột xác” trong thiết kế mô hình quản lý sản lượng khai thác hải sản tại các cảng cá.

Chuyển đổi nghề, tạo sinh kế để hạn chế đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt, một HTX ở Bến Tre thu 65 tỷ đồng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tin rằng Việt Nam sẽ sớm được gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, kết quả đạt được trong chống khai thác IUU đã góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển ngành thủy sản bền vững, đi sâu vào hội nhập. Với sự nỗ lực, quyết liệt đi vào hành động của cả hệ thống chính trị thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản Việt Nam.

Việt Nam đã tạo được niềm tin cho Ủy ban Châu Âu và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau đối với hiện trạng, những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU cũng như trong chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững qua việc thực thi Luật Thuỷ sản 2017.

Ủy ban Châu Âu ghi nhận các kết quả Việt Nam đã đạt được trong công tác chống khai thác IUU và thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU trong 7 năm qua. Đặc biệt đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC tại thông báo “Cảnh báo thẻ vàng” của EC ngày 23/10/2017, trong đó tập trung vào kiểm tra các khuyến nghị của Đoàn sau chuyến thanh tra lần 4 vào tháng 10/2023 để đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ “Thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sau đợt làm việc của Đoàn Thanh tra EC tại Việt Nam sắp tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, gỡ thẻ vàng thủy sản IUU là một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, để công tác gỡ thẻ vàng đạt được kết quả tốt, đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ; đặc biệt là phải nói thật, làm thật và có sản phẩm thật.

Triển khai các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngày 13/12, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch "Giảm khai thác, tăng cường quản lý tàu cá và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân" nhằm đánh giá kết quả triển khai kế hoạch giảm khai thác, tăng cường quản lý tàu cá và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và chuyển đổi sinh kế

Tại Hội nghị, ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá, sau hơn 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế đã triển khai xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược, Đề án chuyển đổi nghề và thực hiện một số mô hình chuyển đổi sinh kế tại các cộng đồng ngư dân ven biển theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Theo đó, 28 tỉnh, thành phố ven biển, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiêm túc triển khai thực hiện chính sách tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cho đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá đối với tàu cá làm nghề cấm, nghề hạn chế phát triển theo quy định của pháp luật; tạm dừng cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cải hoán, đóng mới khi không có văn bảnchấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá.

Chuyển đổi nghề, tạo sinh kế để hạn chế đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt, một HTX ở Bến Tre thu 65 tỷ đồng - Ảnh 2.

Ngày 13/12, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch "Giảm khai thác, tăng cường quản lý tàu cá và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân". Ảnh: Minh Ngọc

Số lượng tàu cá toàn quốc đã giảm từ 86.820 chiếc năm 2020 còn 84.720 chiếc tháng 9/2024 (trung bình giảm 0,6 %/năm). Trong giai đoạn này có 12/28 địa phương ven biển có số tàu cá giảm dần như: Quảng Bình giảm 2.903 tàu, Đà Nẵng giảm 2.685 tàu, Phú Yên giảm 623 tàu, Quảng Trị giảm 409 tàu, Cà Mau giảm 393 tàu... Tuy nhiên, có 16 địa phương số lượng tàu cá vẫn tăng như: Bình Thuận tăng 1.831 tàu, Kiên Giang tăng 1.010, Quảng Nam tăng 696 tàu, Bến Tre tăng 381 tàu...

Về nuôi trồng thủy sản trên biển, đến nay, nuôi biển đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi ngành hàng. Nhiều công nghệ mới, hiện đại được ứng dụng trong nuôi biển, như: công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín, kiểm soát môi trường; công nghệ nuôi lồng công nghiệp.

Một số mô hình chuyển đổi nghề đã phát huy hiệu quả tích cực, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng ngư dân và các thành phần kinh tế, xã hội khác tại các địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định...

Đối với việc chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, các địa phương đều đã xây dựng tiêu chí đặc thù nhằm hạn chế phát triển, đặc biệt là nghề lưới kéo. Do đó, các tỉnh, thành phố ven biển đã tổ chức triển khai thực hiện tốt việc cắt giảm những tàu cá làm nghề lưới kéo có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tàu cá có tuổi thọ từ 15 năm trở lên.

Đồng quản lý giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác và nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, đội tàu khai thác vùng khơi của tỉnh Kiên Giang đang thiếu khoảng 192 chiếc, trong khi đó số lượng tàu khai thác vùng ven bờ lại đang thừa khoảng 200 chiếc so với kế hoạch. 

"Nếu không sớm giải quyết để giảm số lượng tàu ven bờ thì sẽ ảnh hưởng tới việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì vùng biển này lại chính là nơi sinh sản của thủy sản. Để giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản trước mắt cần phải có ngay cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề thì mới giảm được đội tàu khai thác ven bờ và hỗ trợ tín dụng để bà con chuyển sang đầu tư nuôi trồng thủy sản", ông Toàn nói.

Còn ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận cho hay, nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ là những nghề xâm hại nguồn lợi và hệ sinh thái, bởi vậy cần có giải pháp "mạnh tay" để giảm thiểu. 

Ông Huy nói: "Tỉnh Bình Thuận với sự ưu ái từ thiên nhiên là địa phương có nguồn lợi thủy sản lớn và là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước. Nhưng, từng có giai đoạn, biển của Bình Thuận không còn gì, 2/3 ngư dân ở đây phải bỏ nghề vì nguồn lợi thủy sản cạn kiệt".

Chuyển đổi nghề, tạo sinh kế để hạn chế đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt, một HTX ở Bến Tre thu 65 tỷ đồng - Ảnh 3.

Thả phao đánh dấu vùng biển có những "túp lều vàng" cho các loại cá tôm ở vùng biển mũi Kê Gà: Ảnh: Bùi Phụ

Tuy nhiên, rất may, điều kỳ diệu đã đến từ việc Bình Thuận trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước giao vùng biển ven bờ cho cộng đồng quản lý, để mỗi ngư dân chuyển từ khai thác tận thu sang làm giàu cho biển.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 4 tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, với 562 hộ gia đình đăng ký (Phước Thể; Thuận Quý; Tân Thành và Tân Thuận). Trong đó, cộng đồng Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận đã được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017, với diện tích vùng biển đạt 43,4/12,38 km chiều dài bờ biển.

Khi tham gia đồng quản lý, các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản (ngăn chặn vi phạm về khai thác, thả rạn nhân tạo...), các hành vi đánh bắt IUU được hạn chế, giảm dần; tạo điều kiện cho nguồn lợi thủy sản có cơ hội sinh sôi, phát triển. Nhờ đó, sinh kế của người dân từ hoạt động đánh bắt trong vùng biển đồng quản lý đã khởi sắc, cải thiện hơn do nguồn lợi phục hồi nhanh. 

TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đánh giá, việc áp dụng mô hình HTX sẽ giúp thúc đẩy nuôi trồng, quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, giải quyết việc làm cho ngư dân.

"Mô hình hợp tác xã là cùng nhau hỗ trợ nhau phát triển, từ đó có thể cung cấp đa dạng dịch vụ như sản xuất, đời sống, thương mại và dịch vụ. Trong đó, sản xuất bao gồm quản lý, bảo vệ, khai thác, chế biến và kinh doanh thủy sản; đời sống bao gồm nhu yếu phẩm; thương mại - dịch vụ như đại lý vé tàu...", ông Hải nêu quan điểm.

Ông Hải lấy ví dụ về HTX thủy sản Rạng Đông (Bến Tre) đang hoạt động rất hiệu quả. Theo đó, sau 23 năm hoạt động, đến nay HTX có 1.500ha nuôi trồng thủy sản trên đất bãi bồi ven biển, lao động thường xuyên 500 người; doanh thu năm 2024 dự kiến 65 tỷ đồng.

Để thúc đẩy hiệu quả khai thác, nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, thời gian tới cần cắt giảm đội tàu bằng việc đánh giá nguồn lợi thủy sản, xác định cơ cấu đội tàu phù hợp nguồn lợi từng vùng biển, kiểm kê và phân loại đội tàu hiện có, giám sát chặt chẽ sản lượng bốc dỡ qua cảng...

Về tăng nuôi biển, cần phát triển hạ tầng đồng bộ, đào tạo lao động lành nghề, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm và thị trường nuôi biển. Đồng thời, cần tăng cường bảo tồn biển như rà soát, bổ sung các quy định bảo vệ nguồn lợi: hạn ngạch sản lượng, loài cấm, nghề cấm, vùng cấm... Đặc biệt, đối với chuyển đổi sinh kế cho ngư dân cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, xác định nghề nghiệp phù hợp điều kiện địa phương. 

Ngoài ra, cần đào tạo và tập huấn để hỗ trợ chuyển nghề, triển khai các mô hình và dự án chuyển đổi ngư dân.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem