Chuyên gia: Biến động của TTCK Việt Nam là cơ hội "có một không hai" trong lịch sử để giải ngân

24/12/2022 10:58 GMT+7
Theo các chuyên gia, những biến động thị trường chứng khoán Việt Nam vừa rồi do tác động vĩ mô thế giới cũng như Việt Nam là rủi ro ngắn hạn, và nhà đầu tư nước ngoài xem là cơ hội để tăng giải ngân ở thị trường Việt Nam ở một mức giá hấp dẫn, có một không hai trong lịch sử.

Rủi ro lớn nhất, đáng sợ nhất là lạm phát

Tại talkshow Chọn danh mục kỳ thứ 9 do báo Đầu tư tổ chức với chủ đề “Nhận diện biến số 2023”, bà  Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) thuộc VinaCapital đã đưa ra nhận định rủi ro về các biến động kinh tế thế giới tới thị trường Việt Nam.

Theo bà Phương, tâm điểm của kinh tế thế giới trong 2023 vẫn là chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ kéo dài trong bao lâu, dựa trên dự báo bao giờ lạm phát cơ bản sẽ hạ nhiệt từ mức cao hiện nay. Hiện nay, mặc dù tốc độ tăng lãi suất của Fed đang chậm lại, nhưng lãi suất vẫn chưa đạt đỉnh. Việc lãi suất giữ ở mức cao vẫn sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu và khả năng thanh toán những khoản nợ vay tiêu dùng và vay mua nhà của người dân Mỹ. Ảnh hưởng đến sức mua hàng nhập khẩu, đặc biệt khi Hoa Kỳ (US) đang là đối tác giao dịch lớn của Việt Nam, thặng dư thương mại lên đến gần 90 tỷ USD. Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ cũng cần được điều chỉnh giảm so với kỳ vọng trước đây.

Chuyên gia: Biến động của TTCK Việt Nam là cơ hội "có một không hai" trong lịch sử để giải ngân - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF). Ảnh Báo Đầu tư

Các nước khác ngoài US vẫn đang trong giai đoạn tăng lãi suất (ví dụ: Nhật Bản có dấu hiệu kết thúc thời kỳ nới lỏng tiền tệ) và Trung Quốc đang có dấu hiệu mở cửa sau một thời gian dài duy trì chính sách Zero-covid. Tất cả đều mang tính không chắc chắn về mặt thời điểm, vì vậy sẽ có những ảnh hưởng nhất định và làm cho thị trường chứng khoán toàn cầu biến động.

Rủi ro địa chính trị nếu xảy ra cũng có thể làm ảnh hưởng kinh tế thế giới và chứng khoán Việt Nam. Căng thẳng Nga có chấm dứt không, quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc và Đài Loan sẽ theo chiều hướng nào. Tuy nhiên mặt tích cực đối với Việt Nam, bởi trong căng thẳng đó, DN tiếp tục chuyển dịch sản xuất để giảm rủi ro và Việt Nam là một trong các nước hưởng lợi FDI.

Trong khi đó, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho rằng, rủi ro lớn nhất, đáng sợ nhất của năm 2022 là lạm phát. Tuy nhiên, chúng ta đã trải qua những thời điểm căng thẳng nhất của việc Fed tăng lãi suất trong các tháng gần đây, thậm chí, đã có những dự báo lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed sẽ diễn ra trong quý I/2023. Tuy nhiên, khi rủi ro lãi suất hạ nhiệt, chúng ta lại đón nhận rủi ro suy thoái tăng dần lên.

Con số lạm phát tháng 11 của Mỹ với mức tăng đã giảm đi khá nhiều, tuy nhiên, con số bán lẻ của một số ngành hàng tiêu dùng chính như hàng điện tử, nội thất, mô tô xe máy có mức giảm khá mạnh. 

Lý do người tiêu dùng giảm chi tiêu khá nhiều, trong đó nổi bật nhất là việc tăng lãi suất sẽ ngấm dần dần và tác động đến chi tiêu của người dân, vì khá nhiều khoản vay tiêu dùng và hộ gia đình được cố định lãi suất nhưng nó sẽ được điều chỉnh từ từ, sang năm 2023 sẽ có tác động rõ ràng hơn. Đồng thời, thị trường việc làm cũng ngày càng khó khăn hơn.

Đối với Việt Nam, rủi ro suy thoái của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ tác động trực tiếp đến các ngành xuất khẩu, chẳng hạn tháng 11 xuất khẩu giảm 8,9% so với cùng kỳ và xuất khẩu cũng có thể có tác động dây chuyền đến một số các ngành khác và ảnh hưởng đến tiêu dùng chung của Việt Nam. 

"Nếu nhìn con số tổng chi tiêu bán lẻ của cả nước tháng 11 và so với trước dịch Covid-19 thì hiện tại chúng ta mới chỉ đạt 82% con số trước dịch. Tất nhiên, năm 2023 chúng ta sẽ đón nhận yếu tố Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại và như vậy, các quốc gia xuất khẩu và du lịch có liên quan đến Trung Quốc sẽ hưởng lợi, đó cũng là một yếu tố thúc đẩy những quốc gia như Việt Nam có tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới", bà Phương nói.

Cơ hội có một không hai để tăng giải ngân

Dù thị trường trong nước đang gặp khó khăn, nhưng Nguyễn Hoài Phương cho rằng, nhà đầu tư ngoại trước nay luôn đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn, dựa trên những lợi thế cạnh tranh đặc trưng của Việt Nam so với các nước lân cận. Những lợi thế về một dân số năng động (đông dân nhưng tỷ lệ tham gia lao động nữ cao, dư địa đô thị hóa, vay nợ hộ gia đình ở mức thấp), khả năng thu hút FDI… những yếu tố hấp dẫn này vẫn còn nguyên ngay cả trong giai đoạn khó khăn vừa rồi. Ngay cả những nút nghẽn như hạ tầng chưa phát triển, hay năng suất lao động chưa cao cũng được cho là dư địa cho kinh tế Việt Nam.

Thị trường chứng khoán dựa trên tiềm năng tăng trưởng kinh tế dài hạn cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Ví dụ NĐT Taiwan đánh giá quy mô thị trường Việt Nam sẽ còn tăng mạnh: hiện tại vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam mới chiếm 60% GDP (Taiwan >260%, Thailand >110%, Korea 120%, India 125%), số lượng và chất lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường sẽ tăng. Quy mô thị trường và chất lượng nhà đầu tư thay đổi sẽ làm thị trường tăng trưởng bền vững và bớt biến động hơn.

Cho nên những biến động thị trường chứng khoán Việt Nam vừa rồi do tác động vĩ mô thế giới cũng như Việt Nam là rủi ro ngắn hạn, và nhà đầu tư nước ngoài xem là cơ hội để tăng giải ngân ở thị trường Việt Nam ở một mức giá hấp dẫn, có một không hai trong lịch sử.

Nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn đang quan tâm chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như thế nào trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới chậm lại và nguy cơ suy thoái, sức tiêu dùng của người Việt Nam thay đổi thế nào trong bối cảnh lãi suất cao, thanh khoản ngân hàng và chất lượng tài sản thay đổi ra sao khi thị trường bất động sản đang chậm lại.




An Vũ
Cùng chuyên mục