Chuyện lạ ở làng: hễ cứ con vật 4 chân là thi nhau "tự tử"

Thứ ba, ngày 04/11/2014 21:04 PM (GMT+7)
Trong khi đang ăn ngon lành, đàn lợn bỗng nổi đóa, kêu eng éc, húc đầu vào tường chết thẳng cẳng.
Bình luận 0
Kỳ 2: Đem vật nuôi gửi nơi khác vẫn chết

Sau khi tất tật đàn gia súc gồm trâu, bò, lợn, chó của đại gia đình nhà anh Bùi Văn Thanh (xóm Đầu, thôn Sơn Quả, xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) lần lượt chết sạch sẽ trong năm 1997 và 1998 thì năm 1999 đến lượt cả xóm Đầu chịu hậu quả nặng nề.

Hộ gia đình ông Khiêm cùng lúc chết 16 con lợn thịt đang khỏe như vâm. Ông phải đẩy xe cải tiến chở thịt đi khắp làng để cho.

Sau đấy ít bữa, những gia đình trong xóm được "hưởng lộc" từ nhà ông cũng lần lượt "trả lộc", vì gia súc nhà họ cũng đồng loạt chết.

Súc vật chết không biết bán cho ai, nên cả làng cứ mổ xẻ chia cho nhau. Lần sau, súc vật nhà mình chết thì lại xẻ thịt trả nợ.
img Các gia đình ở xóm Đầu đều bỏ hoang chuồng trại vì vật nuôi 'tự tử'.
Tất cả gia súc trong làng, mỗi loài đều có một cách chết đặc biệt và y hệt nhau. Lợn thì trong lúc đang ăn ngon lành bỗng nổi đóa lên, kêu eng éc, húc đầu vào tường chết với dòng máu tươi ở hai lỗ mũi và bọt sùi ra từ miệng. Cái chết của lợn y như tự tử.

Trâu, bò thì thường rống lên vài tiếng, sau đó bốn chân bủn rủn lăn kềnh ra chết.

Giống chó thì sống dai hơn. Trước tiên nó tru lên mấy tiếng, sau đó chạy như điên loạn khắp nơi như chó dại. Có con khỏe đến nỗi cứ nhảy vọt lên quá đầu người, trông rất bi thương.

Sau khoảng 1 tiếng điên loạn như thế thì nó có hai cách tự kết liễu đời mình là đâm đầu vào vật cứng chết hoặc nhảy xuống ao hồ "tự vẫn".

Điều rất khác thường, là mặc dù đàn chó "nổi điên", song lại chưa từng cắn người khi người lao vào bắt giữ nó.

Có những kiểu chết kỳ dị đến mức khiến cả làng hoang mang tột độ. Lạ lùng nhất là cái chết của con lợn nái nhà anh Vượng.

Con lợn nái nhà anh Vượng chỉ còn một tuần nữa là đẻ nên bụng to tướng, xệ xuống đất, chỉ nằm một chỗ. Mỗi lúc cho ăn, nó đứng dậy rất khó nhọc.
img Người dân nhận chó do dự án của tỉnh phát cho.
Buổi chiều hôm ấy, anh Vượng xách xô cám đổ vào máng cho nó ăn, rồi anh vào nhà. Chưa kịp uống hớp nước, thì bỗng nghe thấy nó rống lên thảm thiết.

Biết có chuyện chẳng lành, anh chạy vụt ra ngoài. Ôi trời, con lợn nái nặng tạ rưỡi đã nằm chết thẳng cẳng bên ngoài chuồng.

Anh Vượng khiếp quá hô hoán, cả làng kéo đến chứng kiến và ai cũng khẳng định rằng, con lợn nái sắp đẻ của anh không thể nào nhảy ra khỏi chuồng được.

Bình thường, anh vẫn mở cửa chuồng nó còn không ra được vì còn lớp gạch xây cao khoảng 40 cm, đằng này anh đóng cửa chuồng rất cao, chốt bằng tre rất chặt, thế mà nó "bay" thẳng ra ngoài để chết!

Cứ như vậy, cả thảy 37 con trâu bò cùng mấy trăm chó, lợn trong làng lần lượt chết bất đắc kỳ tử.

Ông phó thôn Lưu Văn Lần cùng một số người trong làng ngồi ngẫm nghĩ mãi vẫn không tìm ra gia đình nào nuôi trong chuồng nhà mình được một con gia súc để thịt hoặc bán cho thương lái khi nó còn sống, chỉ trừ gia đình anh Tâm. Chuyện này cũng hết sức lạ đời.

Gia đình anh Bùi Văn Tâm là trường hợp duy nhất trong làng nuôi được gia súc, trong khi cả làng không nuôi được.
img Duy nhất vật nuôi ở đất nhà anh Tâm là không chết.
Trong suốt 10 năm trời, dân làng phải đối mặt với cả ngàn cái chết kỳ lạ của gia súc thì đàn gia súc nhà anh Tâm vẫn bình an vô sự.

Vợ chồng anh Tâm lý giải rằng gia đình gặp may, được... "Thánh nhân" phù hộ!

Theo anh Tâm, không những vợ chồng anh gặp may trong việc chăn nuôi mà còn gặp may trong nhiều chuyện khác.

Một lần, anh Tâm đi làm phu hồ, sảy chân rơi từ tầng ba xuống đất mà chỉ bị thương nhẹ. Rồi vợ anh Tâm bị chiếc xe công nông chở đầy đất lật đổ đè lên người mà chỉ cũng chỉ bị xây xát nhẹ (?!)

Tin chuyện "Thánh nhân" cho gia đình anh Tâm mảnh đất tốt nên cả làng mang gia súc đến vườn nhà anh thả nhờ... lấy may.

Quả thực, tất cả số gia súc của dân làng thả vào chuồng trâu, chuồng lợn nhà anh Tâm đều sống rất khỏe mạnh và chưa con nào chết.

Một số gia đình thả gia súc vào nhà anh Tâm không thấy việc gì liền đem về, nhưng chỉ độ đôi ba ngày sau là chết thẳng cẳng.

Do vậy, gia đình nào muốn nuôi được trâu, bò, lợn, chó, chỉ có cách thả vào khu đất nhà anh Tâm, còn đem gửi làng khác, xóm khác cũng đều chết cả.

Thời điểm đó, khu vườn nhà anh Tâm mọc kín chuồng bò, chuồng lợn. Anh em, dân làng đem tre, đem rạ đến vườn nhà anh dựng chuồng để nuôi và vợ chồng anh đều sẵn sàng chấp nhận.

Anh Tâm sẵn sàng biến mảnh vườn nhỏ nhà mình thành cái trại nuôi gia súc của cả làng và chấp nhận mùi hôi thối nồng nặc khủng khiếp là bởi anh muốn "trả nghĩa" cho bà con, vì từ nhiều năm nay, gia đình anh đều được hưởng "lộc" từ những đàn gia súc đột tử của hàng xóm.

Điều kỳ cục nữa: Không chỉ vật nuôi ở xóm Đầu chết, mà người dân xóm Đầu đưa vật nuôi ra nơi khác gửi cũng vẫn chết như thường.

Xưa nay, vợ chồng anh Bùi Văn Hùng chỉ biết trông vào mấy sào đá sỏi gan trâu, cỏ cây chỉ lên èo uột, nên coi nghề chăn nuôi là cách thoát nghèo không thể bỏ được.

Vợ chồng anh đã trằn trọc nghĩ cách và quyết tâm rời bỏ ngôi "làng ma ám" để về nhà bố mẹ vợ ở làng Đông sinh sống, tiếp tục nghề chăn nuôi.
img Giờ đây, vật nuôi ở xóm Đầu không chết chóc bí ẩn nữa.
Theo hướng dẫn của các cụ, vợ chồng mời thầy cúng, làm hai cái lễ lớn bưng ra miếu và đình làng để xin nhập làng mới, cắt đứt mọi ràng buộc đối với xóm Đầu.

Nhưng rồi bao nhiêu lợn, bao nhiêu chó mang về nuôi, giỏi lắm cũng chỉ được một tuần là lại lăn ra chết thẳng cẳng, trong khi tất cả những giống loài này bố mẹ vợ đều nuôi, cả làng Đông đều nuôi vẫn khỏe mạnh, bình thường.

Thậm chí, có một chuyện lạ thế này: Hồi ở làng Đầu, ông cậu cho con chó, vừa nuôi được một tuần thì nó bỗng nhảy dựng lên phát điên. Anh Hùng dùng bao chụp lấy mang ngay sang nhà cậu trả.

Thấy con chó sùi bọt trắng lẫn máu ở mép, nằm rên rỉ, nghĩ sẽ chết nên mọi người nấu nước làm thịt. Tuy nhiên, khi nước sôi thì con chó bỗng nhỏm dậy và khỏe như bình thường.

Vài hôm sau, mẹ vợ lại cho vợ chồng anh Hùng con chó khác, nhưng lúc nó nổi điên, anh chị không ở nhà, hai đứa trẻ lại không tóm được đem trả mẹ nên chó lăn ra chết (?!).

Chuyện này không rõ thực hư đến đâu, nhưng anh Hùng, chị Lan, đại gia đình họ và cả cái làng nhỏ này đều kể tường tận.

Chán cảnh chăn nuôi, vợ chồng anh Hùng lại trở về xóm Đầu sinh sống, nhưng quay sang làm nghề mộc. Không ngờ, làm nghề mộc cũng kiếm được, nên giờ vợ chồng anh gây dựng được xưởng mộc bề thế trong làng.

Còn tiếp…
(Theo VTC News)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem