Mê karatedo nhưng lại “gặt vàng” đua thuyền
Trò chuyện với Phương ngay khi cô vừa về từ Singapore, giọng nói của Phương khản đặc rất khó nghe. Cô gái trẻ cười nói:
“Em hò hét ở bên Singapore nhiều quá, giờ về sắp không nói thành tiếng được nữa rồi”. Phương bảo, nhà thuần làm nông, giờ vẫn nguyên 2 sào ruộng nhưng chính việc đến với thể thao là một ngã rẽ cô không ngờ tới…
Vào năm 2012, Phương mới 13 tuổi còn đang học ở trường thuộc huyện nhà thì các thầy của trung tâm TDTT Vĩnh Phúc vô tình thấy được vóc dáng cô bé phù hợp với chèo thuyền (cao trên 1m65) nên đánh tiếng mời đi tập thể thao.
“Nếu không đi đua thuyền, em thích karatedo cơ. Đấy là môn thể thao em thích. Nhưng bố em bảo, con gái không võ vẽ gì cả, đua thuyền là phù hợp và em nghe theo lời gia đình”, Phương hồ hởi kể lại.
Cô gái 16 tuổi Trương Thị Phương giành HCV duy nhất cho đội canoeing Việt Nam tại SEA Games 2015. Ảnh: tuổi trẻ.
Vậy đó, bước ngoặt đến với cuộc đời một cô bé 13 tuổi là hai chữ “thể thao”. Thêm một bước ngoặt nữa đấy là môn chèo thuyền chứ không phải võ karatedo như sở thích ban đầu của mình. Ngày đầu lên trung tâm TDTT tập cũng khá vất vả với Phương. Như nhiều VĐV nhỏ tuổi khác, ở tuổi mới lớn lại phải xa gia đình (dù nhà cách trung tâm khoảng 30km) và ăn ở tập trung nên Phương không tránh khỏi những đêm mất ngủ, thổn thức khóc vì nhớ nhà. Có lúc em còn tính tới chuyện nghỉ tập về làm ruộng cùng bố mẹ vui hơn.
Nhưng thời gian qua đi, Phương ngày càng trưởng thành, yêu nghề và suy nghĩ chín chắn hơn: “Giờ em vẫn chưa mang được tiền về phụ giúp bố mẹ. Nhưng theo nghiệp thể thao, gia đình cũng đỡ được 1 miệng ăn, đỡ được chi phí gia đình là quá quý rồi”, Phương thật thà bộc bạch.
Đến giờ, trong tay vỏn vẹn mới chỉ có 1 năm kinh nghiệm ở đội tuyển quốc gia (Phương được triệu tập lên đội tuyển từ tháng 6.2014) nhưng cô đã là nhà vô địch SEA Games. Quan trọng hơn, cả xóm nơi gia đình Phương sinh sống, cô là nhà vô địch trong lòng họ. Tất cả đều đến chia vui với gia đình Phương khi xem ti vi thấy cô cười tít mắt nhận HCV.
Nhà vô địch cũng chỉ cấy được vài thước
Hỏi đùa vui Phương rằng, đã đi chèo thuyền rồi giờ nhà có việc bảo về cấy lúa phụ bố mẹ liệu có bỡ ngỡ không? Cô trần tình
“sao mà bỡ ngỡ được, đấy là công việc cuộc sống của gia đình em mà.”
Thế nhưng, tay chèo từng khiến các đối thủ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore… phải ngỡ ngàng và thua cuộc kia nếu bước ra ruộng chỉ dám khiêm tốn cấy lúa được vài thước.
“Nhà em có 2 sào, bố mẹ cấy là chính. Em từ nhỏ không phải nhân lực chủ đạo. Biết cấy nhưng chắc đi xuống ruộng em chỉ cấy được vài thước là chịu thua rồi”, cô cho biết.
Tất nhiên, nói vui là vậy. Bởi vào lúc này, cô gái trẻ đã là báu vật của thể thao Vĩnh Phúc và đội canoeing Việt Nam nên chẳng ai để cho Phương phải xuống ruộng làm mà yêu cầu cao nhất phải chèo hết tốc lực khi thi đấu. Ngày về với gia đình, nhà vô địch SEA Games bảo đã khóc trong sung sướng. Chuyến bay đưa đội canoeing về Việt Nam dừng tại sân bay Nội Bài lúc tối nên cô nhanh chóng bắt xe về nhà và ở đó cả gia đình đã chờ sẵn ăn mừng. Phương chia sẻ:
“về tới nhà rồi cảm giác vẫn không khác, thân thuộc lắm. Nói vô địch thế thôi chứ em vẫn chỉ là đứa con trong gia đình nên đừng nghĩ giết trâu khao làng”.
Một chi tiết Phương chia sẻ đó là cô định không nói cho gia đình biết sẽ đi SEA Games thi đấu mà chỉ nói rằng mình dự một giải quốc tế rồi có thành tích thì mới bảo. Đáng tiếc, kế hoạch bất thành do có đồng đội trong đội thuyền Vĩnh Phúc trước ngày lên đường đã thông báo với bố mẹ Phương. Ngoài tấm HCV SEA Games 28, trước đó ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Phương giành được 5 HCV (3 cá nhân, 2 đồng đội).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.