Chuyện lạ xứ Nẫu: Tôm hùm khiến ốc bươu vàng đột nhiên có giá

Thứ hai, ngày 01/01/2018 09:30 AM (GMT+7)
Từ sau bão số 12 đến nay, biển động liên tục nên các tàu khó ra khơi đánh bắt hải sản dẫn đến nguồn thức ăn tôm hùm khan hiếm. Vì vậy, nhiều thương lái rảo mua ốc bươu vàng bán lại cho ngư dân để làm thức ăn tôm hùm nên giá ốc bươu vàng tăng cao, trở nên đắt giá.
Bình luận 0

Những ngày qua, trên cánh đồng hai bên đường Trần Phú (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), mỗi ngày có gần 10 người đi đẩy bắt ốc bươu vàng. Nông dân “độ” cái cây, có cáng bằng gỗ để đẩy, phía trước có tấm lưới thụng giống như cái vợt. Người đứng từ phía sau đẩy tới, cái vợt chúi mũi xuống đất cày qua gốc rạ, gặp ốc bươu vàng đu trên gốc rạ lăn rớt xuống cái vợt.

img

Người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu đập vỏ lấy ruột ốc làm thức ăn cho tôm hùm - Ảnh: LÊ TRÂM

“Cày” qua một đường dài, dừng lại bắt ốc bỏ trong thau nhựa kéo theo sau lưng, ông Nguyễn Thiện, một người đi bắt ốc bươu vàng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), cho hay: Sáng sớm, tôi cùng nhiều người trong xã xuống cánh đồng TP Tuy Hòa dàn hàng ngang “cày” bắt ốc bươu vàng bán lại cho người nuôi tôm hùm. Cách đây 1 tuần giá được 4.500 đồng, nay tăng lên 5.000 đồng/kg, một người “cày” từ sáng đến trưa bắt đầy bao tải (50kg), bỏ túi 250.000 đồng.

Sẩm tối tại góc bùng binh đường Trần Phú (TP Tuy Hòa) có 4 người chuyên mua ốc bươu vàng tập hết hàng chục bao tải ốc chờ xe tải đến vận chuyển. Bà Nguyễn Thị Hiền, một người chuyên mua ốc bươu vàng, chia sẻ: Một ngày chúng tôi rảo mua 2 lần, tốp đi đẩy buổi sáng thì trưa bán xong họ về nhà ăn cơm nghỉ tay, còn tốp đi đẩy buổi trưa thì sẩm tối bán. Một ngày, chúng tôi mua trên chục tấn ốc bán lại cho người nuôi tôm hùm...".

Cũng theo bà Hiền, từ sau bão số 12 đến nay, trời gió mạnh, biển động dài ngày nên các tàu khó ra khơi đánh bắt hải sản dẫn đến nguồn thức ăn tôm hùm khan hiếm nên hiện nay người dân chủ yếu tận thu mồi ốc cho tôm. Vì vậy, giá ốc bươu vàng tăng cao, trước tháng 11 (trước bão số 12) giá ốc chỉ 3.000 đồng, nay tăng lên 5.000 đồng/kg.

Gần tháng qua, trên các cánh đồng xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), ngày nào cũng có người đi bắt ốc bươu vàng. “Hiện nay là mùa mưa, nhiều cánh đồng rộng hàng ngàn hécta chưa gieo sạ nên ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở đu trên gốc rạ, tôi mang bao tải rảo đi bắt từ sáng đến xế chiều, kiếm 200.000 đồng. Còn đàn ông thì tranh thủ ban đêm đi bắt, mỗi tối kiếm 300.000 đồng”, bà Phan Thị Xinh, đang bắt ốc bươu vàng trên cánh đồng xã Hòa Đồng nói.

Ông Lương Văn Lê, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tây Hòa, cho biết: Nhiều người ở đây chuyên đi thu mua ốc bươu vàng, mua cả ngày lẫn đêm. Trung bình mỗi ngày đêm thu 2-3 tấn ốc bán làm thức ăn cho tôm hùm.

Theo kinh nghiệm nhiều nông dân trồng lúa, ốc bươu đen đẻ trứng ngay mặt nước nên bị các loại cá ăn, còn ốc bươu vàng mỗi lần đẻ trứng bò lên trên cao, cách mặt nước gang tay, nên chúng đẻ trăm trứng còn nguyên trăm trứng. Ốc bươu vàng khi nở ra to chỉ bằng chân nhang đã cắn phá lúa và phát triển thành con trưởng thành sau một thời gian. Ốc càng to càng cắn phá hoa màu.

Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, ngành Nông nghiệp vừa triển khai sản xuất vụ đông xuân 2017-2018. Theo đó, các địa phương vận động nhân dân tiến hành sớm các khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, kết hợp với việc bắt thu gom ốc và trứng ốc bươu vàng trước khi gieo sạ. Ốc bươu vàng là một sinh vật ngoại lai cắn phá hoa màu làm cho mùa màng thất bát nhưng lại sinh sôi nảy nở nhanh.

Khi ốc bươu vàng xuất hiện gây hại làm giảm mật độ lúa và nghiêm trọng hơn có thể làm cây lúa mất khả năng sinh trưởng. Không như các loại sâu bệnh hại khác, ốc bươu vàng cắn phá lúa từ khi mới nảy mầm, vì vậy cần tập trung diệt chúng ngay từ giai đoạn đầu. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, nông dân bắt ốc bươu vàng tận dụng bán lại cho thương lái làm thức ăn tôm hùm, vừa kiếm thu nhập vừa bảo vệ mùa màng.

Trâm Trân (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem