Có “chí” thì nên... đại gia

Thứ bảy, ngày 13/10/2012 07:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mỗi năm bán được tới 8 - 10 triệu con cá giống, Nguyễn Đức Chí bây giờ đã trở thành “đại gia” cá giống lớn nhất miền Bắc. Con đường lập nghiệp của ông khiến nhiều người phải nể phục.
Bình luận 0

Ông Chí (sinh năm 1959), giờ là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Đức Chí, thành lập năm 2005 có “trụ sở” ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ, Hải Dương). Công ty chuyên cung cấp cá giống, đặc biệt là cá giống ngoại nhập. Để có được cơ nghiệp ấy, ông đã từng lọ mọ đi xuất ngoại tìm giống cá, ăn dầm nằm dề ở các trại cá từ Nam chí Bắc để học nghề.

img
Ông Nguyễn Đức Chí vẫn thường xuyên đi kiểm tra ao nuôi, nhắc nhở công nhân chăm sóc cá đúng kỹ thuật.

Nuôi cá, đi xe Camry

Trang trại cá giống của ông Chí “tọa lạc” ngay sát tỉnh lộ, cách TP.Hải Dương chỉ khoảng 8km. Khi mới bước vào cơ ngơi của ông, lúc đầu chúng tôi cứ ngỡ chắc đây phải là nhà của một đại gia bất động sản nào đó: ngôi biệt khang trang, chiếc xe Toyota Camry 2.4 đen bóng đậu trước sân… Qua câu chuyện mà ông kể, chúng tôi mới biết, toàn bộ cơ ngơi mà ông có ngày hôm nay đều từ nuôi cá mà nên.

Ông kể: “Mình ham nuôi cá từ nhỏ. Ngày xưa, gia đình mình nghèo lắm. Năm 1994, tỉnh cho có chủ trương khuyến khích người dân nhận thầu các diện tích đất trũng để phát triển thủy sản, tôi đã hưởng ứng ngay”. Khu trang trại của ông khi đó toàn cỏ dại, ngập úng quanh năm, nên không ai dám nhận. Vốn thích nuôi cá, ông đã mạnh dạn nhận 5ha và từng bước cải tạo thành những vuông ao. Những năm đầu, ông Chí chỉ nuôi các loại cá truyền thống như: Trắm, chép, trôi, mè. Song nuôi những giống cá này có bất lợi là cá thường hay bị dịch bệnh, lợi nhuận không cao.

Nghĩ nếu cứ chăn nuôi theo hướng này mãi thì không ổn, ông đã tìm đến các chủ trang trại nuôi cá lớn ở Bắc Ninh, Hà Tây (cũ)… để học hỏi kinh nghiệm. Sau hơn 1 năm đi “tầm sư” ở nhiều trại cá khu vực miền Bắc, vẫn chưa thỏa mãn, ông lại “lộn” vào TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận để xem họ nuôi cá như thế nào. Nhớ lại những ngày đó, ông Chí nói: “Giống cá ở miền Nam rất tốt, nhưng khi vận chuyển bằng máy bay ra Bắc thì nuôi lại không đạt, nên tôi không lấy giống trong Nam nữa. Đọc báo, xem ti vi tôi thấy ở Đài Loan, Phillippines… họ chăn nuôi thủy sản rất mạnh, thế là tôi bay sang đó luôn để tìm hiểu”.

Hành trình đi tìm loài cá Sô Đan

Năm 1999, ông Chí sang Đài Loan với hy vọng tìm được nơi cung cấp giống cá rô phi Sô Đan (khi đó đang cho năng suất rất cao). Nhưng ở nơi đất khách quê người, không thuộc đường, không biết tiếng, để tìm được cơ sở sản xuất giống như ông mong đợi không phải dễ. “Tôi phải thuê một ô tô, một lái xe, một người phiên dịch đi ròng rã 3 ngày trời, mỗi ngày đi tới 500km nhưng vẫn không tìm thấy nơi bán cá rô phi Sô Đan. Trong lúc uống cà phê, tôi chợt nghĩ sao không vào mạng để tìm địa chỉ. Tôi thuê một người vào mạng tìm giúp, có địa chỉ là tôi phóng xe đến trang trại ấy để mua giống”.

Lúc đầu, khi mới sang Đài Loan, ông chỉ có ý định tìm con giống tốt về để nuôi thành cá thịt. Nhưng khi được thăm quan thực tế trang trại ở đây, ông đã nảy sinh ra ý tưởng nhập hoặc nhân nuôi giống cá này để bán. “Họ đồng ý cho tôi ngủ lại trang trại, nhưng 3 ngày đầu chỉ được đi lại trong nhà và… uống rượu. Có lẽ khi thấy đủ độ tin tưởng và thấy tôi thực sự nhiệt huyết với nghề cá, sang ngày thứ tư họ mới bắt đầu cho tôi đi thăm trang trại và được xem những công đoạn họ nuôi, ương con giống. Sau 11 ngày phiêu lưu trên đất Đài Loan, cuối cùng tôi cũng ký được hợp đồng cung cấp giống cá Sô Đan với đối tác” – ông Chí kể lại.

Mỗi năm thu hàng chục tỷ đồng từ cá

Có đầu mối cung cấp giống, cộng thêm chút lưng vốn kỹ thuật, ông Chí đã về cải tạo lại ao để ương cá giống. Với 5ha, ông chia thành 2 ao, một bên là ao ương cá giống, còn lại là ao nuôi cá thịt. Dù đã làm được con giống và là giống ngoại, nhưng người chăn nuôi chưa quen, nên những ngày đầu ông gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra. Để người dân tin, ông chấp nhận đến các hộ để làm mô hình trình diễn.

“Nghiên cứu, sản xuất cá giống nước ngoài họ đã đi trước mình quá xa. Tương lai, tôi cũng muốn chủ động nguồn cá giống trong nước, nhưng đó sẽ là một tương lai xa khi công nghệ nông nghiệp chúng ta phát triển”.

Theo đó, ông hỗ trợ người dân về con giống, kỹ thuật, hướng dẫn cách xây dựng ao và bao tiêu đầu ra. Có chỗ dựa, người dân yên tâm sản xuất và các mô hình trình diễn của ông lần lượt thành công. Cứ như thế, cho đến nay ông Chí đã có khoảng 30 cơ sở vệ tinh trên khắp cả nước. “Con cá rô phi Sô Đan lớn rất nhanh, khỏe, chống chịu bệnh, rét rất tốt và nó đã chiếm lĩnh thị trường trong khoảng 7 năm qua” – ông Chí nhận xét.

Khi nhận thấy con Sô Đan dần không còn phù hợp, ông Chí tiếp tục sang Phillipines để tìm kiếm giống cá mới. Và ông đã may mắn tìn được giống cá rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp. Đây là giống cá có tỷ lệ đực cao, kích thước, trọng lượng lớn, đầu nhỏ, tỷ lệ thịt nhiều, thơm, giá trị kinh tế cao. Trọng lượng đạt khoảng 0,8 – 1kg/con, tăng trưởng trung bình đạt 125 – 142g/con/tháng, gấp 1,6 lần so với cá rô phi đơn tính khác, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha. Rô phi Đường Nghiệp rất dễ nuôi, phù hợp với nhiều mô hình, có thể nuôi ở ao, sông, rạch. Ưu điểm nổi trội là nó có khả năng thích ứng với mùa đông ở miền Bắc.

Hiện ông Chí có 10 ao nuôi cá, trong đó có 2 ao nuôi cá thịt. Trung bình mỗi năm ông cung cấp cho thị trường khoảng 8-10 triệu con cá giống các loại như: Sô Đan, Đường Nghiệp, chép 3 máu… “Trung bình doanh thu của công ty khoảng 30 – 35 tỷ đồng/năm, mỗi năm tăng tăng khoảng 10 tỷ đồng” – ông Chí cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem