Diện tích chuyển đổi còn thấp
Theo Trung tấm Khuyến nông quốc gia, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Thu hoạch khoai lang ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: C.L
Cụ thể, mục tiêu chuyển đổi của vùng ĐBSCL là khoảng 200.000ha đến năm 2020, trong đó ngô và đậu nành khoảng 70.000ha. Trên thực tế diện tích chuyển đổi từ cây lúa năng suất thấp sang các loại hoa màu khác ở các tỉnh ĐBSCL rất thấp, chỉ đạt 3,6 ngàn ha năm 2015. Việc chuyển đổi diện tích lúa sang cây màu ở vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn. Cây ngô dự kiến trồng chuyển đổi nhiều nhất tại các tỉnh nhưng cũng khó mở rộng diện tích vì hiệu quả kinh tế của ngô cao hơn sản xuất lúa là chưa thuyết phục.
"Trước hết chúng ta cần quy hoạch chuyển đổi, hiệu quả nhất vẫn là quy hoạch ở địa phương, xác định vùng nào chuyển đổi chuyên màu và vùng nào là chuyển đổi 1 hoặc 2 vụ xen lúa. Ngoài ra, chuyển đổi phải đa dạng hóa cây trồng, ngoài những cây trồng chủ lực thì phải có thêm một số cây khác để phù hợp với từng địa phương…”.
TS Trần Văn Khởi
|
Nói về những khó khăn trong sản xuất ngô, ông Trần Văn Dũng – Trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Ngô trồng trong vụ hè thu rất thích hợp vì vụ này năng suất lúa thấp, mưa cuối vụ, nhưng cũng có khó khăn cho khâu thu hoạch, sơ chế ngô. Giá ngô, đậu tương nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam rất thấp, thậm chí có lúc còn thấp hơn cả giá thành sản xuất ngô trong nước, trong khi sản phẩm ngô hạt nhập về đồng đều về chất lượng, doanh nghiệp có khối lượng lớn phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi.
Theo nhận định của các đại biểu, có một số nguyên nhân dẫn đến việc chuyển đổi đất lúa ở vùng ĐBSCL còn chậm như: Rất ít giống ngô năng suất cao vượt trội để hơn lúa về hiệu quả kinh tế; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; rất khó tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn, đất dễ bị nhiễm phèn mặn khi trồng màu dẫn đến năng suất thấp; cơ giới hóa trong sản xuất cây màu khó khăn hơn lúa; chưa có hệ thống thủy lợi đồng bộ phục vụ cho trồng màu; chính sách của Nhà nước còn bất cập (Quyết định 62 của Chính phủ), có chính sách hỗ trợ nhưng nguồn kinh phí từ địa phương nên tính khả thi thấp…
Hình thành vùng màu hàng hóa lớn
Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi đất lúa sang màu, nhưng các đại biểu đều cho rằng, trước áp lực về tác hại của biển đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất lúa, giá lúa thấp, bấp bênh nên thu nhập từ lúa giảm, nhu cầu trong nước với sản phẩm ngô và đậu nành ngày càng tăng cao để phục vụ cho chăn nuôi và thực phẩm. Do vậy việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa vùng ĐBSCL là rất cần thiết.
Đồng thời, các nhà khoa học cũng đã đưa ra những giống ngô, đậu nành, đậu tương, mè phù hợp với điều kiện đất đai ở vùng ĐBSCL; đề xuất những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân áp dụng chuyển đổi và nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Lê Quý Kha – Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận định: Trong định hướng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, ngô lai và đậu nành được ưu tiên hàng đầu vì dễ trồng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu vùng ĐBSCL, đồng thời nguồn cung trong nước của đối với 2 loại cây trồng này vẫn không đủ.
“Cần có chính sách đặc thù, đầu tư mô hình chuyển đổi trọn gói, đầu tư khuyến công cho mô hình từ máy làm đất, gieo hạt, thu hoạch, tách hạt đến sấy để nông dân thấy rõ lợi ích của đầu tư cơ giới hóa, hạ giá thành sản xuất. Đây là điểm mấu chốt, góp phần làm cho mô hình có tính ổn định lâu dài ngoài sản xuất, sau khi kết thúc mô hình ở các điểm” - ông Kha đề xuất.
Trao đổi tại diễn đàn về kết quả nghiên cứu mô hình trồng ngô lai trong vụ xuân hè ở TP.Cần Thơ, TS Trịnh Quang Khương – Trưởng Bộ môn Cơ cấu cây trồng, Viện Lúa ĐBSCL, cho hay: Thời gian qua, Viện Lúa ĐBSCL cùng với Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam đã có những nghiên cứu và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác ngô lai ở ĐBSCL, trong đó điển hình là nghiên cứu ở huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ trong năm 2014 đạt được kết quả khả quan.
TS Trần Văn Khởi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, khẳng định: Trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là nội dung quan trọng nhất nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tiến tới nâng cao hơn nữa giá trị trên 1ha đất nông nghiệp, tạo thành các vùng cây màu hàng hóa lớn cho thu nhập cao chuyển đổi từ đất lúa, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với hạn hán ngày càng trở nên gay gắt tại ĐBSCL”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.