Chuyển đổi số nông nghiệp: Doanh nghiệp là “đầu tàu”

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 04/12/2021 06:46 AM (GMT+7)
Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, nếu đứng ngoài, doanh nghiệp sớm muộn sẽ bị kìm hãm, kém phát triển... Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp hiểu rõ điều này và đã sớm xây dựng chiến lược chuyển đổi số, có sự đầu tư đúng đắn.
Bình luận 0

Đầu tư bài bản cho chuyển đổi số, hoá giải thách thức

Tháng 8/2021, Tập đoàn De Heus (top 10 các tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới) chính thức ký kết hợp tác với Microsoft Việt Nam, lựa chọn giải pháp đám mây Microsoft Azure để triển khai trên toàn bộ hệ thống quản lý và vận hành ở Việt Nam, cũng như các nhà máy khác của De Heus ở khu vực châu Á. Mục tiêu của ứng dụng này là góp phần mang thực phẩm sạch đến người tiêu dùng.

Sau hơn 12 năm gia nhập thị trường thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, thực phẩm tại Việt Nam, đến nay De Heus Việt Nam đã có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; 2 nhà máy giết mổ lợn và gia cầm; 3 trang trại lợn giống cụ kỵ, ông, bà; 2 trung tâm nghiên cứu cùng hệ thống phòng thí nghiệm. 

Đến đầu tháng 11/2021, De Heus đã mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan, trở thành doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn nhất cả nước hiện nay.

Chuyển đổi số nông nghiệp: Doanh nghiệp là “đầu  tàu” - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại dây chuyền đóng gói sản phẩm thức ăn chăn nuôi của De Heus. Ảnh: P.V

"Tôi cho rằng chuyển đổi số không phải theo "trend" nữa, mà đó là tương lai. Ai ứng dụng kỹ thuật số, chuyển đổi số nhanh, người đó sẽ đi trước".

Ông Phan Minh Thông

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó, De Heus Việt Nam đã phải đối diện với rất nhiều thử thách trong việc quản lý và vận hành các chi nhánh, nhà máy tại những thị trường khác nhau trong khu vực. 

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á, cho biết: "Ở mỗi chi nhánh và nhà máy, chúng tôi có các hệ thống quản lý và vận hành khác nhau. Điều đó khiến mọi thứ rất phức tạp trong việc phân quyền và hợp nhất dữ liệu, dẫn tới sự tốn kém về thời gian, nhân lực, chi phí vận hành, gây ảnh hưởng đến năng suất cũng như những quyết định quan trọng".

“Do đó, chúng tôi muốn tiêu chuẩn hóa định danh người sử dụng trên toàn bộ hệ thống cho mỗi đối tượng người dùng, như nhân viên hay người chăn nuôi khi truy cập trên tất cả các ứng dụng và dịch vụ của De Heus. Điều này giúp chúng tôi dễ dàng phân tích thông tin hành vi của từng đối tượng, để đưa ra những quyết định kinh doanh chính xác hơn” – ông Gabor nói. 

Với chiến lược triển khai giải pháp đám mây toàn diện của Microsoft, De Heus đã xây dựng được hệ sinh thái kết nối nội bộ giữa các nhà máy ở các nước trên toàn cầu một cách an toàn, tức thời, không cần bên thứ 3 hỗ trợ.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, giải pháp này đã tối ưu hoá các quy trình làm việc, giúp doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái làm việc từ xa. Các chuyên gia, nhân viên chỉ cần 1 máy tính là có thể vào hệ sinh thái làm việc ở bất cứ đâu. 

De Heus cũng xây dựng ứng dụng De Heus Mobile Apps để hỗ trợ, chia sẻ với khách hàng các thông tin cập nhật về sản phẩm, kiến thức dinh dưỡng, công nợ, chiết khấu, đặt hàng online, chọn nơi nhận hàng...

Trong giới xuất khẩu nông sản, gần đây Công ty CP Phúc Sinh (TP.HCM) nổi tiếng thành công với app bán hàng trực tuyến Kphucsinh, đồng thời ra mắt website với giao diện mới mẻ. 

Thành lập năm 2001, đến nay Phúc Sinh Group đã trở thành nhà xuất khẩu hạt tiêu số 1 và là 1 trong 8 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. 

"Vua tiêu" Phúc Sinh đang sở hữu 6 nhà máy tại phía Nam và phía Bắc, cùng mạng lưới đại lý, đối tác trong chuỗi cung ứng phân phối thực phẩm chế biến sâu, tập trung trong 2 mặt hàng cà phê và hồ tiêu với hơn 50 nhãn hiệu sản phẩm. Phúc Sinh Group xác định chuyển số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đột phá kinh doanh để phù hợp với bối cảnh, xu thế mới.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết: Ngày 5/11/2020, chúng tôi đạt bước tiến trong đầu tư công nghệ, đó là ra mắt giao diện website và Mobile App Kphucsinh. Đến nay Phúc Sinh đã kết nối với hàng trăm nhà sản xuất, bán hàng, phân phối lớn và trực tiếp nhập khẩu để đa dạng hóa các mặt hàng trên app, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Sáng tạo, công nghệ giúp doanh nghiệp chớp thời cơ

"Dịch Covid-19 xảy ra, nó khiến chúng tôi phải sáng tạo, thay đổi chiến lược kinh doanh. Từ chỗ chỉ chăm chăm xuất khẩu, Phúc Sinh quay về đầu tư thị trường nội địa, nghiên cứu sản phẩm mới phù hợp thị hiếu tiêu dùng trong nước" - ông Thông chia sẻ.

Chuyển đổi số nông nghiệp: Doanh nghiệp là “đầu  tàu” - Ảnh 4.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho biết, dịch Covid-19 đã kích thích doanh nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh việc triển khai app bán hàng trực tuyến Kphucsinh và ra mắt nhiều sản phẩm mới cho thị trường nội địa. Ảnh: P.S

Theo đó, Phúc Sinh đã triển khai xây dựng phần mềm mua hàng trực tuyến. Khách hàng chỉ cần tải app về, thêm vài thao thác là có hàng Phúc Sinh giao tận nơi. Nhờ đó, Phúc Sinh vẫn bán hàng đều đặn, có lãi trong mùa dịch.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Thông cho rằng, làm nông nghiệp bây giờ không còn là "chân lấm tay bùn". Đó là sáng tạo, áp dụng công nghệ 4.0 hay chuyển đổi số, để quản lý chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, kiểm soát các tiêu chuẩn, tiết kiệm chi phí, khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… Về phía các doanh nghiệp, cần có sự đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất.

Trong khi đó, theo TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp Lâm Đồng đang tập trung chuyển đổi mạnh ở nông nghiệp thông minh. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, chủ trang trại có thể vận hành hệ thống tưới thông minh mà không cần phải ra vườn. 

Việt Nam cần có nhiều doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp thông minh với quy mô lớn, nhằm tạo ra nhiều nông sản có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, để khai thác lợi thế tiềm năng thế mạnh của địa phương, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo TS Phạm S, để chuyển đổi số trong nông nghiệp hiệu quả thì cần đi ngay, đi nhanh và đi chính xác. Đầu tư số hóa thì doanh nghiệp được hưởng lợi rồi sau đó là nông dân được hưởng lợi.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem