Chuyển đổi trong 2 năm
Như NTNN đã thông tin, Thông tư 22/2014/TT-BTTTT ban hành quy hoạch kho số viễn thông có hiệu lực từ ngày 1.3.2015 sẽ tạo thay đổi lớn về đầu số điện thoại cố định và di động. Cụ thể, mã vùng điện thoại cố định 59/63 tỉnh, thành phố sẽ thay đổi và thuê bao di động 11 số sẽ được chuyển đổi thành thuê bao di động 10 số.
Với sự bùng nổ điện thoại di động (hiện chiếm tới 95% tổng thuê bao), Bộ TTTT có kế hoạch tăng thêm kho số di động. LHT
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngay từ 1.3 các thay đổi kể trên sẽ được thực hiện. Ông Đào Trung Thành – chuyên gia viễn thông cho hay: “Tôi không dám nói trước sẽ mất bao nhiêu thời gian để chuyển đổi. Nhưng vào năm 2008, VNPT thành lập Ban chỉ đạo đổi số từ tháng 3 mà phải đến tận tháng 10 mới đổi hoàn toàn số điện thoại cố định từ 7 lên 8 số ở Hà Nội, TP.HCM và từ 6 lên 7 số ở các tỉnh, thành còn lại”.
Theo ông Thành, việc chuyển đổi mã vùng cố định hay thuê bao di động về cơ bản là thay đổi mã đích gọi là định tuyến, còn thuê bao (7 số đứng sau mã) về bản chất là không đổi. Ông Thành cho hay: “Về mặt kỹ thuật, các công ty viễn thông chỉ cần lập trình trong tổng đài để chuyển đổi. Việc thay đổi chắc chắn có ảnh hưởng đến người sử dụng”.
Đồng thời, Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cũng cho hay, Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT có hiệu lực từ 1.3.2015, nhưng đây chưa phải là mốc thời gian áp dụng chính sách thay đổi mã vùng điện thoại cố định.
Dự kiến đến hết năm 2016, sau khi tiến hành quy hoạch xong đối với dịch vụ điện thoại cố định, các đầu số cố định đang sử dụng sẽ thừa ra là 03, 04, 05, 07, 08 được dùng cho phát triển thuê bao điện thoại di động.
Trả lời báo chí, ông Lê Nam Thắng – Thứ trưởng Bộ TTTT cho biết, việc chuyển đổi số thuê bao di động từ 11 số sang 10 số sẽ chỉ được thực hiện sau khi quy hoạch chuyển mã vùng xong cho dịch vụ cố định. Dự kiến, khoảng 2 năm nữa việc chuyển đổi thuê bao di động từ 11 số xuống 10 số mới chính thức được áp dụng.
Theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Viễn thông, doanh nghiệp khi đổi số thuê bao viễn thông phải thông báo việc đổi số thuê bao viễn thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian ít nhất 60 ngày trước khi tiến hành đổi số. Đồng thời, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đề nghị tới cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ít nhất 90 ngày trước ngày đổi số.
Lo ngại đội chi phí cho doanh nghiệp
Liên quan tới chính sách này, khá nhiều người dân, nhất là ở khối doanh nghiệp lo lắng. Ông Phạm Đại Ngãi – Giám đốc Công ty TNHH – MTV Xây dựng Đại Ngãi (Cà Mau) bày tỏ: “Từ khi thành lập công ty đến nay chúng tôi chỉ sử dụng duy nhất một số điện thoại cố định để liên hệ với khách hàng làm ăn. Nếu giờ thay đổi, chắc chắn khách hàng sẽ không biết đầu số mới để liên hệ. Đó là chưa tính đến chuyện khách hàng là các doanh nghiệp nước ngoài. Bản thân tôi nghĩ việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định cần được Bộ TTTT xem xét lại. Nếu trong trường hợp cần thiết, bắt buộc thay đổi thì phải có lộ trình nhất định”.
Nhìn từ góc độ sản xuất, ông Vi Nhất Trường- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ngãi nhận định: “Việc thay đổi đầu số sẽ khiến doanh nghiệp tăng thêm chi phí để in lại số điện thoại trên các tài liệu, giấy tờ giao dịch... Riêng với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng... thì chi phí này sẽ lớn hơn vì phải thay đổi lại thông tin đã in trên bao, vỏ chưa xuất bán. Thời gian đầu, khách hàng tốn nhiều thời gian, công sức nếu muốn phản ánh thông tin đến doanh nghiệp khi mua và sử dụng sản phẩm không đảm bảo”.
Còn ông Nguyễn Văn Việt- chủ trang trại nuôi ngao tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho hay: “Gia đình tôi không bỏ được điện thoại cố định vì giao dịch thường xuyên, không chỉ bán hàng mà còn trao đổi kỹ thuật nuôi trồng với các chủ trang trại từ Bắc chí Nam sóng luôn luôn thông suốt, không phải sạc pin... Nếu đổi mã vùng thì tôi mất công thông tin lại cho bạn hàng”.
Vì thế, ông Việt cho rằng, nếu việc thay đổi mã vùng điện thoại mang lại lợi ích lớn và Bộ TTTT chứng minh được điều đó thì nên làm, còn không thì đừng xáo trộn gây phiền hà cho người dân”.
Theo Bộ TTTT, đến cuối năm 2014 Việt Nam có 138,6 triệu thuê bao di động. Thuê bao di động phát triển phi mã trong khi thuê bao cố định chỉ còn 5% tổng thuê bao. Năm 2001, VNPT đổi thuê bao di động từ 9 số lên 10 số. Năm 2007, Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TTTT) cấp đầu 11 số cho các mạng di động. Với quy hoạch này, sẽ có thêm khoảng 540 triệu số thuê bao di động 10 số, đủ để cung cấp cho mỗi người dân trung bình là 6 thuê bao.
Minh Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.