Có ai đâu ngờ lại có ngày bán 1 trái mít bự giá 500 ngàn đồng

Thứ ba, ngày 05/03/2019 19:15 PM (GMT+7)
Một trái mít của ông Trần Văn Tiểu, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có giá trên 500.000 đồng. Đây là kết quả bất ngờ mà chính ông Tiểu cũng không ngờ tới đi từ quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông từ 4 năm trước.
Bình luận 0

Thời gian qua, huyện Tân Thạnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Mô hình trồng mít của ông Trần Văn Tiểu là điển hình.

Nhờ phù hợp thổ nhưỡng nên cây mít bén rễ nhanh, sau 14 tháng trồng, cây bắt đầu cho trái. Ông Tiểu cho biết, đây là giống mít siêu sớm cung cấp cho thị trường xuất khẩu nên luôn có giá cao, trung bình từ 30.000-50.000 đồng/kg, có lúc cao điểm lên đến 73.000 đồng/kg.

img

Những cây mít siêu sớm của ông Trần Văn Tiểu, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho trái rất bự, có trái bán được hơn 500.000 đồng. Ông Tiểu cho hay, hồi đầu trồng mít siêu sớm có ai đâu ngờ một ngày nào đó lại bán 1 trái mít với giá hơn 500.000 đồng.

Nhờ vậy, chỉ với 400 gốc mít siêu sớm trồng trên 3.000m2 đất nhưng mỗi năm, gia đình ông Tiểu có lợi nhuận từ 100-150 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của cây mít nên ông Tiểu tiếp tục đầu tư trồng thêm 1,5ha với gần 2.000 gốc.

Ông Trần Văn Tiểu chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng lúa nhưng giá lúa bấp bênh, chi phí đầu tư ngày càng cao, không có lãi nên chuyển sang trồng mít. Giá mít thấp nhất từ trước đến nay là 8.000 đồng/kg. Với giá này, tôi vẫn có lãi. Năm nay, gia đình tôi không còn trồng lúa mà đã chuyển sang trồng mít hoàn toàn”.

img

Với 400 gốc mít siêu sớm đã cho trái, mỗi năm, gia đình ông Trần Văn Tiểu có lợi nhuận từ 100-150 triệu đồng. Dự kiến khi 2.000 cây khác mới trồng nếu cho trái thì vườn mít của ông có lời hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không đi theo cây mít, nhiều nông dân xã Tân Thành chọn mô hình nuôi ếch để bắt đầu cho công cuộc chuyển đổi. Phía trên vèo nuôi ếch, còn bên dưới ao, người dân tận dụng thức ăn thừa để nuôi cá. Cứ thế, 1 năm 4 vụ ếch, 1 vụ cá mang về thu nhập ổn định từ 60-80 triệu đồng/1.000m2 mặt nước. Rõ ràng, trên cùng một diện tích, nếu độc canh cây lúa thì người dân không thể chạm tay tới mức lợi nhuận này.

Anh Võ Quốc Minh, ngụ xã Tân Thành, bộc bạch: “Một vụ lúa phải trên 3 tháng, còn nuôi ếch chỉ trên 2 tháng đã bắt đầu thu hoạch nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Những hộ dân có dưới 1ha đất, nếu trồng lúa thì đời sống rất khó khăn, nhưng nếu chuyển sang nuôi ếch thì kinh tế ổn định, khấm khá và sung túc hơn”.

Sau thời gian cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác, đến nay, huyện Tân Thạnh có trên 310ha trồng mít, chanh, thanh long,...; hơn 35ha nuôi ếch kết hợp nuôi cá, cho lợi nhuận ổn định.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On cho biết: “Nhìn chung, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện, người dân chuyển đổi đúng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Qua kết quả đánh giá của người dân và khảo sát của phòng thì hiệu quả gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường, hiện huyện có trên 1.000ha vườn tạp (tre, tràm, bạch đàn...Do đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo nông dân nên cải tạo vườn tạp trồng mít, tận dụng ao nuôi cá để tăng thu nhập. Hy vọng thời gian tới, nông dân Tân Thạnh sẽ có thêm nhiều mô hình chuyển đổi mới, tạo sự đột phá trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác./.

Lê Ngọc (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem