Chuyên gia băn khoăn về lý do tăng mức phạt vi phạm giao thông ở Hà Nội, lo ngại hạ tầng chưa đáp ứng

Minh Tiến - Quang Minh Thứ sáu, ngày 07/02/2025 07:30 AM (GMT+7)
Chuyên gia giao thông cho rằng, quy định mức phạt tại Nghị định 168 đã giúp nâng cao ý thức người dân, tạo hiệu quả tích cực. Do đó, Hà Nội cần phân tích, đánh giá một cách tổng thể, nhìn vào thực tế hạ tầng hiện nay để đưa ra mức phạt cho phù hợp, tạo điều kiện cho người dân...
Bình luận 0

UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến chuyên gia, người dân về dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo dự thảo, Hà Nội đề xuất nâng mức phạt vi phạm hành chính với 107 hành vi gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 168/2024.

Chuyên gia nói chưa rõ lý do để áp dụng tăng xử phạt tại Hà Nội so với Nghị định 168

Trao đổi với Dân Việt, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản tỏ ra băn khoăn khi chưa thấy lý do hợp lý để áp dụng biện pháp tăng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông cao gấp đôi mức phạt tại Nghị định 168, nhất là trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đồng bộ như hiện nay.

Theo ông Bình, một quy định pháp luật được ban hành phải dựa trên cơ sở thực tiễn, có bối cảnh rõ ràng và mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, với đề xuất tăng mức phạt lần này, ông cho rằng chưa có đủ bằng chứng cho thấy người dân Hà Nội vi phạm nghiêm trọng hơn so với các địa phương khác, hay mức phạt hiện tại của Nghị định 168 chưa đủ sức răn đe.

Chuyên gia giao thông "băn khoăn" về lý do tăng mức phạt giao thông, lo ngại hạ tầng chưa đáp ứng - Ảnh 1.

TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản. Ảnh nhân vật cung cấp.

"Với Nghị định 168 vừa có hiệu lực, chỉ trong một thời gian ngắn tôi đã thấy ý thức chấp hành luật giao thông của người dân thay đổi, được cải thiện đáng kể. Nhiều trường hợp người dân, tài xế còn phản ánh mức phạt hiện tại đã quá cao. Vậy tại sao Hà Nội lại cần tiếp tục tăng nữa?", ông Bình đặt vấn đề.

Ông cũng cho rằng, nếu cần điều chỉnh, thì nên dựa trên mức độ nguy hiểm của từng hành vi vi phạm thay vì áp dụng một cách đồng loạt. Chẳng hạn, các lỗi vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lấn làn trên cao tốc, lạng lách đánh võng, ... vẫn cần duy trì mức xử phạt nghiêm khắc. 

Tuy nhiên, những lỗi như đè vạch liền tại các nút giao đông đúc, nơi tài xế có thể vô tình vi phạm do điều kiện giao thông phức tạp có thể được xem xét mức phạt hợp lý hơn để tránh gây áp lực không cần thiết cho người dân.

Cùng quan điểm, GS.TS Từ Sỹ Sùa - chuyên gia giao thông cho rằng, các chính sách liên quan tới an toàn giao thông là rất cần thiết để đảm bảo trật tự đô thị và giảm thiểu tai nạn. Nhưng để một quy định thực sự đi vào đời sống, cần có thời gian tuyên truyền, giải thích và điều chỉnh cho phù hợp. 

Việc áp dụng ngay mức phạt cao mà không có giai đoạn thử nghiệm, nhắc nhở sẽ dễ gây phản ứng từ phía người dân. Thêm nữa, mức xử phạt vi phạm giao thông cần được xây dựng dựa trên thực tiễn, chứ không thể cứ muốn tăng là tăng!

“Đúng là mức phạt cao sẽ khiến người vi phạm e dè, nhưng không thể vì thế mà liên tục điều chỉnh theo hướng ngày càng nặng tay” GS.TS Từ Sỹ Sùa nêu quan điểm.

Chuyên gia giao thông "băn khoăn" về lý do tăng mức phạt giao thông, lo ngại hạ tầng chưa đáp ứng - Ảnh 2.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, chuyên gia giao thông. Ảnh nhân vật cung cấp.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu để tránh chồng chéo giữa các quy định pháp luật, khiến việc áp dụng trở nên rối. 

Đối với Hà Nội, nơi đã áp dụng mức phạt cao khi Nghị định 168 có hiệu lực, ông Sùa cho rằng việc tiếp tục tăng nặng chế tài sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa.

“Thay vào đó, cần tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khắc phục những bất cập trong hạ tầng giao thông”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, chuyên gia giao thông nhận định, việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông là cần thiết và có thể sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến số đông người dân bởi chỉ những trường hợp vi phạm mới bị xử lý.

Ông cho biết, thực tế cho thấy mức phạt càng cao, ý thức tuân thủ luật giao thông càng được cải thiện. "Nghị định 168 đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong thời gian qua, giúp giảm đáng kể các hành vi vi phạm giao thông. Nguyên nhân chính dẫn đến lỗi giao thông vẫn là ý thức kém, chứ không phải do vô tình mắc phải", ông Toản nhấn mạnh.

Chuyên gia giao thông "băn khoăn" về lý do tăng mức phạt giao thông, lo ngại hạ tầng chưa đáp ứng - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản, chuyên gia giao thông. Ảnh nhân vật cung cấp.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc thực thi phải nghiêm minh, minh bạch, tránh tình trạng lạm dụng để trục lợi cá nhân. "Nếu có hành vi lợi dụng quy định để tư túi, trục lợi thì cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm khắc, đảm bảo tính công bằng và tạo lòng tin cho người dân," ông Toản chia sẻ.

Cần thêm các giải pháp mang tính nhân văn, có yếu tố giáo dục

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đánh giá, Nghị định 168 đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Số liệu cho thấy các vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến vi phạm giao thông đã giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trước đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội lên 1,5 - 2 lần so với quy định hiện hành, ông cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng. 

“Mục tiêu lâu dài là xây dựng văn hóa giao thông chứ không phải khiến người dân tuân thủ một cách gượng ép vì tâm lý sợ bị phạt. Điều quan trọng là giúp họ nhận thức được lợi ích của việc chấp hành luật giao thông, từ đó tự giác thực hiện, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.” PGS.TS. Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Theo ông, các biện pháp xử lý vi phạm cần linh hoạt, không chỉ mang tính răn đe mà còn có yếu tố giáo dục. Ông dẫn chứng tại một số quốc gia ở nước ngoài, người vi phạm giao thông có thể bị yêu cầu thực hiện lao động công ích hoặc tham gia các khóa học về an toàn giao thông. Những hình thức xử phạt như vậy vừa mang tính nhân văn, vừa nâng cao nhận thức cộng đồng.

Chuyên gia giao thông "băn khoăn" về lý do tăng mức phạt giao thông, lo ngại hạ tầng chưa đáp ứng - Ảnh 4.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục. Ảnh nhân vật cung cấp.

PGS.TS. Trần Thành Nam cũng khẳng định, để Hà Nội trở thành đô thị an toàn, văn minh, các chính sách quản lý giao thông cần được thực thi nghiêm minh nhưng phải phù hợp với thực tế, tránh tạo ra những bất cập do sự phát triển chưa đồng bộ giữa các khu vực. Đồng thời, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người dân hiểu và chấp hành một cách tự nguyện, thay vì chỉ thực hiện vì lo sợ bị xử phạt.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với mức phạt tăng nặng đối với một số hành vi ở Nghị định 168 như hiện nay. Theo ông, ngoài bị phạt tiền, tài xế hiện nay còn bị trừ điểm giấy phép lái xe. Như vậy, đây cũng là một ràng buộc đối với lái xe, luôn nhắc nhở họ phải chấp hành nghiêm, ý thức chấp hành các quy định, luật giao thông mỗi khi điều khiển xe trên đường.

Còn đối với Hà Nội, hiện nay hạ tầng giao thông chưa đảm bảo đồng bộ, xuyên suốt, tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Vì vậy, ông cho rằng trước khi thực hiện việc tăng mức phạt cao hơn so với Nghị định 168, Hà Nội cần lấy ý kiến các bộ ban ngành, người dân, chuyên gia.

Làm sao, khi mức phạt đưa ra phải phù hợp với thực tế, phù hợp với điều kiện của người dân "hợp lòng dân". "Và cái quan trọng hơn là người dân thấy phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, vui vẻ, đồng thuận, chấp hành nghiêm quy định", ông nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem