Chuyện lạ miệt đồng: Cúng “cục đá”, phải ăn trước một miếng

Nguyễn Hữu Hiệp Thứ hai, ngày 02/06/2014 15:19 PM (GMT+7)
Trong đời sống dân dã, người Khơ me Nam Bộ quan niệm ông Tà là một trong những vị thần già bảo hộ địa phương (Như thổ thần kiêm thần nông nghiệp vậy. Không phải là tà thần, hay thần tà đạo).
Bình luận 0
Ông Tà cai quản từng khu vực, gọi chung là “Neakta”. Nguyên ngữ của Neakta nghĩa là rắn thần Naga 7 đầu. Người Khơ me thường dùng chỉ những nhà sư tương lai, do truyền thuyết Naga từng được Đức Phật cảm hoá theo tu tập và che chở Ngài.

img

Neakta được phân biệt khá cụ thể: Nếu giữ gìn một thửa ruộng thì gọi là Neakta Sre; nếu cai quản một ngôi chùa thì gọi Neakta Vatt; chịu trách nhiệm tại ngã ba sông thì gọi Neakta Peam Bei; chủ một sóc (thôn, xóm) thì gọi Neakta Mchas Srock, hoặc Neakta Phnom nếu là chủ một ngọn núi v.v.

Như vậy, từng tỉnh, từng huyện hoặc từng ngọn núi, con đường, hay đầu vàm, cuối rạch, giữa đồng hoặc bên cạnh gốc da, gốc dừa, doi đất, thậm chí bọng cây... đều có Ông Tà cai quản, tức có một cái miễu nhỏ thường là rất đơn sơ, thờ Ông Tà.

Các “nông dân nòi” người Việt sống ở đồng sâu hoặc làm rẫy ở đồng lớn, hiện nay vẫn không ít người tin vào sự hộ độ ấy, nhưng dù ở nơi nào họ cũng chỉ hiểu có một Ông Tà (như một Ông Trời), nhứt là ở những nơi đồng bãi còn nhiều dáng dấp của hoang sơ.

Đó là một vị thần có chức năng hộ độ cho sự yên ổn, và đặc biệt là mỗi khi làm mất một vật gì người ta cũng thân mật “kêu” Ông Tà cùng kiếm tiếp. Theo họ, sau đó tìm được ngay! Bởi trong đồng trong bãi có ai tham lam đâu – nếu có cũng đã dễ dàng khoanh đối tượng, vì rất ít người – chỉ có Ông Tà vui tính, đùa chơi thôi!

img

Ông Tà quả vui tính và cởi mở thật! Thế nên trẻ con ở đồng thường bày cuộc đùa giỡn với ông bằng cách kéo đến “nhà” ông (miễu Ông Tà) trong xóm (hoặc ở ngả ba đường hay dưới cây cổ thụ) ôm những viên đá cuội nhẵn bóng (hiểu là hóa thân của Ông Tà – viên đá to thì gọi Thmâr thôm, nhỏ thì gọi Thmâr tâuch), đem thảy xuống lung đìa rồi cùng nhảy đùng xuống lặn tìm, rất vui.

Có khi tìm mãi cả buổi không gặp, chúng dọa: “Ông Tà trốn hoài, tụi tui bỏ ông chết chìm luôn!” thế là Ông không “trốn” nữa. Và chúng mang Ông Tà (viên đá cuội) trả lại y chỗ cũ để mai mốt tiếp tục chơi.

img

Do “linh nghiệm” như vậy nên người dân miệt đồng rất tín ngưỡng. Thấy nhân dân thường lui tới bái vọng cầu đảo “cục đá sơ sài”. Ngày trước, vào những năm đầu thế kỷ XX có người đang “nuôi mộng nắm quần chúng” đặng lôi kéo vào ý đồ chính trị, bèn khai thác tâm lý “thờ đá” để lợi dụng bằng cách mang từ xứ họ một viên đá khác để gần đó. Nhang đèn thờ phượng, đề chữ “Thái Sơn”, tức lấy đá từ hòn núi Thái Sơn bên Tàu đem qua với ý đồ thay thế cho Neakta bản xứ!

Nhưng họ đã lầm, vì như chúng ta đã biết, người ta không đơn giản thờ đá, và một khi đã thờ thì viên đá ấy phải là những viên đá cuội tròn lẵng, có hồn (thần giao cách cảm), ấy là sự hoá thân (nhập hồn vào đá) của Ông Tà – một vị phúc thần của địa phương. Vậy là cục đá “Thái Sơn” kia tất nhiên không ai màng ngó tới!

Ông Tà vui tính nhưng cũng rất linh thiêng và nghiêm khắc nếu bị xúc phạm. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi ở tỉnh Gia Định có đền Ngũ Công thờ 5 Ông Tà là: Tà Mã Quốc công, Tà Môn Quận công, Tà Nông Quận công, Tà Tiết Quận công, và Tà Khuôn Quận công. Xưng như thế là theo tiếng Cao Miên. Thần hiệu không rõ là có từ đời nào.

img

Tương truyền đá “Ngũ công” trước ở giang phận thôn Đôn Thuận, ngày trước có người nước Thanh đi thuyền qua đây, thuyền bị mắc đá, không sao di động, được người ấy bèn lấy búa đục thì ngã lăn ra chết và thuyền bị đắm.

5 Ông bèn dẫn nhau từ hạ lưu ngược lên giang phận thôn Lộc An. Nay ai đi qua đấy tất phải kính cẩn, đi thuyền phải chèo xa bờ và hết sức gìn giữ, không dám chèo gần, e xảy ra sai lầm. Phàm cầu đảo tất được linh ứng.

Đối với người Khơ me Nam bộ thì Neakta là vị thần trông coi về sức khoẻ, thịnh vượng. Nếu ở đồng ruộng thì Neakta là người giúp họ mọi mặt trong việc đồng áng kể cả việc ngăn giữ không cho sâu, chuột phá hoại mùa màng.

Câu chuyện ông Tà kiện ông Địa kể ra sau đây rất phổ biến đối với người Nam Bộ, thể hiện đậm nét tinh thần hợp tác, cùng chung sống của hai tộc Kinh và Khơ me:

Ông Tà vốn là tín ngưỡng của người Khơ me, là vị thần phù hộ của họ. Ông Địa là thần phù hộ cho người Việt. Thấy đất đai lãnh thổ khai phá của dân của ông Địa ngày một trù phú, mở rộng, còn đất đai mình ngày càng thu hẹp, ông Tà bèn đi kiện lên ông Thần Thành Hoàng. Thần phán ông Địa thắng kiện vì tỏ ra khá siêng năng trong việc lo cho dân, còn ông Tà chỉ biết lêu lổng không chăm sóc dân.

Ông Tà chẳng những bị thua kiện mà còn bị xử làm dân tùng ngụ. Ông Địa thắng kiện nhưng không kiêu căng, không lấn lướt ông Tà, mà ngược lại còn an ủi và chia phần cho ông Tà nữa. Ông Địa khuyên ông Tà đừng phân biệt giống nòi, nên cùng nhau hợp sức. Rồi chia việc để mỗi vị đều có trách nhiệm cụ thể. Theo đó ông Tà vì thích thanh vắng nên coi giữ chỗ đồng ruộng; còn ông Địa do thích náo nhiệt nên coi giữ nơi chợ búa. Từ ấy có câu “Ông Địa canh nhà, ông Tà giữ ruộng”.

Xử theo lý thì ông Tà chẳng còn tấc đất nào, chẳng có quyền thế nữa. Nhưng theo tình, thì ông Tà được phần ruộng đồng mênh mông, lại trở thành vị thần của người Việt. Như vậy, chẳng phải ông Địa bao dung lắm sao!

Chính vì cái “tình anh em” ấy nên ngày trước, mỗi khi gặp chuyện chẳng lành hoặc làm ăn sa sút bà con nông dân miệt ruộng thường: “Vái ông Tà, ông Địa hộ độ cho tôi tai qua nạn khỏi”.

Lễ cúng ông Tà hằng năm được tổ chức vào tháng đầu mùa hạ, rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5 dương lịch, tức tại thời điểm trước khi làm đồng theo lịch nông vụ xưa, nhưng cũng tùy từng nơi – ruộng thấp hay ruộng cao. Vào những ngày này, người Khmer họp nhau làm lễ theo từng sốc để cúng ông Tà. Đây là dịp để bà con xin nước mưa làm ruộng rẫy trong năm.

Điều khá lý thú là khi nhân dân tổ chức cầu mưa theo lệ hàng năm dưới hình thức đua ghe trên đất, để nói lên cái ý thế gian đang khổ hạn vào tháng tư âm lịch thì, Ông Tà là người có khả năng làm cho đồng ruộng sẽ gặp mưa rào để cho nhà nông chuẩn bị vào vụ mùa. Tất nhiên có khi không mang lại kết quả như mong ước.

Nhưng cũng chẳng sao, bởi nếu sau khoảng 1 tháng mà vẫn chưa mưa, họ lại vẫn tiếp tục tổ chức “lễ xin nước mưa” một lần nữa, nhưng với một hình thức khác bằng cách mời 10 nhà sư đứng phơi nắng ngoài đồng tụng kinh, bên cạnh là một con cá lóc đựng trong cái việm không có nước (theo Phật giáo Tiểu thừa thì con cá lóc là tiền thân Đức Phật). “Xin nước mưa” lần 2 vào thời điểm tháng 5, tháng 6 âm lịch, tất nhiên là rơi đúng vào đầu mùa mưa theo quy luật thời tiết tự nhiên.

Họ kính trọng Ông Tà, coi như vị thần trực tiếp bảo hộ và giúp họ thu hoạch tốt trong công việc đồng áng và trong đời sống hàng ngày.

Hết thảy dân của ông Tà tại các phum sốc đều là nông dân, làm thúi móng cũng không đủ ăn, nói chung là rất nghèo, vì vậy bà con dâng cúng ông bất cứ món gì, dù ít ông cũng rất lấy làm hoan hỉ.

Có điều rất đặc biệt là khi người dân vừa vái cúng xong thì phải ăn trước một miếng, nhắm trước một chung (tượng trưng), ông Tà mới dám “nhậm”. Vì sao? Hỏi ra mới biết, do có một lần, chẳng biết vô tình hay cố ý, cũng không loại trừ “tay tổ” nào đó đã cắc cớ trộn thêm một ít thuốc chuột vào, báo hại ông phải một phen ói ỉa quằn quại! Từ ấy ông Tà không thể không cảnh giác, và rất thận trọng trong việc ăn uống. Âu cũng là chuyện kể trong dân gian, muốn ám chỉ tính quá cẩn thận và đa nghi của ông Tà mà thôi.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem