Có giải pháp nào giúp ngư dân bám biển?

Nguyễn Mỹ Linh Thứ hai, ngày 05/09/2016 09:26 AM (GMT+7)
Còn gì cay đắng hơn khi mất biển quê nhà, mang thân đi đánh cá ở biển xứ người, bỏ lại quê hương, cha mẹ, con cái, làng mạc...
Bình luận 0

Vài hôm nay báo chí lại nhắc chuyện Formosa, lại nhắc chuyện giải quyết công ăn việc làm cho ngư dân mất biển. Nhiều giải pháp tự vận động và có tính tổ chức được nhắc đến. Làm nghề bốc vác thay vì đánh cá cũng là một giải pháp (Giải pháp tự thân – được nhắc đến trong báo cáo của Cục Việc làm bộ Lao động Thương binh Xã hội). Đi xuất khẩu lao động đánh cá trên biển xứ người cũng là một giải pháp. Tóm lại, rất nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết việc làm cho người lao động vốn có nghề cha truyền con nối là đánh cá trên biển. Nhưng trong rất nhiều giải pháp, rất ít thấy giải pháp nào có tính bền vững, giữ người nông dân ở lại với đồng ruộng, ngư dân ở lại với biển, nghĩa là họ được ở lại với gia đình vợ con, không phá vỡ thể chế nông thôn làng mạc.

Tất nhiên, sự cố xảy ra không ai tính được trước, mọi giải pháp đều mang tính tình thế, bắt buộc. Tất nhiên, hoặc có thể, các cơ quan quản lý cũng đã đau đầu để tìm cách giải quyết - ngay và luôn để ngư dân có việc làm. Chỉ xót xa rằng, giải pháp nào cuối cùng cũng đấy người nông dân ra khỏi làng quê của mình, ra khỏi gia đình mình, ra khỏi nơi gắn bó từ nhiều đời, nhiều kiếp.

img

Có giải pháp nào để ngư dân được ở lại trên quê hương và gắn bó với nghề truyền thống?

Đã từ nhiều năm nay, với những thăng trầm của lịch sử, có lẽ người Việt Nam bắt buộc phải quen với khái niệm “ra đi cứu nước cứu nhà”. Khái niệm này xuất phát từ những năm tháng chiến tranh, khi người người, nhà nhà rời bỏ lũy tre, từ biệt thành phố để lên đường cứu nước. Việc ra đi thời ấy mang ý nghĩa của sự hy sinh, của niềm tự hào vì đã đóng góp vào công cuộc giải phóng quê hương. Những năm 1980 hậu chiến đói nghèo, thêm một lần nữa, làn sóng người Việt bỏ nhà ra đi lại tiếp tục, nhưng lần này đã mang một ý nghĩa khác. Lần này chỉ còn là  “công cuộc cứu nhà” ra khỏi cơn bĩ cực của cơm áo. Xuất khẩu lao động Đông Âu, xuất khẩu lao động lao động châu Phi, công cuộc ra đi lần này không còn  niềm tự hào, nhưng cũng còn nhiều hồ hởi.

Thế giới mới rộng lớn bao la, nước bạn cùng khối xã hội chủ nghĩa giang tay đón chào nên người ra đi hớn hở, hy vọng được thấy chân trời mới, được ấm no cơm áo và “tiếp tục cứu nhà”. Rồi một chục năm trở lại đây, kinh tế khó khăn cùng với sự xuất hiện của những khu công nghiệp, việc rời làng ra đi kiếm ăn một lần nữa lại bước vào hình thái mới, chỉ có điều, lần này không còn tự hào,  cũng chẳng còn hớn hở, đơn giản chỉ là đói thì đầu gối phải bò. Với di chứng của biển miền Trung khi bị ảnh hưởng bởi Formosa, chắc chắn sẽ lại thêm những cuộc ra đi mới, chỉ có điều, lần này là bắt buộc khi không còn chọn lựa.

Có lẽ chưa có một nghiên cứu xã hội học nào của Việt Nam nghiên cứu về những thay đổi xã hội từ những cuộc ra đi ấy nhưng có một thực tế không thể không thấy là xã hội thay đổi, thể chế làng mạc thay đổi và cuối cùng là cơ chế gia đình cũng thay đổi. Chỉ cần làm một cuộc khảo sát nho nhỏ ở những làng quê Việt Nam, từ Bắc, Trung đến Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấy gia đình ở nông thôn Việt nam giờ đây lỏng lẻo đến thế nào. Hầu như không có họ nào không có người đi xa, rất nhiều gia đình mà trẻ con lớn lên cùng ông bà, mỗi năm gặp cha mẹ một vài lần.

Với thế hệ những đứa trẻ sinh ra ở thập niên 1960, việc cha xa nhà đi bộ đội là niềm tự hào. Với thế hệ những đứa trẻ sinh ra năm 1970, 1980, việc cha mẹ đi xuất khẩu lao động là sự hy sinh là công cuộc đổi đời cho cả một gia đình, thậm chí dòng họ. Với những đứa trẻ sinh ra sau này, chỉ còn là nỗi buồn thăm thẳm, sự chịu đựng thiệt thòi của số phận. Thử đi 200 km xa Hà Nội thôi là có thể thấy trong nhiều thôn xóm, trẻ con và người già ngơ ngác chờ đồng tiền thấm đẫm mồ hôi gửi về. Chỉ bỏ ra vài giờ đồng hồ để ngồi ở sân bay Nội Bài những dịp có đoàn đi xuất khấu lao động, là có thể thấy được những gương mặt công nhân xanh xao ngơ ngác thế nào trong đồng phục từ quần áo đến mũ, thậm chí đến cả những chiếc thùng các tông viết nguệch ngoạc những chặng bay vài ba lần transit. Tuyệt nhiên không thấy vẻ hào hứng nào, nụ cười nào.

Không thể phủ nhận xu hướng rời nông thôn lên thành thị là câu chuyện có tính toàn cầu, nhu cầu học tập, việc làm đã đẩy những người sống ở thành phố nhỏ lên thành phố lớn, thành phố lớn đi xa khỏi quê hương mình. Tuy thế, việc ly tán những gia đình, để lại sự thiệt thòi cho những đứa trẻ lại không nằm trong cái gọi là xu hướng có tính toàn cầu ấy. Phải chăng, Việt Nam, sau nhiều cuộc ly tán xa quê, xa nhà do những biến động của lịch sử và xã hội, đã không còn thấy việc để những người con xa quê, phá vỡ những thế chế làng xã và gia đình là một việc phản nhân văn, là điều phải suy nghĩ?

Đã không ít lần trong những chuyến đi của mình, tôi bắt buộc phải nhìn thấy những đồng bào Việt Nam của tôi, nhếch nhác lầm lũi ở sân bay xứ người, túm năm tụm ba giở cơm nắm, giở xôi, giở bánh mỳ khô ra ăn trong lúc chờ chuyến bay kế tiếp. Cũng không ít lần giữa trời xứ lạnh châu Âu, tôi nhìn thấy những thanh niên nói giọng miền Trung, sáng sủa sức vóc, lầm lũi khuân vác trong những khu lao động người Việt, tránh ánh mắt nhìn của người qua lại. Và giờ đây, còn gì cay đắng hơn khi mất biển quê nhà, mang thân đi đánh cá ở biển xứ người, bỏ lại quê hương, cha mẹ, con cái, làng mạc.

Đã từ bao lâu nay ngư dân miền Trung bám biển, họ có thể tự bỏ biển ra đi, nhưng họ đã chọn ở lại. Đã bao lâu nay chúng ta viết và nói về họ như những chiến sĩ bảo vệ cột mốc trên biển của Tổ quốc. Cũng từ bao lâu nay, máu ngư dân cũng đã đổ để biển Việt Nam giữ được nguyên lành, để những “tàu lạ” theo cách mà chúng ta vẫn viết và nói không ngang nhiên coi biển quê hương như chốn không thuộc địa phận của nước Việt. Vậy giải pháp mà chúng ta nói đến ngày hôm nay, liệu có phù hợp? Chúng ta sẽ nói gì với những em bé sẽ lớn lên ở biển miền Trung ấy, về biển, về sự vắng mặt của cha các em, và về chúng ta – những người đã chọn giải pháp đơn giản nhất trong khủng hoảng – là để ngư dân rời biển.

Liệu chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã bó tay trước nỗi thống khổ của ngư dân? 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem