Ở Trung Quốc, áp lực kết hôn đối với các phụ nữ đến tuổi cập kê là rất lớn. Vậy một người phụ nữ đồng tính sẽ làm gì, phải "chiến đấu" ra sao với những lời thúc giục từ ngày nọ sang ngày kia từ gia đình?
Ou Xiaobai, 32 tuổi, ở Bắc Kinh, đã chia sẻ với BBC về việc cô đã làm thế nào để vừa vui lòng gia đình vừa bảo vệ tình yêu đích thực của mình.
Ou kể cô đã kết hôn với một người đàn ông năm 2012. Khi đó, cô đang có cuộc sống hạnh phúc với bạn gái ở Bắc Kinh, nhưng gia đình cô ở quê nhà Đại Liên không ngừng thúc ép cô kết hôn.
Tình hình trở nên tồi tệ khi cha qua đời, mẹ cô bắt đầu chuyển lên Bắc Kinh sống cùng cô vài tháng mỗi năm. Không biết phải làm sao, cô đã nhờ bạn bè giúp đỡ và được tư vấn nên kết hôn giả.
Ou (đội mũ) đã kết hôn giả để bảo vệ tình yêu của mình với bạn gái. Ảnh: BBC.
Cô gặp chồng mình qua một người bạn, đó là một người đàn ông rất điển trai, tốt bụng, và điều đặc biệt, anh cũng là một người đồng tính. Anh cũng có tình yêu của riêng mình, và cũng cần một cuộc hôn nhân thế này để cha mẹ an lòng.
Đám cưới của họ được tổ chức không lâu sau đó, rộn ràng, vui vẻ như những đám cưới bình thường khác. Bạn gái của Ou cũng có mặt trong hôn lễ với tư cách là phù dâu, trang điểm cho cô. Mẹ Ou dĩ nhiên rất hài lòng về chàng rể và hôn lễ này.
"Nhìn thấy họ hàng hai bên, mẹ cười nói liên tục, tôi biết mình đã quyết định đúng. Chỉ bằng cách này chúng tôi mới có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người. Mẹ tôi sẽ vui mừng khi biết sẽ có một người chăm sóc cho tôi đến tận cuối đời. Còn chồng tôi cũng sẽ không bị hối thúc gặp mặt phụ nữ khác", Ou nói.
Vào những ngày lễ tết truyền thống, Ou và chồng vẫn đến thăm gia đình hai bên, làm tròn nghĩa vụ. Nhưng vài năm trở lại đây, khi gia đình, đồng nghiệp không còn nghi ngờ gì về cuộc hôn nhân này, họ lại trở về với cuộc sống của riêng mình.
"Tôi sống với bạn gái của tôi, còn chồng cũng sống với bạn trai anh ấy. Đôi khi 4 chúng tôi đi ăn tối cùng nhau như những người bạn tốt", Ou nói.
Ou và bạn gái đã sang Mỹ kết hôn tháng 9 vừa qua. Dù gia đình bạn gái Ou biết giới tính của con nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng cho mọi người biết. Giờ nhiệm vụ của hai người là tìm chồng cho bạn gái Ou để "che mắt thiên hạ".
Ou nói rằng sau khi cô lập gia đình, những bạn bè biết giới tính thật của cô bắt đầu nhờ cô tư vấn, con số đó ngày càng nhiều. Hiểu được nhu cầu của hơn 70 triệu người đồng tính Trung Quốc, và cả hàng triệu người đồng tính nữ giả vờ kết hôn với những người đồng tính nam để che giấu thân phận..., Ou và bạn gái đã lập một dịch vụ giúp đỡ những người trong cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới). Cả hai đã tổ chức hơn 80 sự kiện, giúp hơn 100 đôi bạn trẻ hoàn thành kết hôn giả.
Hiện giờ, nhiệm vụ của Ou là tìm "chồng" cho bạn gái mình. Ảnh: BBC.
Tuy nhiên Ou cho rằng kết hôn giả với nhiều người có thể là sự khởi đầu của một cơn ác mộng: "Nó sẽ rất phức tạp nếu các thành viên khác trong gia đình sống chung trong một thành phố. Một chuyến thăm bất ngờ có thể dễ dàng tiết lộ sự thật về hôn nhân của họ".
Theo cô, những đôi đồng tính nên có một ngôi nhà khác để đề phòng bất trắc, cố gắng không bị lộ thân phận dù đó là chuyện không hề dễ dàng. Chưa hết, sau khi kết hôn, họ còn phải đối mặt với vấn đề phức tạp hơn nhiều, đó là chuyện con cái khi lại bị thúc ép. Vợ chồng cô vẫn đang phải quanh co với nhiều lý do để trì hoãn việc này.
Dẫu biết rằng có thể dùng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, nhưng khi đó mọi chuyện sẽ rắc rối hơn nhiều. Họ sẽ phải cùng nhau chăm sóc con, giả vờ chung sống tiếp... cuộc sống, tình yêu đích thực của họ sẽ tiếp tục bị đảo lộn.
"Sớm hay muộn, gia đình tôi sẽ biết sự thật, nhưng tôi tin xã hội Trung Quốc sẽ trở nên khoan dung hơn với những người trong cộng đồng LGBT như tôi. Và có thể gia đình tôi sẽ dễ dàng chấp nhận tình trạng của tôi trong tương lai", Ou nói.
Mộc Miên (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.