Chuyển đổi sang xe thuần điện: Áp lực sống còn đối với ngành taxi
Chuyển đổi sang xe thuần điện: Áp lực sống còn đối với ngành taxi
Nguyễn Thịnh
Thứ sáu, ngày 13/12/2024 13:11 PM (GMT+7)
Ngành taxi đang chứng kiến một bước chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng xe thuần điện, nhờ những lợi thế vượt trội về chi phí và khả năng thu hút khách hàng.
Không chỉ dừng lại ở việc gia tăng xe Xanh SM, sự dịch chuyển nhanh chóng từ các hãng taxi truyền thống và xe dịch vụ như Grab, Be hay xe hợp đồng đã góp phần thúc đẩy loại hình phương tiện này có sức lan toả mạnh mẽ trên thị trường.
Theo Tổng Giám đốc Xanh SM chia sẻ trên LinkedIn, đến đầu tháng 12/2024, có 74 hãng taxi và đối tác mua hoặc thuê xe điện VinFast nhằm tiết giảm chi phí vận hành. Trong đó, Mai Linh – một tên tuổi lớn trong ngành taxi truyền thống – vừa ký hợp đồng mua 3.999 chiếc VF e34 và VF5, đánh dấu một bước ngoặt trong kế hoạch chuyển đổi đội xe của mình.
Ngoài các nhà đầu tư mới, nhiều doanh nghiệp đã gặt hái kết quả tích cực từ giai đoạn thử nghiệm. Lado Taxi, ban đầu chỉ sở hữu 150 xe vào tháng 5/2022, đã tăng tổng số lượng lên hơn 3.000 chiếc trong vòng 2 năm. Bà Phạm Thúy, Chủ tịch HĐQT Lado Taxi, cho biết: "Xe điện VinFast đã giúp giảm 32-37% chi phí vận hành so với xe xăng, bao gồm nhiên liệu và bảo dưỡng. Đây là động lực để chúng tôi thay thế 90% xe xăng cũ bằng xe điện vào năm 2026."
Trong cuộc chơi này, cũng không nên bỏ qua một doanh nghiệp khác là TMT Motors với tư cách đơn vị lắp ráp và phân phối mẫu xe Wulling Mini EV. Chính TMT Motors và các đối tác của mình là người tiên phong trong việc phát triển các mẫu xe taxi một người. Tuy nhiên do vẫn còn những tồn tại nhất định về cả về sản phẩm lẫn dịch vụ nên sự phát triển của hãng taxi này vẫn là thiểu số và chỉ xuất hiện nhỏ lẻ ở một vài địa phương trên cả nước.
Trước đây, lợi thế của các hãng taxi nằm ở quy mô và độ phủ đầu xe. Nhưng với sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ, khách hàng giờ đây có thể dễ dàng đặt xe một cách nhanh chóng và tiện lợi. Những "ông lớn" taxi truyền thống buộc phải tham gia vào cuộc đua mới này, trong khi các hãng xe công nghệ nước ngoài với nguồn vốn dồi dào đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện.
Trong cấu trúc giá cước của taxi, phương tiện là một yếu tố quan trọng. Xe điện mang lại lợi thế lớn với chi phí bảo trì và bảo dưỡng thấp, đồng thời yêu cầu ít nhân sự hơn.
Theo chia sẻ từ Giám đốc vận hành Lado Taxi, một kỹ thuật viên có thể quản lý 100 chiếc xe điện, trong khi với xe xăng cần 2-3 người. Thêm vào đó, chi phí nhiên liệu xe điện có thể giảm tới 75% so với xe xăng trên cùng một quãng đường, tạo điều kiện để các hãng giảm giá cước nhưng vẫn giữ được lợi nhuận.
Số liệu từ VinFast cho thấy, mỗi chiếc VF e34 hoặc VF5 có khả năng tiết kiệm trung bình 50-75% chi phí nhiên liệu so với xe xăng cùng loại, tương đương khoảng 25-30 triệu đồng/năm với quãng đường 40.000 km. Ngoài ra, chi phí bảo trì của xe điện thấp hơn 40% do không cần thay dầu động cơ, lọc khí, hay bảo dưỡng hệ thống xả.
Lợi ích rõ ràng của xe điện đã khiến các hãng taxi lớn phải thay đổi chiến lược. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không hề dễ dàng. Điển hình như Vinasun, sau khi nhận 806 xe hybrid Toyota (chiếm 25% tổng doanh số xe hybrid của Toyota Việt Nam năm 2024), câu hỏi đặt ra là liệu hãng có đủ sức để chuyển đổi tiếp sang xe điện, hay sẽ tiếp tục chậm chân so với các đối thủ khác?
Chuyển đổi sang xe thuần điện không còn là lựa chọn, mà đã trở thành áp lực sống còn đối với ngành taxi. Với chi phí vận hành vượt trội và sự phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại, xe điện chính là chìa khóa để các hãng taxi tồn tại và phát triển trong một thị trường đầy cạnh tranh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.