Chuyên gia tiết lộ 9 loại thực phẩm giúp “đánh bật” cảm cúm

Như Nguyệt (theo Dailymail) Thứ năm, ngày 14/01/2016 16:04 PM (GMT+7)
Chỉ những món ăn đơn giản như dưa hấu, sữa chua, hàu hay như một tép tỏi đều có thể giúp bạn chống lại bệnh cảm cúm.
Bình luận 0

Hiện tại đang là thời điểm bệnh cảm cúm hoành hành khiến hàng triệu người phải khổ sở vì hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi và đau người ê ẩm. Cảm cúm thông thường được coi là bệnh vặt, nhưng cũng gây nhiều bất tiện trong cuộc sống. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hãy tự bảo vệ bản thân và gia đình của bạn bằng những “bài thuốc” vô cùng đơn giản và có thể tìm thấy trong bếp của mọi gia đình.

img

Andrea Moss, chuyên gia dinh dưỡng toàn diện của trung tâm Moss Wellness ở thành phố New York, chia sẻ top 10 loại thực phẩm bà sử dụng hàng ngày để tăng cường hệ miễn dịch và ngăn chặn các căn bệnh đặc trưng của mùa đông, nhất là bệnh cảm cúm.

Một tép tỏi

img

Tỏi thường bị nhiều người “bài xích” vì khiến hơi thở có mùi khó chịu, nhưng theo bà Moss, tỏi là thực phẩm vô cùng hữu hiệu để nói không với bệnh cúm. Bà Moss nói: "Tỏi là món ăn yêu thích của tôi - nó có chứa các chất kháng virus tự nhiên và có tính kháng khuẩn, các hợp chất sulfuric.

Chẳng hạn như chất allicin, tạo ra các hiệu ứng tăng cường miễn dịch. Bà Moss khuyến cáo rằng những người có dấu hiện chớm cảm cúm (như ngứa mũi, đau họng hay hắt xì), dùng tỏi cũng có thể khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc. Cách dùng tỏi tốt nhất là nuốt tỏi tươi. Bà Moss Buzan thường cắt một tép tỏi thành bốn hoặc năm mảnh có kích thước như một viên thuốc rồi nuốt chửng để hạn chế mùi hôi trong miệng.

Một cốc sữa chua

img

Một cốc sữa chua mỗi buổi sáng có thể giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh. Sữa chua chứa probiotics giúp cân bằng hệ tiêu hóa, mà 70% - 80% hệ thống miễn dịch của bạn cư trú trong ruột. Theo bà Moss, sữa chua rất tốt nhưng ăn quá nhiều lại thành có hại. Một cốc sữa chua là đủ cho khẩu phần cả ngày của bạn.

Một bát canh

img

Súp gà là một trong những bài thuốc chữa cảm cúm lâu đời nhất được ghi lại trong sử sách. Nhưng theo nghiên cứu của bà Moss, canh xương hầm cũng có tác dụng tương tự. Nước canh giúp giữ cho cơ thể đủ nước. Ngoài ra, canh gà hay canh xương còn rất giàu hàm lượng khoáng chất, như magiê, phốt pho và lưu huỳnh.

Nước canh cũng chứa các axit amin - trong đó có glycine, arginine và proline - có tác dụng chống viêm trên toàn bộ cơ thể. Bà Moss khuyến cáo nên uống canh xương ít nhất ba lần một tuần để tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn. Đối với những người ăn chay, bà Moss gợi ý có thể thay canh xương bằng nước hầm rau củ.

Một đĩa rau bina nấu chín

img

Rau bina (hay còn gọi là cải mâm xôi, rau chân vịt) thực sự là một loại thực phẩm “thần thánh” như phim hoạt hình “thủy thủ Papai” vì nó rất giàu axit folic - một chất quan trọng giúp tế bào tự sửa chữa.

Ngoài ra, rau bina có hàm lượng vitamin cao hơn cả cam quýt và rau bina nấu chín có chứa kali nhiều hơn chuối. Các chuyên gia dinh dưỡng tiết lộ rau bina là một trong những nguồn tốt nhất của kali và magiê – các chất này hoạt động như chất điện giải, giữ cho cơ thể ngậm nước và giúp mức năng lượng trong cơ thể được cân bằng. Bà Moss gợi ý nên ăn rau bina ít nhất 2-3 lần một tuần.

Bông cải xanh

img

Theo bà Moss, bông cải xanh giúp giải độc tự nhiên cho cơ thể và ngăn ngừa bệnh tật. Bà cho biết: "Chúng ta có thể bị bệnh vì sự trì trệ trong gan. Bông cải xanh là một cách tuyệt vời để giúp cơ thể giải độc tự nhiên. Bên cạnh đó, bông cải xanh có chứa choline acid amin, giúp giữ các tế bào hoạt động đúng và giúp niêm mạc ruột khỏe mạnh. Bông cải xanh còn rất giàu vitamin C và canxi. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn bông cải xanh ít nhất hai lần một tuần.

Nửa quả bưởi

img

Hầu hết chúng ta chọn uống một ly nước cam để chống cảm lạnh. Nhưng thay vào đó, bà Moss khuyên nên ăn một nửa quả bưởi để hạn chế đường. Không chỉ phòng, bưởi cũng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh, giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm  nhiễm. Bà Moss cho rằng các loại bưởi tép màu đỏ hoặc màu hồng tốt hơn bưởi tép trắng, vì chúng có chứa các chất chống oxy hóa lycopene - giúp tăng chức năng hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, phytonutrients trong bưởi cũng có thể giúp giải độc cơ thể. Nửa quả bưởi mỗi ngày sẽ giúp bạn khỏe mạnh trong suốt mùa đông.

Quế

img

Quế có khả năng kháng virus, kháng khuẩn và kháng nấm rất mạnh. Vỏ cây quế chứa các loại dầu có lợi giúp cải thiện tiêu hóa. Ngoài ra, quế giúp tăng lưu thông máu trong cơ thể, giữ cho tay chân luôn ấm áp vào mùa đông. Quế cũng là một bài thuốc giải độc gan, làm ấm thận và kiểm soát lượng đường trong máu. Bà Moss khuyên mọi người nên rắc thêm bột quế vào trong các bữa ăn mỗi ngày.

Một lát dưa hấu

img

Dưa hấu chứa nhiều vitamin C, vitamin A và rất giàu lycopene, giúp giảm nhiễm trùng, viêm nhiễm và các gốc tự do. Một lát dưa hấu mỗi ngày vừa giúp cơ thể bổ sung nước vừa giúp bạn phòng bệnh.

Hàu

img

Hàu là một trong những món ăn có hàm lượng kẽm cao nhất. Kẽm đóng vai trò kích thích sản sinh hormon sinh dục testosterone ở đàn ông nhưng đồng thời kẽm cũng có vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ miễn dịch. Lời khuyên của bà Moss là nên ăn hàu 2 – 3 lần 1 tuần.

Nấm 

img

Nấm là một trong số rất ít loại thực phẩm có chứa vitamin D, giúp cơ thể bổ sung vitamin D thiếu hụt do không có ánh nắng mặt trời vào mùa đông. Hơn nữa, bà Moss nói: “Để sinh tồn, nấm phát triển kháng sinh tự nhiên của riêng mình. Chúng ta ăn nấm là tận dụng nguồn kháng sinh tự nhiên vô hại đó”. Đó là lý do tại sao rất nhiều loại thuốc hiện đại - bao gồm penicilin – được chiết xuất từ nấm. Hơn nữa nấm còn có tác dụng giảm nguy cơ ung thư vú. Bà Moss khuyên nên ăn nấm 1 lần mỗi ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem