dd/mm/yyyy

Chuyện về "Vua trâu" miền sơn cước

Ông Phàng A Của, xã Xuân Nha (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đang sở hữu đàn trâu lớn nhất xã. Sau nhiều năm gây dựng, ông đã trở thành "Vua" nuôi trâu nơi miền sơn cước.

Buổi chiều miền sơn cước êm ả như ru. Từ những con đường mòn dẫn về bản, từng đàn trâu, đàn bò nối đuôi nhau về chuồng. Tiếng mõ trâu kêu lốc cốc đều đều như xua tan vẻ tĩnh mịch của rừng già. Khác với những gia đình trong bản, ông Của lại để trâu ở trong lũng, chứ không cho chúng về nhà. Cả đàn trâu mấy chục con của ông để trong núi mà ông vẫn cứ ung dung đi uống rượu mừng lúa mới rồi đi chơi Tết thỏa mái. Ông Của bảo, sự nhàn nhã đó cũng phải có bí quyết riêng, không dễ gì tạo dựng được. 

Tiền ở trong núi  

Ngôi nhà gỗ chắc chắn của gia đình ông Của nằm cuối bản. Nhà ông Của có ti vi, có xe máy đầy đủ. So với những gia đình khác trong bản, gia đình ông Của thuộc diện khá. Ông thích sắm gì cũng được, chỉ cần vào rừng dắt theo vài con trâu ra là ông Của có đống tiền. Gặp người khách lạ muốn thăm đàn trâu của mình, ông Của phải đắn đo mãi mới chịu dẫn đi. Không phải ông ngại đường xa, mà ông lo là nhiều khi vào lũng cũng không gặp được đàn trâu của mình. Chúng tôi phải thuyết phục mãi, ông Của mới đồng ý. Năm nay đã bước sang tuổi 60, nhưng nom ông Của còn rắn giỏi lắm. Minh chứng là ngày mưa ông vẫn cứ cuốc bộ 20 cây số đường rừng để lên kiểm tra đàn trâu của mình.

"Vua" nuôi trâu nơi miền cước  - Ảnh 1.

Ông Phàng A Của - "vua" nuôi trâu của bản Khò Hồng, xã Xuân Nha.

"Vua" nuôi trâu nơi miền cước  - Ảnh 2.

Nuôi trâu là một trong những hướng thoát nghèo cho bà con người Mông nơi đây.

Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn với con đường mòn xuyên qua tán rừng, chúng tôi mới đến được lũng Sáng Nhu. Cả một miền rừng rộng lớn giữa bốn bề mây núi. Nói là trang trại, chứ đất thả trâu của lão rộng cả nghìn ha. Lão Của đứng bên mỏm đá nhìn trời, nhìn đất rồi nhìn vết chân trâu in trên nền đất, lão tủm tỉm: "May cho anh nhé, đàn trâu ăn gần đây thôi, chứ chưa đi xa đâu". 

Ở bản ông Của chậm chạp, ít nói là vậy, nhưng khi đến lũng, ông Của lại vui tươi như người đi xa lâu ngày mới được trở lại quê hương. Ông Của để túi muối bên mỏm đá rồi dùng cái loa tay đưa lên miệng hú một hồi dài. Tiếng hú của ông già người Mông to và vang tới tận dãy núi Pha Luông rồi nó đập lại nghe thật vui tai.

Hú xong, ông Của dừng lại nhìn về phía rừng già như đón đợi một điều gì đó. Thời gian khi đó trôi như chậm hơn. Đợi một lúc chưa thấy động tĩnh gì, ông Của lại hú tiếp, tiếng hú lần này mạnh và vang xa hơn. Tôi như có cảm tưởng ông Của đang tăng thêm cường độ để gọi lũ trâu kéo về. Quả nhiên sự điều chỉnh của ông Của đã phát huy tác dụng, từ phía rừng xa các lùm cây bụi bỗng nhiên chuyển động. Tiếng động đó cứ nhằm thẳng chỗ ông Của đứng mà tiến về. Lát sau đàn trâu đã tề tựu về quây quần bên ông Của. Với túi muối dưới chân, ông Của cho chúng vào bàn tay, đám trâu tranh nhau niếm hết chỗ muối. Chúng quấn quýt lấy ông Của như không muốn rời. Khi tôi tiến đến gần, chúng bỗng nháo nhác chạy thục mạng vào rừng ẩn nấp. Hóa ra, chúng đã đánh hơi thấy mùi lạ nên chúng đề phòng và chạy mất dạng. Ông Của khi đó lại đưa cái loa tay lên miệng mà hú. Tiếng hú lần này không sâu và nặng âm lượng như lần trước mà nó dè dặt, dịu dàng như vỗ về đàn trâu. Chỉ đợi có thế, một số con trâu ló đầu ra cửa rừng như còn trông chừng điều gì đó.

Từ lúc đàn trâu trở về, ông Của vui ra mặt. Những nếp nhăn trên khuôn mặt ông bỗng giãn ra như vừa nhận ra một sự thay đổi trong đàn trâu này. "Lần này tôi có thêm 4 con ghé đấy. Bữa trước, tôi đếm mới chỉ có 42 con tất thảy, nay con số này đã lên 46 con. Có mấy con trâu cái vừa đẻ được khoảng nửa tháng. Thảo nào, chúng sợ người lạ. Hóa ra là vậy. Hóa ra là vậy", ông Của tự thưởng thức niềm vui mà đàn trâu mang lại. Ông Của còn bảo, ở đây tôi không phải làm chuồng trại cho chúng. Nắng, mưa, chúng đều ở trong rừng. Nuôi đám này nhàn lắm, chỉ vất vả khi gây dựng đàn thôi, chứ giờ mỗi tuần tôi chỉ cần lên lũng cho chúng ăn muối là chúng quen đường về.

Vượt khó  

Giờ đây đường nhựa đã vào đến bản Khò Hồng. Dãy núi đá cao ngất trời Pha Luông đã không thể ngăn nổi con đường thương mại thông thương với bên ngoài của bà con bản Khò Hồng. Tự nhiên đàn trâu của ông Của có giá cao gấp 2-3 lần so với trước đây. Mỗi khi nhớ lại những ngày gian nan đã trải qua, ông Của chưa hết ngậm ngùi. Bà con người Mông trước đây nghèo khổ lắm, cái đói, cái nghèo bủa vây. Bố mẹ ông lại sinh nhiều con vì thế cuộc sống của gia đình càng thêm phần gian khổ. "Bát cơm, củ sắn anh em tôi phải chia đều cho mấy người. Tôi nhớ nhất là nhà có chiếc áo mà bố tôi bán trâu mua được, 4 anh em tôi chia nhau mặc. Ai có việc gì ra thị trấn hay ra xã thì mới diện vào. Về nhà thay ra phải giặt ngay để cho nó mới", ông Của nhắc lại một thời đầy gian khó mà khuôn mặt đượm buồm.

Thời điểm này, khí lạnh đã tràn về cao nguyên. Ông Của ra hiên lấy thêm củi cho vào bếp sưởi cho bớt lạnh. Ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt vốn đầy khắc khổ của người đàn ông người Mông này. Ông Của kể tiếp, như bao trai bản khác, ông chỉ học biết được cái mặt chữ là ở nhà đi nương cùng bố mẹ. Ai cũng phải dậy từ lúc mặt trời ló rạng đến khi mặt trời khuất sau đỉnh núi xa mờ mới được về nhà. Cuộc sống vất vả đủ đường, bao mồ hôi đổ trên nương, trên rẫy mà gia đình vẫn nghèo, vẫn đói. Vì hoàn cảnh khó khăn quá nên con đường học hành của anh em ông đều đứt gánh giữa chừng. 

Anh Của tâm sự rằng: Bố tôi thương anh em chúng tôi lắm. Ông thường bảo rằng, bố không cho các con học hành được đến nơi đến chốn là cái lỗi của bố. Chiều chiều ông thường đứng nhìn núi rừng mà than, đất đai rộng mênh mông, sản vật nhiều vô kể mà người Mông mình vẫn nghèo quả là cái sự lạ. Bố tôi còn bảo rằng, nơi này có nhiều lũng, nếu thả được đàn trâu là nhàn nhã mà lại có tiền triệu trong tay.

Ngày ông Của lấy vợ, được bố mẹ cho ra ở riêng. Tài sản duy nhất là mà bố mẹ cho đôi vợ chồng trẻ là con 1 con ghé. Cũng như bao đời trước, vợ chồng ông Của lại lần hồi kiếm ăn bên mảnh nương, thửa ruộng. Nhớ lời bố dạy, ông Của đã kiên trì chăm bẵm con ghé, dần dần nó lớn thành con trâu. Mỗi mùa qua đi, con trâu cái này lại đẻ được 1 con ghé con. 

Không như những gia đình khác, nuôi ghé con được vài tháng rồi họ bán, ông Của giữ lại nuôi. Sau chục năm, đàn trâu của ông Của đã lên đến 12 con. Đàn trâu mỗi năm lại bổ sung thêm được 1-2 con. Có những lúc đàn trâu của ông Của lên đến 70 con. Khi đó, ông Của mới bán tỉa dần. Một con trâu dắt ra khỏi lũng là mua được 1 cái xe máy. 5 con trâu to bán đi là dựng được một ngôi nhà. Chẳng thế mà ông Của dựng vợ, gả chồng cho con hay dựng nhà mới nhẹ tựa lông hồng. 

Kế hoạch táo bạo

Suốt mấy chục năm chăm bẵm và tìm tòi cách chăm sóc đàn trâu, một điều ông Của nhận thấy rằng nuôi đám động vật "ăn cỏ uống nước lã" này là dễ kiếm tiền dễ hơn cả. Rừng Chiềng Xuân rộng mênh mông, có thể nói rộng nhất nhì cái tỉnh Sơn La này. Bản lại nằm cạnh khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, ông trời đã trao cơ hội làm giàu từ chăn nuôi cho bà con người Mông nơi đây. Chẳng thế mà bản Khò Hồng luôn là đơn vị có nhiều trâu, bò nhất huyện Vân Hồ.

 Từ cách làm của ông Của, các hộ gia đình cũng biết rào lũng để thả trâu, thả bò. Đến giờ toàn bản có trên 400 trâu bò, so với trồng ngô, trồng lúa, nuôi trâu bò cho lợi nhuận cao gấp hàng chục lần. Con trâu, con bò đang giúp bà con nơi đây xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giầu.

Con mắt nhìn xa trông rộng của ông Của đã và đang giúp bà con nơi đây tìm được con đường thoát nghèo nhanh nhất. Theo ông Của, hiện giờ lũng thả trâu, bò của tôi đã trở nên chật chội rồi. Muốn nhân rộng đàn cần phải mở rộng vùng chăn thả ra. Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha rộng cả mấy nghàn ha, nếu như bà con người Mông nơi đây mà đồng thuận cùng nhau làm rào, đoàn kết để chăn nuôi gắn với giữ và bảo vệ rừng, chắc chắn số lượng trâu, bò trong bản không dừng lại ở con số hơn 400 con như bây giờ. "Quan trọng là sự đồng thuận giữa bà con với nhau. Mỗi gia đình chỉ cần nuôi được 40-50 trâu bò, chắc chắn khi đó cái nghèo sẽ không còn đất sống ở nơi này. Giờ chỉ là cách làm của bà con thôi, chỉ khi nào bà con người Mông biết nắm tay nhau đoàn kết mới hy vọng "dự án" thả trâu trong khu bảo tồn thiên nhiên mới thành hiện thực", ông Của tự tin khẳng định.

Xuân Tuấn