Cô gái mồ côi sau TNGT và ước mơ làm cô giáo

Thứ sáu, ngày 20/11/2015 10:00 AM (GMT+7)
Vụ TNGT định mệnh đúng ngày mùng một Tết khiến cô bé Lan khi đó mới học lớp 3 vĩnh viễn mất mẹ...
Bình luận 0

Vụ TNGT định mệnh đúng ngày mùng một Tết khiến cô bé Lan khi đó mới học lớp 3 vĩnh viễn mất mẹ, bố bị ảnh hưởng sức khỏe rồi cũng qua đời sau vài năm. Bản thân Lan sau tai nạn bị liệt nửa người bên trái, nay đã phục hồi nhưng vẫn chưa thể như người bình thường. Phận mồ côi bơ vơ ở tuổi cắp sách đến trường, nhưng Lan vẫn luôn tin ở tương lai tươi sáng.

Ngã rẽ số mệnh

Trước khi có vụ TNGT định mệnh ấy, gia đình em Nguyễn Thị Lan (SN 1997, ở thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) có một cuộc sống êm đềm được nhiều người mơ ước. Mẹ Lan đi xuất khẩu lao động, bố em ở nhà chăm chỉ làm ăn, gia cảnh khá giả.

Tết Ất Mùi năm 2005, gia đình Lan ăn Tết ở quê nhà. Sáng mùng một Tết, bố chở hai mẹ con về nhà ngoại chúc Tết thì TNGT ập đến. Chiếc xe do bố Lan điều khiển đâm thẳng vào cột điện”. Mẹ Lan bị văng ra ngoài, tử vong tại chỗ. Lan bị thương nặng ở đầu, nằm hôn mê suốt 8 ngày. Sau nhiều tháng điều trị, Lan thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, nhưng bị liệt nửa người bên trái. Bố Lan cũng bị chấn thương, vết khâu ở khắp đầu, chân tay. Vợ mất, ông vừa lo kiếm tiền nuôi dưỡng, điều trị cho Lan, vừa chăm sóc em những việc nhỏ nhất như đi vệ sinh, tắm rửa, đến trường... “Bố đưa em đi khắp nơi điều trị, từ Tây y đến Đông y, từ châm cứu, bấm huyệt đến phục hồi chức năng... Cứ hết giờ làm là bố chỉ quanh quẩn bóp chân tay cho em, dìu em ngồi dậy, rồi dìu em tập đi. Nhờ đó, khoảng hơn 1 năm sau vụ tai nạn, em đã có thể tự đi lại, dù còn rất dễ ngã”, Lan cho biết.

Suy sụp và day dứt vì trót uống rượu vẫn điều khiển xe, gây nên tai nạn làm vợ tử vong, con tàn tật, lại thêm vất vả chăm sóc con bị liệt, sức khỏe của bố Lan ngày càng suy yếu. 6 năm sau ngày vợ mất, ông đổ bệnh và ra đi. Khi đó, Lan mới học lớp 9.

img

Cô gái mồ côi Nguyễn Thị Lan hàng ngày đi bán quần áo nhưng không nguôi ước mơ làm cô giáo

“Lúc ấy, bố ốm nằm trên giường vẫn theo thói quen nắn bóp cánh tay cho em, còn em ngồi nắn bóp đôi chân cho bố. Vậy mà bố không dặn dò gì em cả, cứ thế ra đi, để lại em một mình”, Lan nghẹn ngào khóc.

Bươn chải giữa dòng đời

Dường như biết mình đổ bệnh, không còn có thể ở bên chăm sóc cho đứa con tàn tật của mình, trước khi mất 4-5 tháng, bố Lan tự dưng tập cho con đi xe đạp, tập cho con làm việc nhà. Nhờ thế, sau khi bố mất, được người bác đón về nuôi, Lan chăm chỉ cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… dù cơ thể thường xuyên đau nhức, một cánh tay bên trái teo nhỏ, hầu như không làm được việc và i chân trái teo nhỏ, tập tễnh.

Ở nhà bác được khoảng 4 tháng, một hôm trên đường đi học về, Lan bị một chiếc xe máy đâm vào, khiến em ngã xuống đường, toàn thân đau đớn. Cố gắng đạp xe về nhà, em giấu bác lên giường nghỉ.

“Cháu Lan có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ 15 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, tự lập kiếm sống, nhưng vẫn học giỏi. Trước đây, cháu Lan được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ là 270 nghìn đồng/tháng, nhưng mức trợ cấp này chỉ dành cho người 16-22 tuổi nếu đang đi học, do đó, khi cháu Lan kết thúc chương trình THPT mà chưa theo học một trường khác thì bị ngừng trợ cấp”.

Ông Phạm Đức ThuậnChủ tịch UBND thị trấn An Bàihuyện Quỳnh Phụ, Thái Bình

“Chắc nghĩ em lười nhác, bác gọi ra mắng, có ý đuổi. Tủi thân, em ra mộ bố mẹ khóc đến khuya. Sáng hôm sau, em xin phép bác trở về nhà mình. Lúc đó, em vừa bước vào năm lớp 10”, Lan cho hay.

Thế là chỉ hơn 15 tuổi, Lan đã tự tính toán để lo cho cuộc sống. Từ 270 nghìn đồng trợ cấp hàng tháng, mỗi ngày em chỉ mua một miếng đậu phụ hoặc một quả trứng, chia ra làm hai bữa; gạo thì đã có ruộng nhà cho người ta mướn, trả bằng thóc; rau thì em tự trồng trong vườn nhà. “Em học lớp chọn Toán - Lý - Hóa của trường, được miễn toàn bộ học phí, lại được thưởng nhiều, nên từ khi bố mất đến nay, em đã để dành được 10 triệu đồng. Số tiền này, em để chuẩn bị sang cát cho mẹ vào cuối năm nay, vì mẹ em mất đã 10 năm rồi”, Lan khoe.

Tốt nghiệp THPT mùa hè vừa rồi, Lan có dự thi đại học nhưng còn thiếu điểm. Để vừa ôn thi cho kỳ thi năm tới, vừa kiếm tiền trang trải sinh hoạt, học tập, Lan đã lên Hà Nội tìm việc. Theo Lan kể, em đã đi xin việc nhiều nơi, nhưng đều bị chê tật nguyền nên không nhận. Đến cửa hàng Ninomax trên Vincom Bà Triệu rộng 500 m2 này, do đúng lúc cửa hàng thiếu người, em được nhận.

“Cửa hàng quá rộng mà chỉ có ba người bán, công việc vất vả từ sớm đến tối mịt, nên ai cũng bán được vài ngày đến vài tuần là bỏ. Khi em đến, bà chủ thiếu người làm đã nhận em thử việc. Thấy em chân tay tật nguyền nhưng đứng, chạy quần quật cả ngày, lại biết mời chào khách, doanh thu bán hàng của em luôn cao nhất, bà chủ đã nhận em”, Lan vui vẻ nói.

Lan cho biết, mỗi tháng bán hàng, em được trả lương 3 triệu thì tiền trọ đã mất 600 nghìn đồng, tiền xe buýt đi làm, tiền ăn, điện nước... “Nhưng mỗi tháng em phải để dành được 1,5 triệu đồng để sang cát cho mẹ xong còn sửa nhà để có chỗ thờ cúng cha mẹ đàng hoàng, nhà em ở quê mới bị trộm vào phá tan hoang hết rồi. Rồi còn sang cát cho bố nữa”, Lan lập kế hoạch.

Nhìn cô bé mảnh khảnh, tật nguyền lên kế hoạch tự lo cho cuộc đời mình và lo cho cả người đã khuất, ai cũng thấy nhói lòng. Nhưng Lan vẫn nở nụ cười bừng sáng trên gương mặt xinh xắn, tự tin rằng em sẽ kiếm đủ tiền chữa tay hết tật nguyền, sẽ thi đỗ đại học, trở thành một cô giáo để dạy cho các em học sinh khuyết tật, mồ côi, thiệt thòi như em.

Hải Quỳnh (Báo Giao thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem