Cô gái Ca Dong thu mua, lập kho dược liệu quý từ núi rừng

Thứ tư, ngày 22/08/2018 06:39 AM (GMT+7)
Hồ Thị Mười lặn lội vào từng nóc để thu mua dược liệu, thảo mộc từ rừng mà bà con người Ca Dong, Xê Đăng, Bh´noong mang về. Chị làm một cái kho rồi mày mò chế biến thô. Cứ vậy, gần 5 năm nay, cơ sở Mười Cường (xã Trà Mai, Nam Trà My) của chị dần trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều người tìm mua những loại dược liệu quý từ núi rừng Trà My.
Bình luận 0

img

Chị Hồ Thị Mười và các sản phẩm do mình sản xuất. Ảnh: LÊ QUÂN

Nâng giá trị thảo mộc

Từ nhiều năm trước, chị Hồ Thị Mười đã tìm hiểu giá trị của các loại thảo mộc, dược liệu ở rừng của chính đồng bào mình. Bởi lẽ, chị vốn có nền tảng kiến thức về nông lâm nghiệp, khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế. Sinh năm 1983, sau khi ra trường, cô gái người Ca Dong này trở về quê hương, làm cán bộ khuyến nông của huyện. Sau nhiều năm theo dõi và xây dựng các chương trình liên quan đến nông lâm nghiệp, Mười chia sẻ, chị nhìn thấy những loại dược liệu quý được bà con đi rừng mang về, nhưng lại không tìm được thị trường. “Có những củ sâm quý nhưng ngày đó bà con không đánh giá đúng giá trị. Hay các loại nấm, lúa rẫy, giảo cổ lam chẳng hạn” – chị Mười nói. Trước khi hình thành cơ sở sản xuất lấy tên Mười Cường, người phụ nữ Ca Dong này đã tự nguyện trở thành một kênh kết nối giữa đồng bào với thị trường miền xuôi, thông qua việc bán lẻ cho các đoàn công tác đến Nam Trà My.

Cùng lúc với sự tín nhiệm từ khách hàng, cũng như các đề án phát triển dược liệu từ chính quyền Nam Trà My, Hồ Thị Mười mạnh dạn thử nghiệm mô hình kinh doanh sản xuất ngay trên quê hương mình. Cơ sở sản xuất Mười Cường vận hành theo mô hình hộ gia đình, ra đời đầu tiên ở Nam Trà My. Chị Mười mong muốn cơ sở sản xuất của mình trở thành một cái kho để cất những loại dược liệu, thảo mộc quý từ rừng mà bà con kiếm được. “Có rất nhiều loại củ quả quý bà con đi rừng kiếm được, nhưng lại không bán được do chưa tìm được thị trường. Hay cũng có khi bị thương lái dưới xuôi lên ép giá, bà con thấy rẻ quá thì không bán. Không bán thì treo lên gác bếp, hoặc đem ngâm rượu, nhưng lại không đúng cách. Lâu ngày, các loại này bị mất giá trị. Mình muốn làm một cái kho đầy đủ quy chuẩn để mua sản phẩm của bà con với mức giá bình ổn, đúng với công sức bà con bỏ ra” - Hồ Thị Mười nói.Từ “kho” dược liệu này, nhiều loại sản phẩm ra đời như chè dây, rượu lúa rẫy, giảo cổ lam khô, chuối hột khô… Có những loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, Hồ Thị Mười bảo quản và kinh doanh theo kiểu nguyên liệu tươi, tùy theo yêu cầu khách hàng mà chế biến thành sản phẩm. Khi được hỏi ý tưởng về “kho dược liệu” của đồng bào, ngoài câu chuyện bảo quản, còn có thêm mục tiêu nào khác, Hồ Thị Mười cho biết: “Tôi thành lập cơ sở kinh doanh vì muốn mang đặc sản của đồng bào đi xa hơn nữa, giới thiệu cho người dân cả nước biết về giá trị của dược liệu Nam Trà My. Bên cạnh đó, khi đau ốm, bà con mình có dược liệu để dùng và thấy rõ hiệu quả. Tôi cũng mong hiệu quả này đến được với nhiều gia đình hơn, với mức giá rõ ràng, ổn định”.

Nỗ lực quảng bá

Hiện tại, các loại sản phẩm được chế biến từ dược liệu của “Mười Cường” được lựa chọn để tham gia đề án OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) của tỉnh. Việc tham gia OCOP sẽ giúp câu chuyện về bao bì, nhãn mác cũng như quảng bá, thị trường của sản phẩm sẽ đi thêm những bước dài nữa. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại cho một mô hình kinh doanh sản phẩm địa phương như Hồ Thị Mười đang vận hành gặp phải là khá lớn. “Hiện nay, ở Nam Trà My cũng như nhiều địa phương khác có rất nhiều cơ sở kinh doanh dược liệu, nhưng giá thành thu mua của họ cho sản phẩm của đồng bào lại quá thấp, thậm chí ép giá bà con để bán thành phẩm ra thị trường với giá thấp hơn. Việc cạnh tranh không lành mạnh như vậy khiến nhiều sản phẩm của mình bị khách hàng so bì về giá cả” - chị Mười chia sẻ.

Không một hội chợ thương mại nào từ Bắc chí Nam thiếu gian hàng của cơ sở Mười Cường. Một mình lặn lội từ lúc chưa hình thành cơ sở với tên tuổi kinh doanh, giấy phép rõ ràng, cho đến khi vận hành được một cơ sở với nhân công thời điểm cao nhất là 10 người, Hồ Thị Mười vẫn không ngừng nghỉ… “đi tiếp thị”. Bây giờ, các mặt hàng của “Mười Cường” đã tiến sâu và được lựa chọn phân phối ở chuỗi siêu thị của Mường Thanh, các đại lý dược liệu tại Thăng Bình và Đà Nẵng. “Theo phản hồi từ bộ phận kinh doanh của Mường Thanh, sản phẩm của Mười Cường có doanh số bán ra khá tốt. Trong khi đó, cơ sở của mình có nhiều thời điểm chưa thể chủ động nguồn cung cho các đại lý vì thiếu nguồn dược liệu” - chị Mười nói.

Năm 2017, Hồ Thị Mười là đại diện của Việt Nam tham dự Hội chợ quảng bá sản phẩm ASEAN tại Singapore và được chọn để thuyết trình về các loại dược liệu, sản phẩm thảo mộc chị đang sản xuất. Nhờ xuất thân là cán bộ khuyến nông nên người phụ nữ Ca Dong này sản xuất kinh doanh có mặt thuận lợi. Tuy vậy, thừa nhận các kiến thức về kinh doanh cũng như việc thực hiện gắn nhãn, làm bao bì thương hiệu vẫn còn ở mức sơ khai, Hồ Thị Mười cho biết, vẫn đang tiếp tục vừa sản xuất vừa tự hoàn thiện. Cùng với việc trở thành địa chỉ thu mua dược liệu tin tưởng của bà con ở Nam Trà My, chị Mười còn là người đầu tiên ở đây chế biến dược liệu thành phẩm. Và chị cũng là người Ca Dong đầu tiên tự mình đi khắp các nơi tiếp thị về sản phẩm đặc trưng của núi rừng.

Chia sẻ về doanh thu, Hồ Thị Mười nói, đến thời điểm hiện tại, điều chị làm được không phải lợi nhuận hằng tháng bao nhiêu, mà mỗi năm, cơ sở của chị lại sắm thêm được một vài thiết bị, máy móc mới, khu vườn dược liệu của chị lại mở rộng thêm một ít. “Đó là điều tôi nghĩ thành công. Vì mình đi lên từ hai bàn tay trắng. Cứ có doanh thu từ sản phẩm này thì phải đập qua để mua sản phẩm mới. Nhưng vui nhất là đồng bào mình có thu nhập ổn định, từ việc bán sản phẩm hay làm nhân công cho cơ sở” - chị Mười nói.

Lê Quân (Báo Quảng Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem