Chuyện “mài ngọc” cho bóng đá Việt ở HAGL-Arsenal JMG

Chính minh - Long nguyên Thứ hai, ngày 02/03/2015 18:57 PM (GMT+7)
Khi những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đang làm nức lòng người hâm mộ với lối chơi bóng đẹp mắt, “thêu hoa dệt gấm” thì ở phía sau họ, lứa “đàn em” với đôi chân trần cũng đang âm thầm rèn giũa, học tập mang theo ước mơ cháy bỏng được trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp…
Bình luận 0

Tiên học lễ, hậu học văn

img

Đến Học viện HAGL-Arsenal JMG mới hiểu thật rõ cách làm bóng đá của bầu Đức. Các cầu thủ ngay từ khi chập chững bước chân vào Học viện đã được giáo dục để trở thành một công dân tốt, có văn hóa, trước khi trở thành một cầu thủ giỏi. Khoảng 6 giờ dậy ăn sáng rồi đi bộ tới điểm trường (cách Học viện khoảng 1km) học văn hóa, hễ cứ gặp người lớn là các em đứng lại khoanh tay chào.

Vào nhà ăn, gặp các thầy trong ban huấn luyện, các em cũng lại bắt tay, cúi đầu chào thầy. Ngay cả chi tiết nhỏ như cách chọn suất ăn cho riêng mình, lứa khóa 3 (gồm các học viên nằm trong độ tuổi từ 10 đến 14) cũng chẳng khi nào lấy thừa gây lãng phí.

Tâm sự với người viết, thầy giáo Nguyễn Văn Mạnh dạy môn hóa tại điểm trường HAGL-Arsenal JMG, nhận xét: “Các em rất ngoan, lễ phép. Trong học tập, các em cũng rất cố gắng, dù việc luyện tập thể thao vốn đã rất vất vả”.

Được biết, vào những ngày thường trong tuần, thời gian biểu của các học viên HAGL-Arsenal JMG gần như kín đặc. Sau giờ học văn hóa buổi sáng, khoảng 11 giờ đến 12 giờ 30 sẽ ra sân tập bóng. Sau đó nghỉ ăn trưa, ngủ trưa, tới 15 giờ lại làm bạn với trái bóng trong khoảng 1,5 tiếng. Giờ ăn tối là từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 30, sau đó chuẩn bị sách vở đi học tiếng Anh, tiếng Pháp.

Tất cả cho đam mê

Trên sân cỏ, HLV Guillaume luôn dành cho những “hạt ngọc thô” khóa 3 sự quan tâm đặc biệt. Trong các buổi tập, lứa U19 gần như tự rèn giũa dưới sự dẫn dắt của các trợ lý HLV Guillaume. Bản thân ông thầy người Pháp thì chăm chút, chỉnh sửa từng động tác, từng bước di chuyển cho tụi nhỏ với niềm tin sẽ tìm ra thêm những Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Sơn, Hồng Duy… mới cho bóng đá Việt Nam (BĐVN).

Trao đổi với NTNN, ông Huỳnh Mau – Giám đốc điều hành HAGL cho hay: “Những em khóa 3 đầu tiên được chọn đã có khoảng thời gian hơn 1 năm luyện tập, sinh hoạt cùng nhau trong một mái nhà. Thời gian gần đây, Học viện thường xuyên tuyển thêm thí sinh vào thứ 3, thứ 6 hàng tuần. Hiện khóa 3 đã có 20 em và chúng tôi sẽ liên tục kiểm tra, sàng lọc. Cách làm này hy vọng sẽ không bỏ sót tài năng bóng đá ở mọi miền trên cả nước. Những học viên mới như em Liêm (TP.HCM), em Bình (Bình Phước), em Hiếu (Hà Nội) đều rất có tiềm năng”.

Quan sát một buổi tập kéo dài 1,5 tiếng đồng hồ của Học viện HAGL-Arsenal JMG, bóng gần như luôn lăn trên sân. Các em được dành phần lớn thời gian tâng bóng bằng mu, đùi, vai... sau đó chơi gôn tôm trên phạm vi nhỏ. Điều dễ nhận thấy là tất cả các em đều có khả năng sử dụng má ngoài của đôi chân rất khéo léo, đưa ra những quyết định chuyền bóng nhanh, hợp lý.

Cầu thủ nhí Phan Hồ Khải (12 tuổi, quê Đồng Nai) nói: “Nhà chỉ có mỗi mình cháu, gia đình cũng không khó khăn lắm, nhưng cháu yêu bóng đá quá nên khi trúng tuyển đã xin cha mẹ cho đi Gia Lai. Cháu sẽ cố gắng luyện tập chăm chỉ để sau này được như anh Công Phượng”.

Được coi là “anh cả” của khóa 3, Huỳnh Văn Hải (15 tuổi, quê Đăk Lăk) tâm sự khá chững chạc: “Cha mẹ cháu chỉ biết trông vào rẫy cà phê để sống. Nhà có 2 anh em liền nhau, nên bố mẹ vất vả lắm. Cháu trúng tuyển, được ăn, học, chơi bóng ở Học viện coi như gia đình cũng đỡ một miệng ăn”.

Trong đợt tuyển sinh khóa 1 chính là lứa những Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều, Tuấn Anh, Xuân Trường..., từ 12.000 thí sinh trên cả nước, Học viện HAGL-Arsenal JMG mới chọn được 18 em. Tới khóa 2, từ gần 10.000 thí sinh trên cả nước, học viên chọn được 10 em.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem