Có vốn trồng mít Thái, chị em phụ nữ rủ nhau cùng làm giàu
Có điểm tựa từ tín dụng chính sách xã hội, chị em phụ nữ mạnh dạn làm giàu
Yên Hưng
Thứ tư, ngày 09/03/2022 17:00 PM (GMT+7)
Có điểm tựa từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều chị em phụ nữ đã mạnh dạn thay đổi tư duy nuôi trồng, triển khai những mô hình kinh tế sáng tạo hướng tới những sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng cao.
Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã chỉ ra bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo. Chính vì vậy việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một công cụ trực diện giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, đồng thời phát huy sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế "có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, tích cực lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc".
Đây là quan điểm và đích đến mà Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Hội LHPNVN) hướng đến thông qua việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua.
Về Lai Châu, câu chuyện những người phụ nữ đồng bào DTTS "xắn tay" cùng chồng lo toan phát triển kinh tế gia đình không phải là hiếm. Như gia đình chị Lã Thị Nhung ở bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, trước đây, mặc dù hai vợ chồng chịu thương chịu khó lao động nhưng thu nhập hàng năm vẫn không đủ trang trải, cuộc sống rất khó khăn.
Năm 2018, với việc mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chị đã nghe theo lời tư vấn của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và Hội Phụ nữ xã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư một quán tạp hóa phục vụ bà con trong bản với số tiền vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Cùng với những kinh nghiệm và tích lũy buôn bán, chị đã mở rộng, đa dạng hóa hàng, thu nhập gia đình cũng theo đó khấm khá dần đạt bình quân 100 triệu đồng/năm.
Có điểm tựa từ nguồn vốn chính sách, nhiều chị em đồng bào các DTTS ở Lai Châu đã mạnh dạn thay đổi tư duy nuôi trồng, triển khai những mô hình kinh tế sáng tạo hướng tới những sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng cao.
Như ở xã Mường Cang, huyện Than Uyên, chị Lò Thị Thực cùng với 3 hộ khác đang triển khai mô hình trồng rau muống hữu cơ trên diện tích 70m².
"Để rau phát triển tốt, đem lại thu nhập chúng tôi xác định phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Vì vậy, đã lựa chọn sử dụng phân hữu cơ bằng cách ủ các loại phân chuồng và phân bón hữu cơ. Nhờ đó, rau phát triển tốt, được người dân ưa chuộng và đặt hàng nhiều", chị Thực cho biết. Trung bình 20 ngày các hộ gia đình thu hoạch một lần. Năm 2021, từ mô hình trồng rau hữu cơ, đã thu về số tiền gần 60 triệu đồng. Thời gian tới, chị Thực cùng các hộ tiếp tục trồng thêm những giống rau khác để đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.
Hay như gia đình chị Nùng Thị Phương ở bản Cang Mường tận dụng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả làm chuồng trại chăn nuôi và trồng khoảng 20ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc, chị Phương đã đầu tư nuôi 15 con trâu, 5 con bò và 3 con dê. Mỗi năm chị Phương lãi từ 100 - 200 triệu đồng. Đến nay, gia đình chị là một trong những hộ khá giả của bản.
Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh Lai Châu, hiện nay, Hội đang quản lý gần 400 Tổ tiết kiệm và vay vốn cho 12.590 hộ vốn với tổng dư nợ tại chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lai Châu đạt gần 700 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã và đang phát huy trong phong trào
"Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững", giai đoạn 2016 - 2020, đã giúp hơn 500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh gần 4,78%/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ được nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Không chỉ riêng Lai Châu, nguồn vốn chính sách thông qua các cấp Hội Phụ nữ cũng đang thấm đẫm vào đời sống từ thành thị đến những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo dần ăn mòn những phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục trong đời sống vốn làm cho phụ nữ trở thành nhóm xã hội cực khổ nhất, đưa họ từng bước vươn lên trở thành một trong những chủ nhân trụ cột của gia đình và xã hội.
Từ thực tế và sự thấu hiểu ý nghĩa dòng vốn tín dụng là một trong những trụ cột giúp phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế, hàng năm, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đều sớm xây dựng kế hoạch về thực hiện hoạt động ủy thác, tín chấp các ngân hàng và các hoạt động khác. Đồng thời, giao trách nhiệm trực tiếp cho Chủ tịch Hội LHPN các tỉnh, thành tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng tín dụng tại mỗi địa phương.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội do Hội quản lý ngày một nâng cao. Hàng năm, 100% Hội Phụ nữ các cấp đều xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về quy trình bình xét, quản lý nguồn vốn; hướng dẫn các thủ tục, quy định mới trong hoạt động ủy thác, các kỹ năng. Chỉ riêng năm 2021 đã tổ chức trên 2.400 lớp tập huấn cho trên 75.000 cán bộ Hội và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ngân hàng CSXH cũng luôn chủ động cùng với Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin nhằm đánh giá, giám sát việc thực hiện các quy định về hoạt động tín dụng cũng như các chương trình tín dụng, chính sách tín dụng, nhu cầu vay vốn của khách hàng,... để đưa ra các chỉ đạo, kiến nghị, đề xuất kịp thời; tuyên truyền, triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống, SXKD.
Kết quả của sự nỗ lực này rõ trong bức tranh hoạt động của Hội. Tính đến 31.12.2021, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN đứng đầu trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đạt 93.991 tỷ đồng, chiếm 38,41% tổng dư nợ ủy thác. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, nợ quá hạn cũng thấp nhất, chỉ chiếm tỷ lệ 0,19%, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,36% tổng dư nợ nhận ủy thác.
Năm 2022, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả ủy thác cho vay tín dụng chính sách, giữ vững vị thế dẫn đầu trong công tác ủy thác cho vay tín dụng chính sách xã hội, góp phần cùng Ngân hàng CSXH thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao. Hội LHPN cũng sẽ tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp để tăng cường củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Trong đó, tập trung tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình SXKD điển hình,... để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.