dd/mm/yyyy

Chuyện về ‘gã liều’ muốn giàu nuôi… vịt

“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, nhưng với anh Ngô Đức Thắng (SN 1973), ở thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động (Hưng Yên), nhờ chăn nuôi vịt mà đổi đời, hiện có trong tay cơ ngơi tiền tỉ.

Trang trại nuôi vịt của ảnh Thắng có thể cung cấp từ 5.000 – 6.000 con vịt giống mỗi ngày

Nắm cơm nguội giữa đồng nắng cháy

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ba tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi hiện đại, anh Thắng cười, cho biết: Năm 1995, anh lập gia đình với người bạn gái cùng làng và sinh được ba người con. Hai bên gia đình nội ngoại đều nghèo nên vợ chồng anh phải tự lập hoàn toàn.

 Với quy mô 7.000 vịt đẻ, 5 mẫu ao cá, 12 mẫu đất trồng các loại cây ăn quả như bưởi, na, mít, cam… Mỗi năm trừ chi phí, tùy theo biến động thị trường anh Thắng thu lãi tối thiểu từ 1 – 2 tỉ đồng; tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng, có lao động từ 10 – 12 triệu đồng/tháng.

“Ngày đó, ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, hai vợ chồng tôi phải xoay đủ thứ nghề từ mấy sào ruộng, chăn thêm đàn lợn, đàn gà… nhưng vẫn cứ nghèo. Bước ngoặt đổi đời là từ năm 2002, tôi đánh liều thuê toàn bộ diện tích khu cánh đồng lúa trũng nhất thôn Cốc Khê làm trang trại nuôi vịt đẻ, đào ao thả cá và trồng cây ăn quả”, anh Thắng thổ lộ.

Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Thắng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên rất khó khăn. Để biến cánh đồng trũng nhất thôn Cốc Khê thành trang trại VAC, vợ chồng anh Thắng đã “đổ” không biết bao công sức, tiền bạc đầu tư. Để tiết kiệm chi phí thức ăn cho đàn vịt, không kể nắng mưa, anh Thắng thường lùa vịt ra khắp các đồng vũng trong và ngoài xã. Với anh Thắng, bữa ăn trưa giữa đồng với nắm cơm nguội hay gói mì tôm là chuyện thường ngày.

“Lời lãi từ lứa vịt này, tôi lại mở rộng đầu tư nuôi lứa vịt khác. Tuy nhiên, chuỗi ngày làm ăn thuận lợi chẳng được bao lâu, năm 2006, tôi như ngồi trên đống lửa trước cơn bão dịch cúm gia cầm. Số trứng đàn vịt đẻ ra đựng đầy sàn nhà, không bán được, ăn và cho đi cũng không hết. Mấy tháng liền, tôi gánh khoản lỗ hàng chục triệu đồng”, anh Thắng thổ lộ.

Thu tiền triệu mỗi ngày

Dịch bệnh qua đi, anh Thắng lại cặm cụi chăm nuôi đàn vịt. Nhận thấy nuôi vịt phải chủ động được việc ấp con giống, nhất là lúc dịch bệnh bùng phát. Anh Thắng đầu tư máy ấp trứng, mở rộng quy mô nuôi lên 5.000 vịt đẻ.

Ngoài ấp trứng vịt của nhà nuôi, anh Thắng còn nhập thêm trứng của các hộ chăn nuôi khác. Vịt nở, anh thuê người chở đến tận nơi tiêu thụ. Thời điểm này, nhiều tỉnh ở miền Bắc đã làm đại lý tiêu thụ con giống của anh Thắng. Công việc chăn nuôi vịt thuận lợi dần, mỗi ngày thức dậy là anh Thắng có tiền triệu bỏ túi.

Dẫn chúng tôi thăm khu chăn nuôi vịt được xây dựng gồm có nhà kho, khu ấp úm giống, chuồng, sân, máng ăn, rãnh thoát nước..., anh Thắng bảo, với 10 máy ấp trứng, bình quân mỗi ngày anh xuất từ 5.000 – 6.000 con giống.

Từ khi đầu tư máy ấp trứng vịt công việc chăn nuôi thuận lợi, thu nhập ổn định hơn

“Sở dĩ lượng con giống của gia đình tiêu thụ dễ dàng và được bà con tin tưởng vì họ biết rõ nguồn gốc. Khi mua con giống, bà con được tư vấn, hướng dẫn tận tình chu đáo về kỹ thuật làm chuồng, cách úm giống, cho ăn theo từng giai đoạn vật nuôi, lựa mua loại thuốc thú y tốt”, anh Thắng bộc bạch.

Những năm gần đây, anh Thắng đầu tư trồng thêm các loại cây ăn quả để tận dụng nguồn phân bón từ chất thải đàn vịt. Hiện, anh Thắng đã mở rộng tổng diện tích chuyển đổi của gia đình lên đến 20 mẫu. Anh Thắng cho biết: “Giống cây có múi này khá hợp với phân vịt ủ hoai mục nên phát triển tốt. Mặc dù năm nay, 1 số cây bưởi mới cho thu bói nhưng quả rất sai, phải vặt bớt để tránh kiệt cây”.

Thu Hà