Chuyện người con để cha già chọn cách sống vui, sống khoẻ

Nguyễn Minh Út Thứ tư, ngày 01/07/2020 08:00 AM (GMT+7)
Câu chuyện tôi kể lại sau đây có thật 100% ở ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Một người cao tuổi với cách sinh hoạt tuy hơi khác đời thường một chút, nhưng đổi lại ông đã có một sức khoẻ mà tôi nghĩ rằng người con nào cũng ao ước có được cho cha mẹ mình.
Bình luận 0
Kể chuyện làng:  Chuyện người con để cho cha già chọn cách sống vui, sống khoẻ - Ảnh 1.

Sáng, chiều hai buổi, không bỏ sót ngày nào hơn 10 năm nay, ộng Trần Văn Còn, 85 tuổi vẫn đi vể gần 15 cây số trong những ngày sống vui sống khoẻ của ông.

Tôi mong rằng câu chuyện có thật này sẽ lan tỏa tích cực đến những người con hiếu thảo mong muốn trả ơn, trả hiếu cho các đấng sinh thành, đồng thời đây cũng là một trong nhiều cách sống trường thọ cho người cao tuổi.

Tôi cũng mong muốn không ít người "ngộ" ra điều cần nhất của người già: Hãy để họ sống vui, tức là họ đã sống khoẻ, sống hạnh phúc lâu dài với con cháu.

Gia đình chị Trần Ngọc Thu cùng ở chung nhau có 4 người, cha mẹ già 84-85 tuổi và vợ chồng chị, hiện cư ngụ ấp Cầu Chùa như đã nêu trên.

Từ hơn 10 năm nay, mẹ chị sau cơn tai biến nhẹ, dù không trở nên tàn phế nhưng mọi sinh hoạt như đi đứng, ăn uống, vệ sinh… đều nhờ vào tay chị Thu làm hết. Chị làm mà trong xóm chưa ai nghe một tiếng than van.

Kể chuyện làng:  Chuyện người con để cho cha già chọn cách sống vui, sống khoẻ - Ảnh 2.

Đường vào nhà chị Thu lúc nào có hoa đủ sắc màu sắc.

Mỗi khi khách đến thăm, nếu bà không vui miệng kể lại: "… Con Thu tui sáng nay nó làm cái này… chiều hôm qua nó làm cái kia…", chắc chắn là chẳng ai biết chị Thu đã chăm sóc cho mẹ chu đáo đến mức nào.

Người cha 85 tuổi, tuy không thể leo hái dừa khô như 10 năm về trước, nhưng hiện nay sức khoẻ ông vẫn còn khá tốt. Từ nhiều năm nay, sáng nào, chiều nào ông cũng đạp xe đi về mỗi lượt hơn 3,7km đường để ra chợ Rạch Đào (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) uống cà phê, tám chuyện đời của ông.

Nếu chỉ như vậy chắc chị Trần Ngọc Thu cũng chẳng nhận được lời ra tiếng vào, đôi khi hơi "khó nghe" của người hàng xóm.

Ông Trần Văn Còn, cha chị có cái tật hay nghêu ngao ca hát trên đường đi, những bài ca dao thanh thanh, tục tục đại loại như:

Trời mưa lấm tấm hạt mè

Anh không ra ruộng lè nhè em chi

Lè nhè em khoái tì ti

Dứt mưa anh lại ra đi liền hà.

Kể chuyện làng:  Chuyện người con để cho cha già chọn cách sống vui, sống khoẻ - Ảnh 3.

Trước nhà là dây leo tạo bóng mát.

Có một lần trong quán cà phê đông người, ông thoải mái tự biên tự diễn những bài "lục bát" tục thanh lẫn lộn. Được nhóm thanh niên ngồi bàn bên vỗ tay tán thưởng nhiệt tình, ông "thừa thắng xông lên" đến nỗi khách trong quán có người phải lắc đầu lè lưỡi.

Trong xóm có người vui lây đến cái tật khôi hài của ông, nhưng có người khó tính thì lại chê trách ông đã đành, tiếng xấu còn tới tai chị Ngọc Thu như: Ai đời con cái gì cứ để cha mình hát hò ngoài đường, làm trò cười cho thiên hạ. Sao không ngăn cản ông tới mấy chỗ đông người như vậy? Có người hiểu biết chuyện phân bua: Bà vô đó mà cản ngăn.Tính ý mấy ông già tui rành quá mà! Có người quyết liệt: Sao lại không được, cứ lấy dây xích khóa cái xe đạp lại, ổng lấy gì mà đi. Cùng lắm là đóng cổng lại thôi.

Nghe được, chị Ngọc Thu trần tình với tôi: Tôi không buồn hay giận ai hết, lại càng không xấu hổ. Ba tui tuổi già, cứ để ổng sống theo ý ổng làm vui. Khi nào ổng không muốn thì ở nhà tôi sẽ hết lòng chăm sóc. Chị khẳng định tiếp: Tui nghĩ làm sao cho cha mẹ lúc tuổi già bóng xế được sống theo ý, luôn vui vẻ, có sức khoẻ là một cách báo hiếu của con cái, ai nói gì thì nói, kệ họ.

Kể chuyện làng:  Chuyện người con để cho cha già chọn cách sống vui, sống khoẻ - Ảnh 4.

Khu vườn nhỏ trước nhà có trăm hoa đua nở.

Còn một việc làm nữa của chị Trần Ngọc Thu mà người khác không dễ làm. Chị chịu khó tìm đến từng quán cà phê ba mình thường lui tới, ân cần dặn dò chủ quán: "Nếu lỡ ba tui có quên trả tiền thì đừng đòi mà cứ nói với tui, tui sẵn lòng trả mà không một lời buồn phiền gì ai hết".

Tôi nghĩ rằng, chị Trần Ngọc Thu nói đúng và làm đúng. Con cháu đừng o ép bắt ông bà, cha mẹ già sống theo ý mình chỉ vì sĩ diện hão.

Điều mà tôi tâm đắc nhất đối với chị Trần Ngọc Thu là cách hiểu tâm lý người già, cách nuôi họ, để cha mẹ sống vui sống khỏe, cũng là một cách báo hiếu vậy.

Khi tôi viết những dòng này, mẹ chị vẫn vui với căn bệnh già, ba chị lúc nào trên nét mặt cũng hồng hào, tươi vui cùng với sức khoẻ tràn đầy ở tuổi 85. Từ hơn 10 năm nay, ngày nào cha chị cũng bầu bạn cùng "con ngựa sắt", sáng từ 6 giờ 30, chiều 16 giờ 30 vẫn đúng giờ đạp xe đi về từ nhà ra chợ uống cà phê, tám chuyện đời mình.

*Bài viết được gởi đến quý báo sau khi tham khảo và được sự đồng ý của gia đình chị Trần Ngọc Thu.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem