Cơ cấu lại nền kinh tế 2016 – 2020: Covid-19 đã nhấn chìm thành quả cắt giảm nợ xấu và bội chi ngân sách?

02/11/2020 10:29 GMT+7
Hai trong bảy mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD đến năm 2019 đã hoàn thành.

Hôm nay, ngày 2/11/2020, theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Ngày 08/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết số 24). Nghị quyết số 24 đề ra 22 mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ. Cụ thể:

Nhóm một, cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD);

Nhóm hai, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN), khu vực công;

Nhóm ba, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài;

Nhóm bốn, hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế;

Nhóm năm, hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

13 mục tiêu hoàn thành và 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành

Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 24 cho thấy, phần lớn các mục tiêu của Nghị quyết số 24 đều đã hoàn thành và có khả năng hoàn thành (13 mục tiêu hoàn thành và 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành), đạt khoảng 68,2% tổng số mục tiêu đề ra.

Đáng chú ý, có 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Thứ nhất, quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể lên đến 57-58% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 65% GDP.

Cơ cấu lại nền kinh tế 2016 – 2020: Covid-19 đã nhấn chìm thành quả nợ xấu và tỷ lệ bội chi ngân sách?  - Ảnh 1.

Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com tại ngày 2/11/2020

Thứ hai, quy mô nợ chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%.

Thứ ba, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm mạnh từ 44% năm 2015 xuống 41,6% năm 2016, và ước năm 2020 còn 34%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 40%.

Thứ tư, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 45,21%, vượt xa so với mục tiêu 30%-35% được đề ra trong Nghị quyết.

Thứ năm, dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,14% vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP. Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã nâng mục tiêu này lên đạt 45% GDP vào năm 2020.

Bảy mục tiêu không có khả năng hoàn thành

Tuy nhiên, có bảy mục tiêu có khả năng không hoàn thành, chiếm 31,8% tổng số mục tiêu đề ra, gồm mục tiêu: 1) Giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP; 2) Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4); 3) Đến năm 2020 tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt khoảng 25%; 4) Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xuống mức dưới 3%; 5) Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn; 6) Thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư; 7) Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.

Báo cáo Chính phủ cho biết, hai trong bảy mục tiêu có khả năng không thể hoàn thành là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước (mục tiêu số 1) và tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD (mục tiêu số 14) đến năm 2019 đã hoàn thành. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 làm cho sản xuất bị đình trệ, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm, dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng nợ xấu có thể gia tăng, thu ngân sách nhà nước có thể giảm trong khi chi ngân sách nhà nước tăng do phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn; từ đó dẫn đến 2 mục tiêu này rơi vào nhóm có khả năng không hoàn thành.

Cụ thể, đối với mục tiêu số 1, bội chi giảm về số tuyệt đối trong cả 03 năm 2017-2019, tổng số giảm so với dự toán là 66,3 nghìn tỷ đồng, năm 2019 là 3,4% GDP, dự toán năm 2020 là 3,44%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19 nên khả năng cuối năm 2020 có thể tăng lên mức 4,99% GDP.

Đối với mục tiêu số 14, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7/2020 tạm tính là 1,92%, tăng so với mức 1,63% cuối năm 2019 nhưng giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016, mức 1,99% cuối năm 2017, mức 1,91% cuối năm 2018. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD và các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. NHNN cho rằng mục tiêu này cần được tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn sau 2020.

Thanh Giang
Cùng chuyên mục