dd/mm/yyyy

Chuyện về ông lão người Dao hơn 40 năm trồng khu rừng tiền tỷ

Ở xã vùng cao Tân Dân, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh có một ông lão người Dao đã hơn 40 năm trồng cây, gìn giữ, bảo vệ rừng gỗ lim, sến, dó trầm trước những thiên tai và lâm tặc. Ông là Triệu Tài Cao, người vẫn sống giản dị, đạm bạc dù sở hữu cánh rừng trị giá hàng tỉ đồng.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Cao vẫn thường đi thăm rừng

“Bác Hồ phát động “Nhà nhà trồng cây”, tôi ở đây trồng cây lim, các loại gỗ quý sến táu, rồi thì các loại thuốc nam. Hàng năm tôi lấy măng, lấy tre bán, còn lim thì để lại”, ông Triệu Tài Cao vừa kể vừa dẫn chúng tôi vào rừng, bước chân chậm rãi nhưng chắc nịch. Năm nay ông 77 tuổi, đã sống cả đời ở đất Bằng Cả, Tân Dân, gắn bó với những cánh rừng thâm u, bạt ngàn từ thuở nhỏ.

Ngày trước, huyện Hoành Bồ là nơi “rừng thiêng nước độc”, có những vạt lim, gỗ quý nổi tiếng khắp nơi. Nhưng rồi bà con đốt rừng làm nương, trồng ngô, trồng sắn, rồi người người nhà nhà đổ về khai thác, kéo đi những súc gỗ cả mấy người ôm. Thấy rừng thưa dần, ông xót lắm, vừa quyết không để người ta chặt hạ cánh rừng sau nhà, vừa lọ mọ vào tận thung sâu, nhặt nhạnh những cây non lim, sến, táu, dẻ, đem về trồng quanh nhà.

Ngồi xuống cạnh cây lim gần 50 tuổi, thân cao vút vươn thẳng tắp lên trời xanh, tán cao trùm bóng mát rượi, ông kể, từ những năm 1968, ông chăm sóc những cây rừng này như con. Từng được bầu là Chủ nhiệm Hợp tác xã lâm nghiệp của xã nhiều năm liền.

Đến những năm 80, Nhà nước chủ trương giao đất cho dân bảo vệ, trồng rừng. Người ta thi nhau trồng keo để nhanh thu lời, còn ông vẫn giữ mảnh rừng, gần 30ha chia cho các con trồng thêm lim và cây dó bầu: “Giao rừng thì bà con người ta không muốn đâu, bảo giao đất giao trời có cây gì đâu. Nhưng mà tôi không nghĩ thế, có đất có trời là tốt rồi, tôi cứ nhận thôi, càng nhiều càng tốt. Người ta cũng đến chặt trộm cây trầm, đào củ kích. Gãy đổ cũng có, bão đổ cũng có, sét đánh cũng có nữa”.

Ông lão người Dao bên gốc lim gần 50 tuổi, đường kính hơn 60cm

Lấy ngắn nuôi dài, ông Cao tâm niệm trồng cây không chỉ ngày một ngày hai, phải vì lợi ích lâu năm mà làm. Người hỏi mua, ông không bán, người bảo gàn dở, ông mặc kệ. Thậm chí không thiếu kẻ nhòm ngó, dọa đốn chặt, ông lại cùng con cháu dựng hàng rào, đi tuần bảo vệ. Ông nhớ từng cây, vết u này là do bọn trẻ con nghịch ngợm bắn ná cao su, cây này thấp là vì bị sét đánh tước vỏ.

Đến giờ, ngọn đồi xưa đã ngút ngàn hàng trăm cây lim đường kính từ 30-60 cm, hàng nghìn cây dó bầu san sát. Nhiều cây dó bầu cho trầm hương, ông cũng để vậy, không khai thác ồ ạt bán lấy lời. Cứ theo giá thị trường, riêng rừng lim giờ nếu bán ông cũng thu về chừng 6 tỷ đồng: “Dân cứ bảo ông dại thế, trồng cây lâu năm làm gì. Tôi bảo, đời người ngắn ngủi ăn được bao nhiêu. Tôi ăn bao nhiêu thì tôi lấy của rừng bấy nhiêu thôi. Tôi làm theo lời Bác Hồ. Tôi đã xác định là trồng cho mai sau, cho con cháu thôi”.

Dẫn khách về căn nhà tựa lưng vào cánh rừng, ông Cao khoe 5 gian nhà đã gần 50 năm, mái ngói rêu phong cũ kỹ nhưng rợp trong bóng mát, ngày ngày đón tiếng chim lảnh lót từ rừng cây lùa vào. Ông bảo, chỉ ở đây mới có thể vài bước chân là lên thăm rừng, con mình, cháu mình cũng sẽ ở đây, sẽ giữ rừng giữ đất như những gì ông tâm huyết.

Liễu Chang