Bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường: Cần làm rõ tính hợp pháp của thông tư 31

24/12/2019 21:05 GMT+7
TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng cần xem xét quá trình xây dựng nội dung Thông tư 31, cụ thể 21 vi chất đã thực sự tuân thủ các điều khoản yêu cầu của Luật An toàn thực phẩm hay chưa?

Xung quanh việc Bộ Y tế  ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường đảm bảo bổ sung đủ 21 vi chất dinh dưỡng, PV đã có cuộc trao đổi với TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) về nội dung thông tư.

Theo ông Sơn, Thông tư 31 chưa áp được những yêu cầu đó mà chỉ mới dừng ở việc đưa ra danh mục 21 vi chất. Việc này khiến cho người quản lý, phụ huynh học sinh băn khoăn lo lắng.

Có hay không lợi ích nhóm trong việc bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng trong Thông tư 31? - Ảnh 1.

TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp)

Cùng với đó, Thông tư chưa tuân thủ quy trình ban hành khi chưa đưa ra được nguồn gốc, cơ sở để xác định 21 vi chất xuất phát từ đâu?

21 vi chất với hàm lượng được quy định liệu có phù hợp với từng nhóm tuổi, từng nhóm đối tượng và vùng miền hay không? Có yêu cầu tất cả cần đủ 21 chất theo danh mục hay không? Đây là một câu hỏi lớn cần được giải quyết trong Thông tư nhưng chưa được đề cập.

Có những loại vi chất cần thiết với một số nhóm độ tuổi ví dụ: mầm non, tiểu học,... hay đối với các vùng miền các yêu  cầu vi chất cũng khác nhau.

21 vi chất cần phải có quá trình phân loại, trong đó có những vi chất nền tảng áp dụng với một số đối tượng thuộc diện đó.

Có những nhóm vi chất tương thích đáp ứng nhu cầu các nhóm, cần phải trú trọng vấn đề này đề hình thành một bộ quy chuẩn nhất định, áp vào nhu cầu thực tế.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao lại là 21 vi chất mà không phải là 10, 15,... vi chất? Và tại sao không có cách phân loại như trong Nghị định 15 và luật An toàn thực phẩm?

Có hay không lợi ích nhóm trong việc bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng trong Thông tư 31? - Ảnh 2.

Thông tư 31 yêu cầu sữa học đường phải đủ 21vi chất

"Nếu chiếu theo Thông tư 31, sẽ khiến người ta rất lúng túng trong việc xác định vi chất, hợp chất nào đã có sẵn trong sữa tươi và những loại hợp chất nào, vi chất nào cần phải được bổ sung và bổ sung bằng phương pháp nào mới có thể đạt được yêu cầu như thông tư đưa ra. Chính vì vậy, Thông tư 31 thiếu nền tảng, căn cứ để đưa ra số lượng vi chất và hàm lượng từng vi chất một", ông Sơn phân tích.

Cũng theo ông Sơn, tính pháp lý nếu xem xét trên cơ sở ban hành thông tư và căn cứ vào Luật An toàn thực phẩm (ATTP), nghị định về chức năng nhiệm vụ của Bộ Y tế thì đây là cơ bản. Mặc dù trong thông tư dẫn đến các căn cứ pháp lý khác như thông tư 30, Nghị định 15, 75 Tuy nhiên, Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15 không xác định cơ sở pháp lý để Bộ Y tế ban hành Thông tư 31, để xác định về yêu cầu của các sản phẩm sữa học đường. 

"Yêu cầu này cần được xác định từ Quyết định 1340 của Thủ tướng, nhưng từ Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15 cho đến Quyết định 1340 đều không hề có quy định giao trực tiếp cho Bộ Y tế ban hành yêu cầu đối với sản phẩm sữa này. Điều đó chứng minh, tính hợp pháp của nội dung các vi chất được quy định trong Thông tư chưa được làm rõ", ông Sơn phân tích. 

Ông Sơn cho biết thêm, yêu cầu về dinh dưỡng trên thực tế phải xác định trên một văn bản có hệ thống chuẩn với quy chuẩn quốc gia. Trong khi quyết định 1340 là một quyết định hành chính đơn thuần không phải là một văn bản quy phạm pháp luật, không phải văn bản có thể xác định được những tiêu chí về mặt nội dung các vi chất. 

"Không hề có bất cứ một quyết định nào đề cập đến việc giao cho Bộ Y tế ban hành 21 vi chất dinh dưỡng này. Cách tiếp cận của thông tư 31 với Quyết định 1340 cũng như các văn bản khác trong các văn bản quy định sữa tươi là những cách khác nhau. Có những điểm khác, không hoàn toàn phù hợp giữa các cách xác định vi chất ở các văn bản khác. Việc tiếp cận nguồn gốc, cơ sở cho 21 vi chất này không rõ ràng, khiến dư luận có quyền nghi ngờ rằng quyết định này phải chăng lấy kết quả phân tích vi chất của một loại sản phẩm mặc định nào đó?", ông Sơn bình luận. 

Điều đó đã làm băn khoăn về tính hợp pháp, phù hợp giữa nội dung cùa thông tư 31 với các quy định khác về vi chất của các sản phẩm sữa tươi. Đây là việc cần gấp để thực hiện Nghị định 1340, nhu cầu cấp thiết để ban hành những vi chất ở trong sữa tươi, ở đây chúng ta xác định là sữa tươi chứ không phải sữa hoàn nguyên. 

Theo ông Sơn, Bộ Y tế cần phải chứng minh được đã trải qua những quy trình nghiên cứu theo luật An toàn thực phẩm. "Nếu như Bộ Y tế bỏ qua những quy trình này là hoàn toàn trái luật, việc có một hệ tiêu chí vi chất nhưng lại không qua các quy trình và điều kiện được quy định trong luật An toàn thực phẩm thì rõ ràng là sai phạm. Đây là một trong những nội dung quyết định tới tính hợp pháp của thông tư 31", ông Sơn bình luận. 

Mặt khác, cũng cần xem xét quá trình xây dựng nội dung Thông tư 31, cụ thể 21 vi chất đã thực sự tuân thủ các điều khoản yêu cầu của Luật ATTP hay chưa? 

"Đối chiếu với luật ATTP xét về thẩm quyền Bộ Y tế thì việc công bố hệ vi chất là thuộc thẩm quyền được xác định, nhưng cách xây dựng nội dung bộ vi chất lại liên quan đến vấn đến Luật ATTP, liên quan đến quy trình và thẩm quyền khác", ông Sơn cho hay. 

Theo ông Sơn, Bộ Y tế ban hành bộ vi chất đáng ra phải làm từ lâu, nhưng vẫn vấp phải sự lúng túng trong cách làm, cách xác định các hệ thống vi chất. Nghi ngờ về việc xây dựng các hợp chất này liệu có làm đúng chuẩn hay không? Xây dựng bộ 21 vi chất liệu đã làm đúng chuẩn hay chưa? Tính pháp lý thể hiện sâu hơn ở quá trình làm, liệu có lợi ích nhóm? Có tồn tại sự chủ quan duy ý chí? 

"Nếu thông tư 31 được làm một cách vội vàng, không theo đúng chuẩn quy chuẩn, quy trình để xác lập hệ thống 21 vi chất là vi phạm luật. Tính hợp pháp của thông tư 31 không nằm ở việc thông tư đưa ra cái gì, mà vấn đề nằm ở chỗ những tiêu chí, nội dung đưa vào thông tư liệu có phù hợp hay không?", ông Sơn bình luận.

Ông Sơn cho biết thêm việc vội vàng, áp lực thời gian khiến cho Bộ Y tế tiến hành làm ngang, làm tắt làm không đúng với quy trình để xác nhận từng quy trình, quy chuẩn và từng vi chất. Sâu hơn, nó đặt ra một vấn đề nghi ngờ về việc tác động của lợi ích nào đó. Về hình thức, Thông tư 31 khó lòng phân tích cơ sở pháp lý mà cái chúng ta cần đi vào là nội dung của thông tư. 

"Nếu như có vi phạm, cần thiết phải đình chỉ thông tư 31 và xem lại nội dung Thông tư có phù hợp với yêu cầu đối với yêu cầu và đối tượng mặc định này hay không? Chúng ta cần xem lại nội dung được xác lập trong thông tư có đúng quy chuẩn, thẩm quyền hay chưa, tính hợp lý của thông tư đã phù hợp hay chưa? Nếu như chứng minh được Thông tư 31 sai phạm, hoàn toàn có thể thu hồi được", ông Sơn khẳng định. 

Ông Sơn cho hay, Bộ Tư pháp sẽ làm việc với Bộ Y tế để trao đổi, làm rõ tính hợp pháp của việc ban hành Thông tư 31.                                     

Ngọc Hoa
Cùng chuyên mục